VAMC ra đời vào năm 2013 và từ 2014 bắt đầu được các ngân hàng hưởng ứng bán nợ mạnh mẽ.
Trên thực tế, việc bán nợ cho VAMC không giúp các ngân hàng dọn sạch nợ xấu ngay lập tức, mà đó chỉ là nơi "gửi" các khoản nợ xấu để các ngân hàng có thời gian (5 năm) từ từ xử lý bằng cách trích lập dự phòng với tỷ lệ lên đến 20% mỗi năm.
Tuy nhiên, một số ngân hàng làm ăn kinh doanh tốt, có khả năng tự giải quyết khối nợ xấu mà không cần đến "kỹ thuật" bán cho VAMC thì có thể nhận lại số nợ xấu này sớm hơn thời hạn cho phép.
Ảnh minh họa.
Đến cuối năm 2017, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB, HOSE: MBB) là ngân hàng thứ 3 sau Vietcombank, Techcombank sạch nợ tại VAMC. Năm đó, MB cũng ghi nhận lợi nhuận cao khi vượt trên 20% so với kế hoạch.
Sau khi sạch nợ tại VAMC, lợi nhuận kinh doanh của MB trong năm 2018 tiếp tục bứt tốc và 9 tháng đầu năm nay đã ghi nhận lợi nhuận hơn 7.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nợ xấu của nhà băng này lại tăng đáng kể.
Tại thời điểm 31/12/2017, sau khi sạch nợ tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu của MB chỉ ở mức 1,20%.
Theo BCTC hợp nhất quý 3/2018, 9 tháng đầu năm 2018, nợ xấu tại MB tăng vọt hơn 45% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 67% lên mức 1.118 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 62% lên mức 1.318 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng lên mức 1,57% so với 1,20% hồi đầu năm.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2018.
Theo BCTC công ty mẹ quý 3/2019, 9 tháng đầu năm, MB có hơn 3.111 tỷ đồng nợ xấu, tăng gần 23% so với cuối năm 2018, trong đó cả 3 nhóm nợ xấu đều tăng, đặc biệt là nợ nhóm 5.
Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng hơn 9% lên 952.77 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 tăng gần 16% lên mức 813.95 tỷ đồng. Riêng nợ nhóm 5 tăng 40,3% lên mức 1.345 tỷ đồng, chiếm 43% trong tổng nợ xấu. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này tăng từ 1,22% của đầu kỳ lên mức 1,35%.
Đáng chú ý, nợ xấu tại công ty con MCredit tăng khá mạnh, từ dưới 6% hồi đầu năm lên gần 8%.
BCTC công ty mẹ quý 3/2019.
Dễ dàng nhận thấy, từ cuối năm 2017 đến nay, xu hướng nợ nhóm 3, nợ nhóm 4 và nhóm 5 tại nhà băng này tăng mạnh. Đây cũng là cơ sở hình thành nợ xấu mới của ngân hàng.
Nếu so sánh với "mức trần" 3% mà Ngân hàng Nhà nước quy định thì con số dưới 2% của MB không phải là con số lớn. Tuy nhiên, so với chính bản thân nhà băng này thì nợ xấu đang có xu hướng gia tăng đáng kể.
Đáng chú ý, mức độ tăng lãi dự thu của MB tuy chậm so với một số ngân hàng, song lại chiếm tỷ trọng rất lớn. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2019, lãi dự thu đạt 4.086 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãi dự thu tăng theo tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng là điều bình thường, song tại một số ngân hàng, tỷ lệ lãi dự thu quá lớn, hoặc tốc độ tăng quá mạnh sẽ là những cảnh báo cho các nhà đầu tư. Trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tương lai, mà chính là nợ xấu tiềm ẩn.
Lãi 9 tháng đầu năm tăng 29% so với cùng kỳ, đạt trên 7.000 tỷ
Theo BCTC hợp nhất quý 3/2019, tính đến cuối tháng 9/2019 MB tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao với tổng tài sản đạt mức 385 nghìn tỷ (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018), lợi nhuận trước thuế đạt 7.086 tỷ (tăng 29% so với cùng kỳ năm 2018), tổng huy động vốn của Ngân hàng đạt khoảng 255 nghìn tỷ (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018).
Theo BCTC riêng lẻ quý III, Ngân hàng Quân đội ghi nhận lãi sau thuế 2.272 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập lãi thuần tăng 16% lên 3.734 tỷ đồng, trong khi thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 38% lên 368,4 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh khác tăng 1,5 lần lên 887 tỷ đông, đồng thời hoạt động đầu tư góp vốn dài hạn cũng chuyển từ âm 48 tỷ đồng năm trước sang có lãi 160 tỷ đồng trong năm nay.
Lũy kế 9 tháng, ngân hàng lãi sau thuế 5.718 tỷ đồng, cao hơn 30% so với cùng kỳ 2018. Tổng tài sản ở mức 385.516 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm trước. Tiền gửi khách hàng đạt 255.627 tỷ đồng, tăng 6,2%.
Hà Phương