Nghỉ hưu năm 2024, lương hưu bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 56 và Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, lương hưu của người lao động sẽ được tính bằng tỷ lệ hưởng nhân với mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.
Cụ thể, tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
- Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% tiền lương tháng đóng BHXH.
Theo quy định tại Điều 56 và Điều 74 Luật BHXH năm 2014, lương hưu của người lao động được xác định theo công thức chung sau đây:
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH
Trong đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (đối với người tham gia BHXH bắt buộc) hoặc thu nhập tháng đóng BHXH (đối với người tham gia BHXH tự nguyện) sẽ phụ thuộc vào tiền lương, hoặc thu nhập đóng hằng tháng của người lao động và có nhân với hệ số trượt giá tương ứng.
Điểm b, c khoản 2 Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và điểm b,c khoản 2 Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP đều hướng dẫn về cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu của người lao động.
Theo đó, đối với lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, lao động nữ nghỉ hưu năm 2024, nếu đóng đủ 28 năm BHXH sẽ nhận được lương hưu với tỷ lệ 71% tiền lương tháng đóng BHXH.
Đối với lao động nam, từ năm 2022, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 20 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Vì vậy, lao động nam nghỉ hưu năm 2024, nếu đóng đủ 28 năm BHXH sẽ nhận được lương hưu với tỷ lệ 61% tiền lương tháng đóng BHXH.
Chẳng hạn, một phụ nữ nghỉ hưu tháng 6/2024, đóng bảo hiểm xã hội 28 năm, làm việc trong điều kiện lao động bình thường. Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là 4,3 triệu đồng, vậy lương hưu hàng tháng được tính như sau:
15 năm đầu tham gia sẽ được hưởng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Từ năm thứ 16 đến năm thứ 28 là 13 năm được hưởng thêm: 13 x 2% = 26%. Tổng 2 tỉ lệ là: 45% + 26% = 71%.
Như vậy, mức hưởng lương hưu của người này là: 71% x 4,3 triệu đồng = 3.053.000 đồng/tháng.
Ai được tăng lương hưu sau cải cách tiền lương?
Theo Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP, lương hưu từ 1/7/2024 sẽ tăng thêm 15% áp dụng với các đối tượng sau:
- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (gồm cả người đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, nghỉ hưu từ quỹ BHXH nông dân); quân nhân, công an và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
- Cán bộ cấp xã (xã, phường, thị trấn) đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng; Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130-CP và Quyết định số 111-HĐBT;
- Công nhân cao su thuộc đối tượng công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe nay già yếu phải thôi việc.
- Quân nhân, công an đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương;
- Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; trợ cấp hàng tháng cho những người đã hết tuổi lao động tại thời điểm ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng hoặc có từ đủ 15 - dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động;
Trong đó, bao gồm cả các đối tượng có lương hưu dưới 3,5 triệu đồng/tháng.
- Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
- Người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng trước 1/01/1995.
Ngoài ra, những đối tượng trên sau khi được tăng lương hưu mà có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh thêm như sau:
- Người có lương hưu dưới 3,2 triệu đồng/tháng: Tăng thêm 300.000 đồng/tháng.
- Người có mức hưởng từ 3,2 - dưới 3,5 triệu đồng/tháng: Tăng thêm số tiền tương ứng để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Mức lương hưu sau khi điều chỉnh ở trên là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu ở những lần tiếp theo.
Vietnamfinance
In bài viết