Ba thùng vaccine đã được đưa ngay vào kho lạnh, khoa Dược, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, để đảm bảo bảo quản ở nhiệt độ 2-8oC.
Dự kiến 8h, những liều vaccine Covid-19 AstraZeneca đầu tiên sẽ được tiêm cho lực lượng y tế ở tuyến đầu tại Hải Dương, Hà Nội và TP HCM.Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, khu tiêm chủng đặt tại khoa Khám bệnh, gồm phòng khám sàng lọc, phòng tiêm và phòng chờ sau tiêm chủng. 900 nhân viên y tế sẽ được tiêm, trong vòng một tuần.
Đây là những nhân viên y tế đầu tiên của khu vực phía Nam được tiêm vaccine AstraZeneca. 7 nhóm đối tượng được lựa chọn tiêm vaccine lần này gồm có nhân viên y tế của khoa Nhiễm D, khoa Cấp cứu, khoa Khám bệnh, phòng Công tác xã hội, phòng Xét nghiệm sinh học phân tử, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn và các trưởng, phó phòng chức năng cùng ban giám đốc bệnh viện.
Thời gian tiêm được chia theo hai ca, buổi sáng và buổi chiều ngày 8/3.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM là nơi tiếp nhận điều trị người nghi nhiễm, bệnh nhân Covid-19 nặng và nghiên cứu về nCoV. Để chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19, bệnh viện đã xây dựng kịch bản, tình huống và có thông tin đầy đủ cho nhân viên.
Hải Dương là địa phương đứng đầu trong danh sách ưu tiên tiêm chủng. Bộ Y tế phân phối cho tỉnh này 33.000 liều vaccine, nhiều nhất trong các tỉnh thành nhận vaccine đợt này. Công tác tiêm chủng sẽ diễn ra cùng lúc tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh.
Sở Y tế tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị địa điểm, trang thiết bị, sẵn sàng cấp cứu khi xảy ra phản ứng tiêm chủng. Mỗi đơn vị cử ít nhất một tổ cấp cứu lưu động gồm các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và xe cứu thương, thuốc, phương tiện để cấp cứu, hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới khi cần.
Tại Hà Nội, 100 y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh) sẽ tiêm vaccine Covid-19 trước. Họ công tác tại 20 khoa phòng thuộc bệnh viện, có nguy cơ nhiễm nCoV cao nhất. Bệnh viện đã bố trí 3 bàn tiêm với đủ phương tiện, kỹ thuật cần thiết tại Trung tâm phòng chống dịch bệnh. Các nhân viên y tế được thông báo và khám sàng lọc trước khi tiêm.
Ngoài 450 liều vaccine được Bộ Y tế cấp trực tiếp cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Hà Nội còn nhận 8.000 liều đưa về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố.Những người được tiêm chủng đợt này là nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở điều trị Covid-19. Họ trực tiếp điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 hoặc có nguy cơ cao nhiễm. Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người tiêm đủ hai liều vaccine AstraZeneca. Mũi tiêm thứ hai cách mũi thứ nhất 12 tuần.
Trong Hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, ngày 6/3, Phó giáo sư Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh, mỗi địa điểm sẽ tiêm không quá 100 người trong một buổi tiêm, để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Địa điểm tiêm phải được bố trí theo quy tắc một chiều. Khoảng cách giữa các ghế ngồi chờ tiêm, các bàn tiêm, giữa các đối tượng và giường theo dõi sau tiêm phải tối thiểu hai mét.
Người được tiêm vaccine phải được khám sàng lọc. Nếu bị ho, sốt, khó thở sẽ phải hoãn tiêm. Khi khám sàng lọc, người được tiêm phải thông báo cho nhân viên y tế tiền sử bệnh tật, các bệnh nhiễm trùng cấp tính, mạn tính phải điều trị, điều trị hóa trị, miễn dịch, có tiền sử dị ứng hay sốc phản vệ.
Nhân viên y tế phải tư vấn kỹ lưỡng cho người tiêm về phản ứng có thể xảy ra sau tiêm, như đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh, sốt... hoặc nặng hơn là phản ứng phản vệ, dị ứng. Khi họ đồng ý, kí vào giấy đồng thuận tiêm vaccine Covid-19, quá trình tiêm mới được tiến hành. Sau đó, người tiêm sẽ được giữ lại theo dõi 30 phút và tự theo dõi tại nhà trong vòng vài ngày.
Lịch sử tiêm chủng sẽ được cập nhật và theo dõi trên hồ sơ sức khỏe điện tử. Cả cơ sở y tế và người bệnh đều có thể truy cập vào hồ sơ này.
Bộ Y tế yêu cầu các điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh bảo quản vaccine đảm bảo yêu cầu. Điểm tiêm chủng cũng phải trang bị hộp chống sốc, phòng trường hợp xảy ra tai biến sau tiêm.
Việt Nam hiện có 117.500 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Bộ Y tế quyết định phân phối vaccine trước cho 13 tỉnh đang có dịch, gồm 14 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và 21 cơ sở điều trị Covid-19. Ngoài ra, có 600 liều được sử dụng để kiểm định chất lượng, lưu mẫu tại đơn vị nhập khẩu cùng Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế theo quy định.
Dự kiến, tháng 3 sẽ có thêm 1,3 triệu liều vaccine nữa về trong chương trình Covax Facility. Các tháng tiếp theo sẽ tăng dần lên, đảm bảo đủ 100 triệu liều cho đợt tiêm chủng lớn nhất lịch sử.