Sàn giao dịch BĐS có bị "sụp đổ" nếu dự thảo Luật Kinh doanh BĐS được thông qua?

(Kinhdoanhnet) - Không bắt buộc giao dịch bất động sản (BĐS) phải qua sàn mà chỉ khuyến khích các bên tham gia để bảo đảm quyền lợi, công khai, minh bạch là đề xuất của Bộ Xây dựng trong Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa được trình lên Quốc hội và chờ phê duyệt ngày 24/ 5/2014 vừa qua. Trước đề xuất này, câu hỏi đặt ra là: Nếu dự thảo luật này được thông qua thì nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các sàn giao dịch BĐS trên thị trường hiện nay?


Sàn giao dịch BĐS có bị "sụp đổ" nếu dự thảo Luật Kinh doanh BĐS được thông qua? - Ảnh 1
Những sàn giao dịch BĐS uy tín vẫn thu hút được khách hàng
Không ảnh hưởng đến hoạt động của các sàn giao dịch

Đó là câu trả lời của ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Phú Quý - một trong những sàn giao dich BĐS đang phân phối nhiều dự án BĐS Hà Nội hiện nay, khi được hỏi về phản ứng của các sàn giao dịch BĐS trước dự thảo về luật kinh doanh BĐS sửa đổi của Bộ Xây dựng. Đồng thời, đây cũng là nhận định chung của đại diện nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh này.

Ông Hà phân tích: Trước hết là việc người dân đã quen với việc qua sàn. Điều này xuất phát từ bản chất cuả các sàn giao dịch BĐS. Sàn giao dịch BĐS là một hình thức dịch vụ, mà chức năng của nó là kết nối giữa các chủ đầu tư và thị trường tiêu dùng. Thực tế đã cho thấy, kể từ khi Luật kinh doanh BĐS có hiệu lực ngày 1/1/ 2007 đến nay, các sàn giao dịch BĐS đã đảm nhiệm rất tốt chức năng của mình trong việc cung cấp thủ tục pháp lý, quy trình bán hàng, xắp xếp và tư vấn cho khách hàng… đáp ứng nhu cầu của cả khách hàng và chủ đầu tư.

Yếu tố thứ hai là các sàn giao dịch làm công tác tư vấn, chăm sóc khách hàng và dịch vụ hậu mãi tốt hơn nhiều so với chủ đầu tư. Và chính vì vậy mà việc bán hàng của chủ đầu tư sẽ không thể chuyên nghiệp bằng nhân viên tại các sàn giao dịch.

Các sàn giao dịch BĐS tự độc lập do các cá nhân, tổ chức thành lập và hoạt động theo nhu cầu của thị trường đã hoạt động khá hiệu quả trong thời gian vừa qua chính là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của các sàn giao dịch. Đa số các sàn giao dịch BĐS này đều được lập nên do những người đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Họ có kinh nghiệm, có vốn và quan trọng hơn là sự gắn bó, say mê với nghề. Trong giai đoạn thị trường còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, không chỉ chủ động “nằm vùng” ngay tại dự án để bán hàng, các sàn giao dịch BĐS còn bắt tay nhau thành lập các liên minh để tạo sức mạnh tổng hợp. Tại Hà Nội, hiện đang tồn tại 2 liên minh tiếp thị bất động sản hoạt động khá hiệu quả là G5 và R9+.

Các sàn giao dịch tồn tại, phát triển là tất yếu, khách quan.


Các sàn giao dịch BĐS thực chất là đang chia sẻ công việc với các chủ đầu tư trong khâu phân phối và tiếp thị sản phẩm. Hoạt động của các sàn giao dịch này đã đáp ứng nhu cầu của xã hội. Và cũng chính vì vậy, việc tồn tại của nó dưới hình thức này hay hình thức khác là tất yếu, khách quan, không phụ thuộc vào luật. 

Trước năm 2007, khi chưa có luật Kinh doanh BĐS quy định các giao dịch bất động sản bắt buộc phải qua sàn, vẫn tồn tại các trung tâm môi giới (cò mồi) BĐS… Sau đó, khi luật Kinh doanh BĐS bắt buộc các chủ đầu tư phải đưa sản phẩm ra thị trường qua các sàn giao dịch BĐS, các sàn BĐS đã mọc lên như nấm. Tuy nhiên, khi thị trường suy thoái, số lượng các sàn giải thể rất nhiều do không hoạt động thành công.

Điều này một lần nữa khẳng định dù Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi có được thông qua hay không thì nó cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến hoạt động của các sàn giao dịch.

Các sàn vẫn có thể sống, thậm chí là sống tốt hơn, nếu biết cách tự chuyên nghiệp hóa mình, mở rộng các tiện ích và trở thành một kênh hữu ích trên thị trường BĐS. Dự thảo này là cơ hội tốt để các doanh nghiệp phân phối sản phẩm và dịch vụ BĐS tự điều chỉnh và hoàn thiện mình để tiếp tục thu hút và mở rộng khách hàng. Chất lượng và hiệu quả dịch vụ chính là yếu tố mấu chốt cho sự phát triển của doanh nghiệp. 

Mặt khác, doanh nghiệp nào không làm được điều đó thì chấp nhận giải thể, phá sản... đó cũng là một cách để góp phần minh bạch, lành mạnh hóa thị trường, hay một khía cạnh khác của sự tồn tại khách quan của các sàn giao dịch BĐS.

Thu Phương


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục