Theo Báo cáo tài chính về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) công bố mới đây thì tính cho tới thời điểm ngày 30/9/2016 tổng tài sản của Saogonbank đạt khoảng 18.211 tỷ đồng, tăng 3% so với giai đoạn đầu năm. Hai chỉ tiêu chính của ngân hàng là cho vay và huy động vốn cũng không tăng nhiều so với đầu năm, huy động vốn Saigonbank chỉ tăng 6% đạt 13.951 tỷ đồng và dư nợ tín dụng chỉ xấp xỉ đầu năm đạt 11.795 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay, Saigonbank ghi nhận hơn 467 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Những mảng kinh doanh như hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác trong kỳ 9 tháng của Saigonbank tương đối khởi sắc và đóng góp khá nhiều vào lợi nhuận chung của ngân hàng. Lần lượt lãi từ hoạt động dịch vụ là 24 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối là 14 tỷ đồng và hơn 26 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác.
Trong kỳ Saigonbank có sự sụt giảm của khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng từ 92 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước xuống còn 82 tỷ đồng trong năm nay, tương đương mức giảm 11%.
Trong khi chi phí hoạt động vẫn giữ nguyên so với cùng kỳ thì mức giảm 11% của khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đã giúp lãi trước thuế Saigonbank tăng trưởng thêm gần 6% đạt 184 tỷ đồng, và vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 41% chỉ sau 9 tháng.
Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp và các chi phí liên quan Saigonbank lãi ròng 147 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng nhẹ so với 9 tháng năm 2015 là 143 tỷ đồng.
Tuy sở hữu kết quả lợi nhuận tăng trưởng khá và vượt kế hoạch năm chỉ sau 9 tháng nhưng ít ai ngờ rằng Saigonbank lại là một ngân hàng tập trung cho vay ngắn hạn rất nhiều.
Đối với những ngân hàng cỡ nhỏ như Saigonbank thì khoản đóng góp chính vào kết quả lợi nhuận của ngân hàng chính là khoản thu nhập lãi thuần, chính là tiền lãi và các khoản liên quan từ cho vay. Nếu như những ngân hàng khác lựa chọn tập trung cho vay trung và dài hạn khá nhiều như BacABank, NCB hay VPBank… để có lãi suất cao hơn thì Saigonbank lại tập trung vào những khoản cho vay ngắn hạn.
Dù có tới 75% tổng dư nợ là cho vay ngắn hạn nhưng lợi nhuận của Saigonbank vẫn tăng trưởng tốt, nhiều khả năng là do lãi suất cho vay của ngân hàng ở mức cao.
Với mức tổng dư nợ chỉ vỏn vẹn 11.795 tỷ đồng của Saigonbank, thuộc hàng thấp nhất hệ thống, thì có tới gần 75% tổng dư nợ là các khoản cho vay ngắn hạn. Dù các khoản cho vay ngắn hạn có lãi suất thấp hơn khá nhiều các khoản cho vay trung và dài hạn nhưng xét về mức độ rủi ro thanh khoản thì các khoản cho vay ngắn hạn sẽ thấp hơn rất nhiều các khoản cho vay trung và dài hạn.
Việc cho vay ngắn hạn nhiều mà lợi nhuận của Saigonbank vẫn tăng trưởng tốt và vượt kế hoạch năm có thể đến từ mức lãi suất cho vay khá cao của Saigonbank hiện tại. Thực tế, mức lãi suất cho vay hiện tại của Saigonbank vẫn thuộc hàng cao so với thị trường trong khi hệ thống đang có dấu hiệu giảm lãi suất cho vay thì Saigonbank sẽ rất khó để theo kịp.
Việc lãi suất cho vay khá cao cũng giải thích cho việc dư nợ tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2016 của Saigonbank gần như “dậm chân tại chỗ”, trong khi hầu hết các ngân hàng trong hệ thống đều cho thấy sự tăng trưởng tốt về quy mô tín dụng.
Một điểm bất ngờ trong Báo cáo tài chính của Saigonbank đó là, tới 75% dư nợ tín dụng là cho vay ngắn hạn với tỷ lệ rủi ro thấp thế nhưng nợ xấu của Saigonbank 9 tháng đầu năm lại tăng mạnh. Cụ thể, tính cho tới ngày 30/9/2016, Saigonbank có 299 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có hơn 238 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, tăng 31% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu hiện tại vào khoảng 2,53% tổng dư nợ, trong khi hồi đầu năm chỉ là 1,88%.
Quang Thắng