“Ghế nóng” Saigonbank cuối cùng đã có chủ
Phiên họp cổ đông bất thường 2019 của Saigonbank đã nhất trí bầu ra Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Theo đó, HĐQT Saigonbank nhiệm kỳ 2019 - 2024 gồm 6 thành viên, gồm ông Vũ Quang Lãm, bà Trần Thị Phương Khanh, ông Trần Thanh, ông Trần Quốc Thanh, ông Nguyễn Cao Trí, bà Phạm Thị Kim Lệ. HĐQT Saigonbank nhiệm kỳ mới 2019 - 2024 đã họp phiên đầu tiên để bầu Chủ tịch HĐQT và ông Vũ Quang Lãm được tín nhiệm bầu vào vị trí này nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Trước phiên họp bất thường một tháng, Saigonbank cũng bổ nhiệm loạt lãnh đạo điều hành cấp cao. Cụ thể, sau hơn 1 năm bỏ không vị trí Tổng giám đốc, hiện ông Trần Thanh Giang giữ vị trí này, ông Trần Quốc Thanh và ông Hoàng Hồng Thịnh giữ chức Phó tổng giám đốc từ ngày 1/9.
Ông Vũ Quang Lãm.
Được biết, ông Vũ Quang Lãm đã đảm nhiệm công việc Chủ tịch HĐQT cách đây hơn một năm, từ ngày 19/6/2018 sau khi ông Phạm Văn Thông, nguyên Chủ tịch HĐQT thôi giữ nhiệm vụ do không còn là người đại diện vốn góp theo ủy quyền của Thành ủy TP.HCM tại ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay ông Vũ Quang Lãm mới được cổ đông Saigonbank và HĐQT chính thức bầu vào ghế "nóng" Chủ tịch Saigonbank.
Đáng chú ý, sau khi rời SaigonBank, ông Phạm Văn Thông đã nhận quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do sai phạm trong hai vụ việc: Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận hợp tác đầu tư để chuyển nhượng Dự án Khu nhà ở, phường An Phú, Quận 2.
Trước đó, cuối năm 2017, Vietcombank đã bán toàn bộ 4,3% vốn SaigonBank. Với giá trúng bình quân 20.100 đồng/cp, Vietcombank thu lãi 143 tỷ đồng nhờ khoản đầu tư này. Tuy nhiên, cùng chung xu hướng với cổ phiếu ngân hàng trên sàn niêm yết, giá cổ phiếu SaigonBank giao dịch trên OTC cũng giảm đáng kể.
Lợi nhuận “èo uột”
SaigonBank là ngân hàng cổ phần Việt Nam đầu tiên được thành lập trong hệ thống với 31 năm hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay ngân hàng này vẫn có quy mô khá khiêm tốn trong hệ thống với tổng tài sản đến 30/6/2019 đạt 21.291 tỷ đồng, vốn điều lệ tính đến 31/12/2018 là 3.080 tỷ đồng.
Theo BCTC hợp nhất quý IV năm 2018, lợi nhuận trước và sau thuế chỉ còn gần 53 tỷ đồng và gần 42 tỷ đồng, giảm 26% và 24% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng trong quý 4/2018, SGB lỗ ròng gần 52 tỷ đồng, chỉ giảm so với con số lỗ hơn 129 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017. Năm 2018, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 796 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay ở mức 2,2%.
Bước sang năm 2019, kết quả kinh doanh của Saigonbank tụt dốc không phanh. Cụ thể, quý 1/2019 dư nợ cho vay khách hàng bị sụt giảm 0,4% xuống mức 13.504 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 71 tỷ, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2018, lãi ròng đạt 67 tỷ đồng, giảm 40%.
Đặc biệt, đến ngày 31/3, nợ xấu tại ngân hàng là 328 tỷ, tăng 27 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 2,2% lên 2,41%.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, thu nhập lãi thuần đạt gần 317 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác cũng lần lượt giảm đáng kể ở mức 53% và 74% so với cùng kỳ, tương ứng chỉ còn đạt gần 5 tỷ đồng và 12 tỷ đồng.
Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của Saigonbank đều giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 88 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kết thúc quý 2/2019, tổng nợ xấu của Saigonbank tăng 6%, chiếm gần 319 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh 46% so với hồi đầu năm, chiếm hơn 49 tỷ đồng.
Thực tế, việc nhân sự cấp cao liên tục bị xáo trộn trong nhiều năm qua khiến tình hình kinh doanh của ngân hàng đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Tỷ lệ nợ xấu tăng liên tục qua các năm, lợi nhuận sụt giảm, vốn điều lệ thấp.
Hà Phương