Sai phạm trong quản lý đất đai tại 7 đơn vị trực thuộc Vinacafe

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, tình trạng lấn chiếm xây dựng dựng nhà trái phép đất nông nghiệp, đất của các công ty còn diễn ra trên diện rộng và ngày càng phức tạp, đặc biệt là tại 7 đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe).

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Đắk Lắk trong việc thực hiện pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng và công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Trong đó, Thanh tra Chính phủ có nhắc đến sai phạm của các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe).

Cụ thể, kết luận thanh tra nêu rõ, "tình trạng lấn chiếm xây dựng dựng nhà trái phép đất nông nghiệp, đất của các công ty nông lâm nghiệp còn diễn ra trên diện rộng và ngày càng phức tạp, thời gian dài nhưng không được các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp xử lý dứt điểm theo quy định hiện hành dẫn đến hệ lụy sau này khó giải quyết, tiềm ẩn phát sinh các điểm nóng về khiếu kiện đông người, đặc biệt là tại 07 đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam trên địa bàn huyện Cư Kuin".

Việc người dân lấn chiếm xây dựng dựng nhà trái phép đất nông nghiệp còn có trách nhiệm của Vinacafe và Giám đốc các công ty thành viên trực thuộc.
Việc người dân lấn chiếm xây dựng dựng nhà trái phép đất nông nghiệp còn có trách nhiệm của Vinacafe và Giám đốc các công ty thành viên trực thuộc.

Thanh tra Chính phủ cho rằng trách nhiệm trực tiếp để xảy ra các sai phạm, vi phạm về đất đai trước hết thuộc Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Sở Xây dựng; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (trong đó có Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột); Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Xây dựng, Thanh tra các huyện, thành phố và các cá nhân có liên quan.

Và đặc biệt, "liên quan đến người dân lấn chiếm xây dựng dựng nhà trái phép đất nông nghiệp còn có trách nhiệm của Tổng công ty Cà phê Việt Nam và Giám đốc các công ty thành viên trực thuộc trên địa bàn huyện Cư Kuin"- Kết luận Thanh tra nêu rõ. 

Theo thông tìn tìm hiểu được, Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) được thành lập theo Quyết định số 251/TTg ngày 29/4/1995 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị sản xuất, lưu thông, sự nghiệp về cà phê thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các đơn vị sản xuất, lưu thông thuộc địa phương; Là một trong những doanh nghiệp công nông nghiệp thuộc hạng quan trọng đặc biệt của nhà nước, đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành Cà phê Việt Nam – ngành sản xuất và xuất khẩu có tính đặc thù cao.

Căn cứ Quyết định số 1736/QĐ-TTg ngày 29/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án chuyển Vinacafe sang hoạt động theo hình thức công ty mẹ – công ty con, ngày 29/10/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1737/QĐ-TTg về việc thành lập Công ty mẹ – Tổng công ty Cà phê Việt Nam.

Ngày 25/6/2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 980/QĐ-TTg v/v chuyển Công ty mẹ – Tổng công ty Cà phê Việt Nam thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Hiện tại, Vinacafe có vốn điều lệ 1.150 tỷ đồng và công ty có chi nhánh tại 15 tỉnh, thành phố với trụ sở chính tại số 211-213-213A đường Trần Huy Liệu, phường 8, quận Phú Nhuận, Tp.HCM.

Vinacafe được biết đến là nhà cung cấp cà phê hàng đầu của Việt Nam và là đơn vị chủ lực của ngành cà phê Việt Nam để tham mưu trong việc hoạch định chính sách, định hướng thị trường cho ngành cà phê Việt Nam. Chủ yếu sản phẩm cà phê được tiêu thụ tại nhiều nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á.

Về tình hình kinh doanh, tổng doanh thu 8 tháng đầu năm của Vinacafe đạt 1.314 tỷ đồng, hoàn thành 71 % kế hoạch năm, bằng 130% so với cùng kỳ; trong đó, Công ty mẹ là 893 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch năm, bằng 125% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận, lỗ 33 tỷ đồng; trong đó, Công ty mẹ lỗ 19,7 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách nhà nước 58,7 tỷ đồng, đạt 105 % kế hoạch năm; trong đó, Công ty mẹ nộp 9 tỷ đồng, đạt 64 % kế hoạch năm.

Vừa qua, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2021.

Theo đó, Báo cáo cho thấy năm 2021 có 138/673 doanh nghiệp nhà nước lỗ lũy kế với số tiền 50.125 tỷ đồng trong đó nhiều tập đoàn, tổng công ty thua lỗ lớn như Vinachem, VRN, Vinacafe, Tổng công ty 15, Saigontourist.

Trong đó theo báo cáo hợp nhất Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ 3.038 tỷ đồng; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ 1.976 tỷ đồng; Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ 857 tỷ đồng; Tổng công ty 15 lỗ 548 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV 622 – Bộ Quốc phòng lỗ 77 tỷ đồng; Tổng công ty Du lịch Hà Nội lỗ 69 tỷ đồng; Tổng công ty xây dựng Trường Sơn lỗ 61 tỷ đồng; Tổng công ty Công nghiệp SG lỗ 31 tỷ đồng; Tổng công ty Thái Sơn lỗ 27,6 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - BQP lỗ 8 tỷ đồng;...

Một số công ty mẹ lỗ lũy kế lớn như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (2.612,7 tỷ đồng); Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (1.822 tỷ đồng); Tổng công ty Cà phê Việt Nam (453 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (426 tỷ đồng); Tổng công ty 15 (156 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV 622 – BQP (54 tỷ đồng); Tổng công ty Đầu tư và XNK Cao Bằng (3,3 tỷ đồng);...

Hồi tháng 8/2022, tại buổi làm việc với Vinacafe, ông Nguyễn Quế Dương – Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) nhận định: năm 2022, Tổng công ty Cà phê Việt Nam khả năng cao là sẽ không hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh và các chỉ tiêu tài chính đã được Ủy ban phê duyệt. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý sản xuất kinh doanh và quản trị của Tổng công ty còn chưa phát huy được hiệu quả.

Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng còn một số tồn tại về công nợ phải thu hồi cũng như sẽ phải trả nợ một số khoản liên quan đến truy thu tiền sử dụng đất, thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Vì vậy, Tổng công ty cần sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong sản xuất kinh doanh cũng như quản lý vốn và tài sản; cố gắng đảm bảo kết thúc năm 2022, có thể không có lãi, nhưng cố gắng không được để tiếp tục lỗ như các năm trước.

PV

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục