Sabeco và Habeco: Hai thái cực đối nhau trong kết quả kinh doanh quý I

Trong khi Sabeco bị đối thủ ở phân khúc cao cấp cạnh tranh còn Habeco lại bị chính Sabeco và Heineken cạnh tranh ở thị trường phía Bắc. Dù cạnh tranh gay gắt song Sabeco vẫn ghi nhận lợi nhuận quý I tăng trưởng nhờ mạnh tay chi quảng cáo ngược lại, Habeco lại ghi nhận lợi nhuận quý I thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

Cạnh tranh gay gắt với phân khúc cao cấp, Sabeco vẫn báo lãi tăng trưởng

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã: SAB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019.

Sabeco và Habeco: Hai thái cực đối nhau trong kết quả kinh doanh quý I - Ảnh 1
Số liệu kinh doanh quý I của Sabeco (Nguồn: Báo cáo tài chính quý I, HK tổng hợp)

Theo báo cáo tài chính, quý I Sabeco đạt 9.337 tỷ đồng doanh thu thuần, 1.221 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng trưởng lần lượt 20% và 10% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh nghiệp lý giải do sản lượng tiêu thụ và giá bán sản phẩm tăng đã khiến cho doanh thu tăng trưởng.

Doanh thu tăng nhưng giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh hơn khiến biên lợi nhuận gộp của Sabeco giảm nhẹ từ 24,9% xuống còn 23,5%.

Sabeco và Habeco: Hai thái cực đối nhau trong kết quả kinh doanh quý I - Ảnh 2
Nguồn: Báo cáo tài chính quý I

Trong cơ cấu doanh thu, mảng bia vẫn là chủ lực, đóng góp đến 85% vào tổng doanh thu, tiếp đó là doanh thu từ mảng bao bì vật tư. Doanh thu từ nước giải khát, cồn, rượu chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu. Sản phẩm bia mang về lợi nhuận gộp lên tới 27%.

Trong kỳ chi phí bán hàng tăng mạnh chủ yếu là chi phí quảng cáo, tiếp thị tăng 55% so với cùng kỳ 2018. Khoản chi phí cho quảng cáo, tiếp thị tính riêng quý I đã lên tới 345 tỷ đồng, tỷ lệ chi phí quảng cáo/doanh thu thuần của Sabeco là chưa tới 4%.

Theo thông tin từ báo cáo thường niên 2018, Sabeco cũng cho biết thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 5% từ 60% lên 65% trong năm 2018 tạo áp lực đáng kể đến chỉ tiêu lợi nhuận của Công ty trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt các hãng bia nước ngoài với nguồn lực tài chính mạnh, không ngừng đầu tư tăng công suất, chi tiền cho quảng cáo, tiếp thị để tiếp cận thị trường, người tiêu dùng và gia tăng thị phần.

Phân khúc bia phổ thông vốn là thế mạnh của Sabeco đang bị cạnh tranh rất khốc liệt từ các công ty thuộc phân khúc bia cao cấp.

Năm 2019, Sabeco đặt mục tiêu 38.871 tỷ đồng doanh thu thuần, 4.717 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kế hoạch đề ra, trong quý I Tổng Công ty đã thực hiện được 24% mục tiêu doanh thu và 26% lợi nhuận năm.

Sabeco và Habeco: Hai thái cực đối nhau trong kết quả kinh doanh quý I - Ảnh 3
"Ông vua" tiền mặt Sabeco (Ảnh minh họa)

Tại ngày 31/3/2019, tổng tài sản của Sabeco gần 23.040 tỷ đồng. Trong đó khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn lên tới 12.442 tỷ đồng, chiếm 54% tổng tài sản.

Đáng chú ý trong khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của Sabeco có gần 21 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu của Tập đoàn Kinh tế Vinashin và Tổng công ty đã phải trích lập dự phòng toàn bộ khoản đầu tư này.

Sabeco và Habeco: Hai thái cực đối nhau trong kết quả kinh doanh quý I - Ảnh 4
Nguồn: Báo cáo tài chính quý I


Bên cạnh đó, trong khoản đầu tư tài chính của Sabeco có khoản tiền hơn 136 tỷ đồng đổ vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank), 23 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư vào Phát triển Không Gian Ngầm đã phải trích lập dự phòng toàn bộ.

Sabeco và Habeco: Hai thái cực đối nhau trong kết quả kinh doanh quý I - Ảnh 5
Nguồn: Báo cáo tài chính quý I

Ngoài ra các khoản đầu tư vào CTCP Chứng khoán Đại Việt, Quỹ đầu tư Chứng khoán Sài Gòn A2, Công ty PVI Sài Gòn cũng phải trích lập phần lớn giá trị. Dành hơn 681 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, Sabeco đã phải trích lập tới ½ giá trị các khoản đầu tư.

Tại ngày 31/3, tổng nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn của Sabeco chỉ hơn 433 tỷ đồng.

Habeco báo lãi quý I thấp nhất 4 năm


Nếu quý I/2019 Sabeco báo lãi đậm nhờ mạnh tay chi quảng cáo thì Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco – Mã: BHN) lại ghi nhận một quý tăng trưởng âm.

Sabeco và Habeco: Hai thái cực đối nhau trong kết quả kinh doanh quý I - Ảnh 6
Số liệu kinh doanh quý I của Habeco (Nguồn: Báo cáo tài chính quý I, HK tổng hợp)

Kết thúc quý I Habeco đạt 1.564 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 10% nhưng giá vốn hàng bán tăng mạnh kéo tụt biên lợi nhuận của Công ty xuống còn 21,4%. Lợi nhuận sau thuế của Habeco ghi nhận giảm tới 42% còn 64 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận trong quý I thấp nhất trong 4 năm trở lại đây của Habeco.

Trong kỳ, Habeco chỉ chi chưa tới 68 tỷ đồng tiền quảng cáo, khuyến mãi và chỉ bằng 20% so với Sabeco. Tỷ lệ chi phí quảng cáo, khuyến mãi/doanh thu thuần của Habeco cũng chỉ hơn 4%, cao hơn Sabeco chưa tới 1% nhưng có thể thấy hiệu quả trong marketing của Sabeco.

Sabeco và Habeco: Hai thái cực đối nhau trong kết quả kinh doanh quý I - Ảnh 7
Habeco phải cạnh tranh gay gắt trên chính nơi mình từng nắm giữ vị thế hàng đầu (Ảnh minh họa)

Habeco cũng phải thừa nhận các sản phẩm của Công ty đang bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường miền Bắc và Bắc miền Trung. Sabeco tăng trưởng bằng sản phẩm Saigon Lager và 333 với tốc độ tăng tới 32% còn Heineken Việt Nam tăng trưởng tới 71%.

Năm 2019, Habeco đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 310 tỉ đồng, mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay. Hết quý I, Habeco đã thực hiện được 21% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tại ngày 31/3/2019, tổng tài sản của Habeco đạt 8.688 tỷ đồng. Tương tự như “vua” tiền mặt Sabeco thì Habeco cũng sở hữu lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn lên tới 3.327 tỷ đồng, chiếm tới 38% tổng tài sản.

Hết quý I, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn từ ngân hàng của Habeco là 585 tỷ đồng.


Hoàng Kiều



KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục