Thị trường bia Việt phát triển mạnh
Thị trường bia Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam tăng bình quân 12% trong giai đoạn 2006-2010 và dự báo tăng 13% giai đoạn 2011-2015.
Theo số liệu của Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, dù kinh tế khó khăn nhưng ngành bia vẫn phát triển tốt. Chỉ tính riêng những nhãn hiệu bia sản xuất trong nước, trong năm 2010, đã có hơn 2,7 tỷ lít bia được tiêu thụ. Việt Nam đã trở thành nước thứ ba có sản lượng tiêu thụ bia cao nhất châu Á, sau Nhật và Trung Quốc. Mặc dù lượng tiêu thụ đang ở mức cao nhưng sức tiêu thụ mặt hàng bia vẫn đang tăng lên mạnh mẽ bất chấp những khó khăn của nền kinh tế.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay theo khảo sát tại 4 thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng), đã có khoảng vài trăm triệu lít bia được tiêu thụ tại các hộ gia đình.
Có vẻ như doanh nghiệp nội rất thành công khi nỗ lực giành được thị phần lớn trên thị trường này. Theo thống kê của Bộ Công thương hiện tại trên thị trường có 4 công ty bia lớn nhất là Sabeco (bia Sài Gòn, bia 333), Habeco (bia Hà Nội), VBL (Heineken, Tiger…) và Carlsberg. Trong đó, năng lực sản xuất của Sabeco và các công ty con, công ty liên kết là 1,7 tỷ lít/năm, ước tính khoảng 80% thị phần bia Việt Nam đang nằm trong tay 3 hãng Sabeco, Habeco và VBL.
Sabeco và Heineken cạnh tranh gay gắt
Trong năm 2013, Tổng công ty cổ phần bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) giữ thị phần lớn nhất trên thị trường bia Việt Nam, và nằm trong Top 3 các nhà sản xuất bia hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên ngôi vị này của Sabeco lại đang bị lung lay bởi một đối thủ khá mạnh là Heineken. Chỉ trong vài năm trở lại đây khoảng cách giữa Heineken với thương hiệu bia lớn nhất Việt Nam ngày càng được thu hẹp lại. Ngày càng có nhiều khách hàng ưa chuộng và tin dùng Heineken.
Hiện có khoảng 30 thương hiệu bia quốc tế đang có mặt tại Việt Nam. Đó là chưa kể sự xuất hiện rầm rộ của bia Sapporo đến từ Nhật trong thời gian qua và sự âm thầm mở rộng thị phần của Carlsberg tại thị trường VN trong mấy năm gần đây khiến cho áp lực cạnh tranh trên thị trường bia ngày càng gay gắt hơn. Tuy nhiên, sức hút với nhà đầu tư cho ngành này chưa dừng lại.
Hiện có khoảng 30 thương hiệu bia quốc tế đang có mặt tại Việt Nam.
Các khách hàng thường tìm tới bia trong những khi thời tiết oi bức, hay vào những dịp lễ tết vì vậy đây là thời điểm mà các công ty bia đẩy mạnh quảng cáo PR cho sản phẩm của mình. Không ngoại lệ cả Sabeco và Heineken đều đổ hàng trăm tỷ đồng cho quảng cáo, PR cho thương hiệu của mình nâng cao doanh số bán hàng. Hiện tại Heineken đang bám sát Sabeco về lượng tiêu thụ, cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh ngôi vị số 1 đang diễn ra ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, cả 2 ông trùm này đều có sự tự tin của mình. Sabeco cạnh tranh về giá, Heineken lại cạnh tranh về thương hiệu.
Heineken và Sabeco đang được đánh giá là có sức cạnh tranh ngang ngửa nhau, nếu như Heineken tự tin với thương hiệu toàn cầu của mình, có kế hoạch, có chiến lược rất khoa học và bài bản thì Sabeco lại tự tin bởi đây là thương hiệu của người Việt. Mà trong thời gian gần đây phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” đang lên cao.
Mới đây, ông Michel de Carvalho, chủ sở hữu thương hiệu bia Heineken, đã tỏ ra ngạc nhiên về tốc độ tiêu thụ nhãn hiệu bia này tại Việt Nam. Ông cho biết trong năm 2010 người Việt đã uống hơn 200 triệu lít bia nhãn hiệu này, chỉ sau Mỹ, Pháp trong danh sách 170 thị trường trên thế giới mà dòng bia này có mặt. Và dự báo đến năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ bia Heineken… lớn nhất thế giới!.
Tốc độ tiêu thụ của Heineken tại Việt Nam là rất lớn.
Tuyên bố này đã khiến dư luận xôn xao, những người làm việc trong lĩnh vực bia – rượu – nước giải khát cũng không khỏi giật mình. Trong thời gian tới Heineken hoàn toàn có thể nghĩ tới việc chiếm ngôi số 1 của Sabeco.
Tuy nhiên Ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch HĐQT của Sabeco cũng đưa ra quan điểm của mình: “Các nhà kinh doanh đều có các chiêu bài của họ. Heineken nói thế là một dự báo mang tính mong muốn của thương hiệu này nhưng đồng thời cũng là một cách phô diễn quá phô trương. Ngạn ngữ Đức có câu rất hay: Có ăn thì mới biết ngon, khi ăn thì mới biết được thị trường thử thách, khó khăn như thế nào. Bia Sài Gòn đang tìm mọi cách để giữ thị phần, không để cho họ thực hiện tuyên bố này”.
Trái ngược với Heineken tập trung vào phân khúc bia cao cấp thì các sản phẩm của Sabeco lại nghiêng về trung cấp và bình dân nhiều hơn. Chính vì thế doanh thu của Heineken đã vượt Sabeco bởi lượng tiêu thụ của 2 nhãn hàng này có khoảng cách không hề xa. Tuy nhiên để vươn lên giữ ngôi vị số 1 thì Heineken vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn.
Năm 2014, Sabeco và Heineken vẫn đang tiếp tục thực hiện các chiến lược kinh doanh của mình. Hiện tại vẫn khó có thể dự đoán được kết quả của cuộc đua này. Chỉ biết, hiện Sabeco và Heineken đều đang ngang ngửa nhau. Sabeco vượt qua Heineken về thị phần còn Heineken lại vượt qua Sabeco về mặt doanh thu.
T.T (Tổng hợp)