Trong hành trình xây dựng Vicoland Group trở thành một thương hiệu địa ốc tiếng tăm, cùng với đó là những T99, C99 và VSG Group, ông Bùi Đức Long cần huy động lượng tiền “dồi dào” từ bên ngoài, với sự giúp sức của các định chế tài chính trong nước, như VietABank. Những mối quan hệ đó rất hữu ích với ông Long, cứ nhìn vào sự lớn mạnh của Vicoland Group ngày nay sẽ rõ.
Tuy nhiên, sau khi Thanh tra Chính phủ phát hiện ra khoản nợ "rất xấu" của Vicoland Group tại Ngân hàng TMCP Việt Á - VietABank lên đến 500 tỷ đồng, dư luận bắt đầu hoài nghi về những rủi ro tiềm ẩn đằng sau việc tận dụng mối quan hệ để vay mượn của ông Bùi Đức Long. Mà trước hết là mối quan hệ giữa ông Long và ông Phương Hữu Việt - Chủ tịch VietABank giai đoạn tháng 9/2011 đến tháng 9/2021.
Minh chứng là cuối năm 2015, ông Bùi Đức Long đã “bắt tay” với Việt Phương Group của ông Phương Hữu Việt để cùng đầu tư xây dựng dự án Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải (Mediterraneo Resort) tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Khi đó, Vicoland Group đã đứng ra thế chấp các quyền tài sản phát sinh từ Mediterraneo Resort cho VietABank - nhà băng chính nơi ông Phương Hữu Việt đang làm Chủ tịch HĐQT, đổi lại khoản vay tín dụng 500 tỷ đồng.
Không may, Vicoland Group và Việt Phương Group sau đó bị “mắc cạn” với dự án Mediterraneo Resort, mới là nguồn cơn dẫn đến khối nợ "rất xấu" mà VietABank phải “gánh” tận 10 năm kế tiếp. Ngân hàng dưới sự chèo lái của ông Phương Hữu Việt đã phải trích lập dự phòng hàng trăm tỷ đồng cho khoản nợ xấu này, gây sụt giảm lợi nhuận, làm tăng tỷ lệ nợ xấu nội bảng và chấp nhận rủi ro có thể mất “trắng vốn”.
Khả năng hoàn nhập nợ xấu của VietABank tại Vicoland Group là xa vời, bởi Mediterraneo Resort vốn là dự án “treo” nhiều năm, mới đây còn nằm trong danh sách thống kê các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng giai đoạn 2016 - 2021 theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội.
Với một dự án gặp vấn đề lớn về pháp lý, việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ rất nan giải cho ngân hàng. Điều đó cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của ông Bùi Đức Long và ông Phương Hữu Việt - hai người đứng đầu Vicoland Group và VietABank thời bấy giờ.
Đó là "case study" điển hình cho việc ông Bùi Đức Long tận dụng mối quan hệ với lãnh đạo ngân hàng để cùng “bắt tay” làm ăn, cùng kiếm tiền bằng cách đầu tư xây dựng dự án bất động sản từ nguồn lực sẵn có, “chảy” về qua kênh tín dụng của chính ngân hàng.
Nếu thuận lợi, chắc chắn những bên tham gia sẽ thu về khoản lợi ích to lớn, nhưng nếu tình thế chuyển xấu, đó sẽ là khoản nợ xấu khó có thể giải quyết “một sớm một chiều”.
Câu chuyện “dồn” vốn cho “sân sau” không phải hiếm và là tình trạng đáng báo động của giới ngân hàng, bất động sản. Từng có những trường hợp “sân sau” chẳng may gặp biến cố, “đổ vỡ” đã vô tình khởi động hiệu ứng dây chuyền, gây nguy hại đến cả hệ thống tài chính của đất nước, làm mất mát tiền gửi của nhân dân, buộc Ngân hàng Nhà nước phải mua lại với giá “0 đồng”, tổn hại ngân sách.
Ông Bùi Đức Long sinh năm 1975, nổi tiếng với công chúng trên cương vị Chủ tịch HĐQT Vicoland Group, Quỹ đầu tư mạo hiểm Risemount Capital và chuỗi cầm đồ T99.
Với giới doanh nhân Việt Nam, ông Bùi Đức Long còn được biết đến với tư cách là Chủ tịch Công ty CP Dịch vụ Golf Việt Nam (VGS Group). Đây là tập đoàn hoạt động năng nổ trong lĩnh vực golf – môn thể thao người ta vẫn ví von là “thú chơi quý tộc”, chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu.
Trong làng golf Việt Nam, VGS Group và Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) được xem là hai “anh lớn” khi quy tụ thành viên, hội viên đều là các gương mặt tiêu biểu, chơi golf chuyên nghiệp và có tiếng tăm trên thương trường nhiều năm. Năm 2017, VGS Group và VGA đã cùng bắt tay để phát triển hệ thống tính điểm chấp quốc gia Vhandicap, được các golfer ưa chuộng bởi sự tiện lợi và chuẩn xác.
Gần đây VGA và cả VGS Group cùng dính vào bê bối về pháp luật khi một số golfer tham dự giải VGA Union Cup 2023 diễn ra tại sân golf Đầm Vạc (Vĩnh Phúc) hồi giữa tháng 3 đã “tranh thủ” tổ chức một “casino thu nhỏ” để đánh bạc dưới hình thức chơi poker tại phòng khách sạn, và đã bị lực lượng chức năng bắt quả tang.
Hậu quả, cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 37 người, trong đó 5 bị can về tội tổ chức đánh bạc, 31 bị can về tội đánh bạc và một người đề nghị truy tố cả hai tội danh.
Trong sới bạc khi đó, có hai cựu Phó chủ tịch VGA bị bắt quả tang là Lê Hùng Nam và Trần Thanh Tú, cùng với Đặng Đình Hậu – cựu Thành viên HĐQT của VGS Group.
|