Rủi ro đạo đức: vấn đề muôn thuở

Ngân hàng là ngành kinh doanh đặc biệt, nhạy cảm, gắn chặt với tiền, và luôn đối mặt với nhiều rủi ro. Trong các vấn đề rủi ro, dường như rủi ro đạo đức đang là một nguy cơ ngày càng lớn đối với các ngân hàng. Vì vậy các nhà quản lý ngân hàng đều cho rằng, cần tạo lập một ngôn ngữ chung cho cả hệ thống về chuẩn hoá khung năng lực.

Cho vay luôn đi liền với rủi ro

Việc chỉ có những chuẩn mực chung về lý thuyết mà chưa có chuẩn mực chung về thực hiện khiến những người làm tín dụng trong ngành Ngân hàng rất rủi ro trong ranh giới của những việc pháp luật không cấm nhưng không được làm, hoặc những rủi ro không cố ý, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc Văn phòng Eximbank khu vực miền Bắc chia sẻ tại buổi Tọa đàm chuẩn hoá năng lực tín dụng của cán bộ ngân hàng Việt Nam, diễn ra mới đây.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) rất tâm đắc với câu nói của chuyên gia đến từ Omega: “Cho vay ra một khoản là đã tạo một khoản tiền lớn hơn để thu hồi nợ”. Vì vậy, theo ông Hòe, làm tín dụng là phải chấp nhận có rủi ro. “Vấn đề của những người làm tín dụng và quản lý ngân hàng là làm thế nào để an toàn nhất”, ông Hòe nói.

Rủi ro đạo đức: vấn đề muôn thuở - Ảnh 1

Gần đây, khi vụ án ở Công ty ALC II thuộc (Agribank) bị phanh phui. Bên cạnh con số thiệt hại lên đến hơn 500 tỷ đồng thì điều làm mọi người bất ngờ nhất là các quan chức ở DN này đã thể hiện “tài năng đặc biệt” trong nâng khống giá tài sản lên đến cả ngàn lần khi định giá và cho vay.

Trước đó, cũng tại Agribank, tháng 5/2012, cơ quan công an cũng đã khởi tố, bắt giam nguyên Giám đốc, Trưởng, Phó Phòng Tín dụng CN Hồng Hà khi lợi dụng chức vụ, quyền hạn ký khống 8 bảo lãnh không hồ sơ, không hạch toán, không thu phí.

Hay như câu chuyện Cty Trường Ngân vỡ nợ và 7 ngân hàng (NH) cho Cty này vay vốn đang giành nhau số càphê đã được thế chấp cho cả 7 NH này đang đặt ra vấn đề là dường như NH phải chấp nhận nhiều rủi ro khi tham gia loại hình cho DN thế chấp hàng tồn kho để vay vốn. Cty TNHH Trường Ngân đã đem 3.360 tấn càphê trị giá 100 tỉ đồng đi thế chấp vay tổng cộng 600 tỉ đồng tại 7 NH. Cty này đã vỡ nợ và số càphê này bị cưỡng chế, cùng với việc các NH đang tranh chấp số càphê này. Nhìn lại trong quá khứ thì không có quá ít vụ việc kiểu như vậy đã xảy ra. Điều đó cũng cho thấy, một trong những điểm yếu của nhân sự Việt Nam hiện nay là không có cơ sở để xác định rủi ro của khách hàng. Chiếc gậy vin vào chỉ là tài sản thế chấp. Như vậy, khi tài sản bị đem đi thế chấp nhiều nơi, ngân hàng nhận thế chấp dự án đứng trước nguy cơ mất trắng, nếu không bám sát chủ đầu tư, bởi việc thế chấp dự án không được đăng ký giao dịch đảm bảo.

Đây là những ví dụ về rủi ro đạo đức của nhân viên ngân hàng. Mà bất cứ ngân hàng lớn nhỏ nào cũng đều có thể vấp phải và sẽ gánh chịu những tổn thất lớn nếu chủ quan.Một con số thuyết phục có thể chứng minh cho quan ngại trên. Nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy, 51-53% rủi ro tín dụng là do chủ quan của những cán bộ trong hệ thống. Trong khi thực tế tại Việt Nam cho thấy, khẩu vị rủi ro giữa bộ phận bán hàng, thẩm định rủi ro, phê duyệt luôn luôn không nhất quán.

Trước đây, khi nhắc tới tiêu cực, bộ phận hay bị để ý nhất là tín dụng. Đây là những cán bộ trực tiếp làm việc với khách hàng, thẩm định hồ sơ, ra phán quyết tín dụng… Điều này có thể chứng minh khi những thông tin khởi tố các cán bộ quản lý, cán bộ tín dụng các ngân hàng liên tục trên các mặt báo vì những hành vi sai phạm của mình. Các hành vi phổ biến như thiếu trách nhiệm trong thẩm định, cấu kết với khách hàng, ăn chia hoa hồng trên số tiền vay được, liên kết với nhau để vay mượn lòng vòng, thậm chí là vay ké của khách hàng…

Trên lý thuyết, rủi ro đạo đức gồm rủi ro đạo đức của nhân viên và cả rủi ro đạo đức của khách hàng. Không loại trừ có những khách hàng xấu cố tình lừa đảo, làm giả giấy tờ để lừa đảo ngân hàng. Những vụ lừa đảo rất nghiêm trọng như Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng gây thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ. Rõ ràng, trong nhiều vụ lừa đảo, đồng thời khởi tố bị can đối với kẻ lừa đảo là khởi tố đối với các nhân viên ngân hàng.

Mấu chốt là vấn đề con người

Một chuyên gia từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã nói: Vấn đề rủi ro đạo đức của khối ngân hàng đã đến mức cần cảnh báo.

Rủi ro đạo đức: vấn đề muôn thuở - Ảnh 2

Theo đó, muốn làm tốt công tác quản trị rủi ro thì cần phải tìm ra được những điểm yếu trong quy trình hệ thống. Rất nhiều ngân hàng đã bắt đầu công cuộc tái cơ cấu, nhưng vấn đề các ngân hàng quan tâm là đi tìm mô hình tổ chức hợp lý cho mình, tổ chức, sắp xếp lại… Nhưng khi xét đi xét lại, nhiều ngân hàng thành lập gần 20 năm mà quy định nội bộ gần như không có gì, hoặc có thì rất chung chung.

“Có khi, ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh. Thực tế này cộng với các quy định nội bộ lờ mờ thì rất dễ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật để trục lợi”.

Trong khi đó, cơ chế kiểm soát tín dụng của nhiều ngân hàng đang bộc lộ nhiều nhược điểm. Trong những năm qua, các ngân hàng đều phát triển nóng với các đơn vị kinh doanh (chi nhánh, phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm) trải dài trên cả nước dẫn đến sự phân tán nhất định của các nguồn lực. Đặc biệt là sự phân tán thẩm quyền phán quyết tín dụng. Theo đó, việc giao quyền cho các giám đốc chi nhánh quá lớn còn hội sở ở xa, quy định nội bộ lờ mờ, công tác quản lý giấy tờ, con dấu thiếu chuẩn chỉnh, chặt chẽ thống nhất… rất dễ dẫn đến các vấn đề rủi ro đạo đức.

Phải có một quy chuẩn chung

Với kinh nghiệm 20 năm làm việc cho Standard Chartered, ông Balasingam, Giám đốc Khối ngân hàng bán buôn Techcombank cho biết, cần phải quy chuẩn lại khẩu vị rủi ro cho các cán bộ ngân hàng từ người bán hàng, thẩm định, quản lý rủi ro, cho đến người làm chính sách trong toàn hệ thống bằng một chuẩn đào tạo thống nhất và phải được đánh giá. Ví như, tại Standard Chartered, mọi lãnh đạo, nhân viên đều trải qua đào tạo và kiểm tra, đánh giá theo quy chuẩn khung năng lực của đối tác Omega. Nếu những người làm tín dụng không vượt qua được lần thi liên tiếp thứ 3 do Omega tổ chức, họ sẽ không được cấp hạn mức về tín dụng.

Rủi ro đạo đức: vấn đề muôn thuở - Ảnh 3

Công thức này cũng đang được Techcombank áp dụng cách đây 2 năm. “Chúng tôi kỳ vọng với số lượng đào tạo 300-500 người thực sự làm thay đổi văn hóa tín dụng và sau khi triển khai thành công cho vay DN, sẽ chuyển sang cho vay bán lẻ”, ông Balasingam nói.

Quan trọng hơn, các nhà quản lý ngân hàng đều cho rằng, cần tạo lập một ngôn ngữ chung cho cả hệ thống về chuẩn hoá khung năng lực. Đây là cơ sở khi các ngân hàng đều soi vào đó để thực hiện các nghiệp vụ sẽ tránh cảnh rủi ro pháp lý vì không có ngân hàng khác tham chiếu. Và để làm được điều này, vấn đề đào tạo chứng chỉ nghề cho các chức danh trong ngân hàng là cần thiết mà như các chuyên gia dùng hình ảnh: Chi bạc lẻ để giữ bạc chẵn. Đây cũng là điểm tựa để các ngân hàng tin tưởng vào nhân viên của mình, mở rộng tín dụng với mức độ an toàn cao hơn.

Thế Anh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục