Quyết 'buông' công ty tài chính, MSB đang toan tính gì?

Vừa hoàn tất bán công ty con AMC - là công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, ngân hàng MSB tiếp tục tìm cách chuyển nhượng một phần hoặc chuyển nhượng 100% số vốn góp của mình khỏi công ty tài chính FCCOM.

FCCOM đang kinh doanh ra sao?

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - Mã: MSB) vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với nhiều kế hoạch quan trọng được đệ trình và xin ý kiến cổ đông.

Trong đó, ngân hàng trình cổ đông về việc thoái vốn tại Công ty tài chính TNHH một thành viên cộng đồng (FCCOM) có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và thuộc sở hữu 100% của MSB. Đến cuối năm 2021, lượng vốn góp của MSB tại công ty tài chính này lên tới hơn 697 tỷ đồng.

MSB dự kiến sẽ tìm đối tác chiến lược để chuyển nhượng một phần vốn tại FCCOM để cùng hợp tác đường dài với đối tác chiến lược hoặc chuyển nhượng 100% số vốn góp tại FCCOM để ngân hàng tập trung toàn bộ nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính.

Quyết 'buông' công ty tài chính, MSB đang toan tính gì? - Ảnh 1

Tại ĐHCĐ, lãnh đạo ngân hàng cho biết trong năm 2021 ngân hàng đã thông qua thoái vốn tại FCCOM. MSB đã làm việc với một đối tác Nhật Bản và ký kết giai đoạn đầu với giá trị thương vụ là trên 2.000 tỷ đồng.

Song do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính tiêu đều bị ảnh hưởng. Do đó, đối tác nước ngoài đã xem xét lại thương vụ này.

Hiện tại, MSB đang tiếp xúc với hai đối tác nước ngoài khác có quan tâm. Giá trị thương vụ tại thời điểm hiện tại không khác nhiều so với đối tác Nhật Bản dự kiến trả cho ngân hàng.

Ban lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, năm 2021 FCCOM đã được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm giấy phép hoạt động ngoài chức năng tiêu dùng cá nhân. Do đó, FCCOM có thêm 30% tổng dư nợ để phát triển sang các mảng khác và cần bộ phận quản trị của MSB rà soát.

Các hoạt động cho vay ngoài giao dịch tiêu dùng cần MSB quản trị rủi ro nên có phần hợp tác của MSB trong các hoạt động đó.

Trước đó, năm 2020, Hyundai Card - công ty phát hành thẻ tín dụng của hãng chế tạo ô tô Hàn Quốc Hyundai Motor cũng thông báo mua lại 50% cổ phần tại FCCOM với giá 49 tỉ won (tương đương 42 triệu USD). Tuy nhiên, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID và thay đổi chiến lược của Hyundai Card khiến thương vụ này bất thành.

Tính đến hết 2021, FCCOM có 23 điểm giới thiệu dịch vụ (POS), số lượng khách hàng khoảng 13.000 với đa phần là nông dân, tiểu thương kinh doanh, cá thể nhỏ lẻ.

Hiện FCCOM có các sản phẩm cho vay chính như: Cho vay tiêu dùng có sở hữu bất động sản, cho vay có dư nợ thế chấp bất động sản, cho vay tiêu dùng thông thường, cho vay có nguồn thu từ lương, cho vay tiêu dùng siêu nhanh, cho vay khách hàng hiện hữu, cho vay thế chấp bằng giấy tờ có giá và cho vay khác,..

Kết thúc năm 2021, FCCOM ghi nhận tổng dư nợ đạt 358 tỷ đồng, doanh thu đạt 151 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế là 1,97 tỷ đồng, lãi sau thuế là 0,98 tỷ đồng.

Với kết quả trên, đây là năm thứ hai liên tiếp lợi nhuận FCCOM đi lùi.

Theo báo cáo tài chính năm 2020 cho thấy, dư nợ tín dụng của FCCOM cũng chỉ đạt 322 tỷ đồng, chỉ tăng 1,4 tỷ đồng so với năm 2019. Tuy nhiên, nợ xấu của công ty tăng vọt lên 28,4 tỷ đồng, cao hơn 10,1 tỷ đồng năm 2019 và chiếm tới 8,83% tổng dư nợ, gấp hơn 2,8 lần mức 3,15% trong năm 2019. Nợ xấu tăng cao khiến công ty phải nâng trích lập dự phòng lên 36,7 tỷ đồng, theo đó lợi nhuận của FCCOM chỉ đạt 2,3 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2019.  

Có thể thấy lợi nhuận tại FCCOM rất khiêm tốn, tăng trưởng tín dụng thấp trong khi nợ xấu vẫn leo thang.

 "Buông" công ty tài chính, MSB toan tính gì?

Quyết 'buông' công ty tài chính, MSB đang toan tính gì? - Ảnh 2

Vốn được ví là “con gà đẻ trứng vàng”, thế nhưng 3 năm trở lại đây, các ngân hàng liên tiếp công bố các thương vụ bán vốn, thậm chí thoái vốn tại các công ty tài chính tiêu dùng cho các đối tác nước ngoài.

Làn sóng ngân hàng ''buông dần'' công ty tài chính đã manh nha từ giai đoạn trước năm 2018 khi Techcombank đã chuyển nhượng 100% vốn Techcom Finance cho Công ty Lotte Card (Hàn Quốc). Đến năm 2021, hoạt động này đã sôi động hơn.

Cụ thể, cuối năm 2021 ngân hàng SHB vừa ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ tại công ty tài chính SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản. Ngân hàng VPBank cũng công bố hoàn thành thương vụ chuyển nhượng 50% phần góp vốn tại FE Credit cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG, Tập đoàn SMBC).

Trên thị trường Việt, hiện có 6 công ty tài chính là thành viên của các ngân hàng lớn trong nước gồm Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) của MSB, Công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit) của VPBank, Công ty TNHH HD Saison của HDBank, Công ty tài chính SHB Finance của SHB, Công ty TNHH tài chính MCredit của MB, Công ty tài chính bưu điện của SeABank. Trong đó, 5/6 công ty tài chính này đã hoặc đang tiến hành bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và chỉ còn PTF của SeABank là chưa có động thái gì.

Số liệu mới nhất về tín dụng tiêu dùng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 12/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 10 triệu tỷ đồng, trong đó, cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng đạt gần 1,95 triệu tỷ đồng, chiếm 19,6% dư nợ nền kinh tế.

Với nhiều dự báo tiềm năng, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư ngoại.

Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ đại dịch Covid 19 khiến rủi ro ở hoạt động cho vay nói chung và dư nợ tiêu dùng nói riêng đang ngày càng gia tăng, mà không loại trừ khả năng sẽ chứng kiến thiệt hại trong thời gian tới. Với phân khúc khách hàng mục tiêu là các cá nhân có nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ, nhưng do dịch bệnh xảy ra đã khiến thu nhập nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động mua bán trì trệ, ngưng hẳn vì các chính sách giãn cách xã hội, nên các khoản cho vay tiêu dùng đang đứng trước nguy cơ trở thành nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn.

Thực tế cũng chính vì ảnh hưởng dịch bệnh mà thương vụ bán 50% vốn FCCOM của MSB cho Tập đoàn Hyundai vào năm 2020 với giá 42 triệu USD đã thất bại, khi ban lãnh đạo tập đoàn này lo ngại dịch bệnh Covid 19 bùng phát và diễn biến phức tạp. 

Việc MSB dự kiến rút một phần vốn hoặc thoái hết vốn khỏi công ty tài chính tiêu dùng là do thị trường vay tiêu dùng đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt vì lợi nhuận đem lại vẫn hấp dẫn nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào thị trường này.

Đại dịch Covid-19 tác động khiến thị trường tín dụng tiêu dùng sụt giảm. Chỉ khi nền kinh tế đi lên, thì  nhu cầu mua sắm tăng cao, tín dụng tiêu dùng mới tăng và an toàn. Dịch bệnh Covid-19 cũng đã làm cho chất lượng tài sản của các công ty tài chính sụt giảm, điển hình như FCCOM lợi nhuận đi lùi, chất lượng tín dụng giảm.

Bên cạnh đó, Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng có thể khiến lợi nhuận các công ty tài chính ít nhiều gặp khó khăn.

Theo đó, mức trần của các khoản vay bằng tiền mặt bị khống chế. Cụ thể, tỷ lệ cho vay giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt tại các công ty tài chính sẽ giảm từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 là 70%; từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 60%; từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là 50%, còn từ 1/1/2024 là 30%. Trong khi đó phần lớn khách hàng đến với công ty tài chính tiêu dùng là có nhu cầu tiền mặt, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính này mua hàng khá thấp.

Hơn nữa, các công ty tài chính 100% vốn của các ngân hàng từng gây nhiều tiếng xấu trong dư luận, thậm chí tại diễn đàn Quốc hội nhiều đại biểu đã lên tiếng chỉ trích.

Nhiều trường hợp, hoạt động kinh doanh của công ty tài chính đang tạo gánh nặng chi phí hoạt động cho ngân hàng mẹ nên việc quyết định thoái toàn bộ vốn cũng là điều nên làm.

Vì vậy, việc MSB quyết định chuyển nhượng một phần vốn tại FCCOM để cùng hợp tác đường dài với đối tác chiến lược hoặc chuyển nhượng 100% số vốn góp tại FCCOM cũng rất dễ hiểu trong thời điểm hiện nay.

Hoàng Long

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục