Mặc dù đa số ngân hàng TMCP có vốn nhà nước cũng như NHTM cổ phần lớn chưa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, nhưng các chuyên gia kinh tế đều chung nhận định tình hình tương đối khả quan.
Với các đơn vị đã công bố kết quả 9 tháng đầu năm, điểm bất ngờ là kết quả kinh doanh quý III/2014 tại các ngân hàng nhỏ tiếp tục được cải thiện.
Tại Vietcombank, từ đầu tháng 10, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh các tháng cuối năm 2014, ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, lợi nhuận trước dự phòng của Vietcombank 9 tháng đầu năm 2014 đạt 7.533 tỷ đồng, bằng 69,5% kế hoạch năm 2014 và tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2013. Tính đến 30/9/2014, huy động vốn từ nền kinh tế đạt 390.117 tỷ đồng, tăng 17,67% so với đầu năm, đạt 99% kế hoạch cả năm; dư nợ cho vay đạt 300.324 tỷ đồng, tăng 10,1% so với đầu năm; trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên chiếm khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng…
Với các ngân hàng trung bình và nhỏ, thông tin từ TPBank cho biết, tính đến 30/9/2014, lợi nhuận lũy kế 9 tháng (sau khi đã trích đầy đủ dự phòng rủi ro) của ngân hàng này đạt 447 tỷ đồng, bằng 102% mức kế hoạch 438 tỷ đồng mà ĐHCĐ của Ngân hàng đã đề ra từ đầu năm. Song song với đó, các chỉ tiêu hoạt động khác của TPBank cũng đạt kết quả khả quan như: dư nợ cho vay khách hàng tăng 45,82% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1,50%, trong khi con số này 6 tháng đầu năm là 1,66%, cho thấy có sự cải thiện lớn về chất lượng tín dụng; huy động vốn cũng tăng 32,1% so với năm 2013…
Kết thúc quý III/2014, sau một thời gian tái cấu trúc, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB - được NHNN phê duyệt, chấp thuận Đề án tái cấu trúc từ tháng 6/2013) đã có những thành công nhất định trong hoạt động cải tổ Ngân hàng, cũng như những thành quả về chỉ tiêu tài chính. Cụ thể, tổng tài sản của NCB đạt trên 34.571 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ, huy động vốn đạt hơn 30.274 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 16.874 tỷ đồng.
Ông Vũ Hồng Nam, Chủ tịch HĐQT NCB cho biết: “Từ khi tự tái cấu trúc đến đến nay, NCB đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, các chỉ tiêu tài chính của NCB đều thể hiện sự tăng trưởng tốt”.
Kết quả kinh doanh khả quan trên cũng phù hợp với Báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Việt Nam quý IV/2014 của Vụ Dự báo thống kê tiền tệ, NHNN.
Các TCTD cho biết, tình hình kinh doanh quý III/2014 tiếp tục cải thiện so với quý trước đó. Mặc dù mức độ phục hồi vẫn chưa được như các TCTD đặt mục tiêu, nhưng khoảng cách giữa thực tế và kỳ vọng đã được rút ngắn đáng kể so với các cuộc điều tra trước. Trong đó, nhóm NHTM cổ phần lớn (có tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng) tỏ ra lạc quan nhất về tình hình kinh doanh, sau đó đến nhóm NHTM nhà nước và các nhóm khác.
Nhận định về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới, 59,3% TCTD kỳ vọng xu hướng cải thiện kinh doanh sẽ tiếp tục diễn ra trong quý IV/2014; 64,4% TCTD nhận định tình hình kinh doanh của cả năm 2014 cải thiện hơn so với năm 2013; trong khi 25,6% TCTD nhận định không đổi và chỉ có 10% TCTD tỏ ra lo ngại về khả năng suy giảm tình hình kinh doanh.
Các TCTD kỳ vọng nhu cầu của khách hàng sẽ tiếp tục phục hồi nhẹ hoặc ổn định trong những tháng cuối năm 2014; trong đó, nhu cầu gửi tiền có sự gia tăng rõ nét, bất chấp trần lãi suất huy động vốn liên tục giảm và được duy trì ở mức thấp 6%/năm. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn đã có biểu hiện tăng dần trong quý III/2014 đối với cả khách hàng DN cũng như khách hàng cá nhân và được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm 2014, đặc biệt là ở nhóm NHTM nhà nước và NHTM cổ phần lớn.
“Mức độ tín nhiệm của các nhóm khách hàng đang được cải thiện, đặc biệt là các nhóm khách hàng là các TCTD khác, nhóm DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Các TCTD vẫn kỳ vọng trong những tháng cuối năm 2014, nợ xấu sẽ tiếp tục được kiểm soát và có thể giảm đáng kể”, Báo cáo của Vụ Dự báo thống kê tiền tệ nhận định.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, kết quả kinh doanh của quý III của Ngân hàng khá tốt, đạt 60% kế hoạch kinh doanh đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, thời điểm này, Ngân hàng tập trung vào trích lập dự phòng rủi ro nên số liệu về lợi nhuận có giảm chút ít. Chia sẻ về 3 tháng cuối năm, ông Tùng cho biết, từ các nguồn xử lý nợ xấu và phi tín dụng, OCB chắc chắn sẽ đạt mức kế hoạch lợi nhuận đã đề ra từ đầu năm.
Theo ĐTCK