Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (Lilama – Mã: LLM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019.
Theo báo cáo tài chính, quý I Lilama đạt 2.246 tỷ đồng doanh thu thuần, gần 7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Do quý I/2018 doanh nghiệp chỉ có báo cáo tài chính riêng của Công ty mẹ nên không thể so sánh số liệu quý I/2019 với quý I/2018.
Kết quả kinh doanh quý I/2019 của Lilama (Nguồn: HK tổng hợp)
Quý I/2019 Lilama báo lãi gần 7 tỷ đồng là tín hiệu khả quan với doanh nghiệp do năm 2018 Tổng Công ty lỗ tới 190 tỷ đồng.
Khoản chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp phần lớn là chi phí dự phòng phải thu khó đòi đã “ăn mòn” hết lợi nhuận gộp của Lilama, doanh nghiệp chỉ có lãi nhờ doanh thu tài chính lên tới 323 tỷ đồng.
Khoản doanh thu tài chính trong quý I lớn đột biến gấp 1,8 lần cả năm 2018. Vì báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Lilama không có phần thuyết minh nên không thể xác định được khoản doanh thu tài chính đột biến này xuất hiện từ đâu.
Căn cứ trên báo cáo tài chính riêng thì quý I/2019 Công ty mẹ Lilama có doanh thu thuần đạt 1.363 tỷ đồng, giảm 59% cùng kỳ còn lãi sau thuế gần 29 tỷ đồng, cao gấp 2 lần cùng kỳ nhờ doanh thu tài chính gần 165 tỷ đồng.
Năm 2019, Lilama lên kế hoạch doanh thu 5.750 tỷ đồng, giảm 43% so với năm 2018 còn lãi trước thuế tăng 35% lên 75 tỷ đồng. Hết quý I, Lilama đã thực hiện được 39% mục tiêu doanh thu và 72% lợi nhuận cả năm.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam còn cho biết tới thời điểm phát hành báo cáo này vào ngày 16/5/2019 phía kiểm toán vẫn chưa thu thập được báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2018 của Công ty cổ phần Lisemco – công ty con của Lilama đồng thời cũng không thực hiện được đầy đủ các thủ tục kiểm toán cần thiết khác với báo cáo của Lisemco được hợp nhất vào Tổng Công ty.
Do đó phía kiểm toán không thể xác định được liệu có cần điều chỉnh số liệu trên báo cáo tài chính năm 2018 của Lilama hay không.
Qua đó có thể thấy sự thiếu minh bạch của Lilama trong việc công bố báo cáo tài chính dù là một doanh nghiệp đại chúng, đã được giao dịch thị trường UPCoM vào này 16/8/2017.
Lilama là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng với tỷ lệ sở hữu 97,88%, được cổ phần hóa vào tháng 4/2016 với vốn điều lệ hơn 797 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 cho biết đã bao gồm các điều chỉnh theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước ngày 7/3/2019 về quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Tuy nhiên đến thời điểm ngày 28/6/2019 các công việc liên quan đến quyết toán cổ phần hóa đang được tiếp tục thực hiện và Tổng Công ty chưa nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền về phê duyệt quyết toán giá trị vốn nhà nước tại ngày cổ phần hóa.
Tại ngày 31/3/2019, tổng tài sản của Lilama đạt 11.710 tỷ đồng trong đó khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất là 43% với 5.028 tỷ đồng. Tổng khoản phải thu ngắn hạn lên tới 6.074 tỷ đồng nhưng Tổng Công ty đã phải trích tới 1.046 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.
Hết quý I/2019 Lilama có gần 2.162 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Đáng lưu ý là tại ngày 31/3 tổng nợ vay và thuê tài chính của Tổng Công ty lên tới 3.544 tỷ đồng, gấp tới 2,2 lần vốn chủ sở hữu.
Hoàng Kiều