Có thể thấy những ngày qua, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực trong việc bình ổn tỷ giá. Theo ước tính của CTCK TP.HCM (HSC), trong những ngày đầu tháng 12 Ngân hàng Nhà nước đã bơm xấp xỉ 1,5 tỷ USD vào thị trường liên ngân hàng nhằm tăng thanh khoản cuối năm, là thời gian cao điểm về cầu USD để bình ổn thị trường.
Kiềm đà tăng của tỷ giá
Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là ổn định cả thị trường liên ngân hàng và thị trường tự do. Bởi vậy, cùng với việc bổ sung USD vào thị trường liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước còn sử dụng các biện pháp quản lý. Đây là cách mà Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng thành công trong quá khứ và nó có tác dụng trong ngắn hạn.
Thực tế, việc mạnh tay bơm USD ra thị trường đã kéo tỷ giá xuống thấp hơn trần. Tính đến ngày 6/12, tỷ giá VND/USD liên ngân hàng hiện là 21.333, thấp hơn 0,6% so với trần tỷ giá. Tỷ giá đã giảm 0,4% so với mức điều chỉnh xuống thấp gần đây là 21.420 vào ngày 25/11.
Trong khi đó, tỷ giá tự do hiện là 21.427, tương đương thấp hơn 0,1% so với trần tỷ giá. Điều này có nghĩa là tỷ giá VND/USD tự do đã giảm 0,2% so với mức thấp nhất gần đây là 21.470 vào ngày 2/12.
Với động thái này, Ngân hàng Nhà nước muốn khẳng định sẽ không xem xét điều chỉnh tỷ giá tham chiếu từ nay cho đến cuối năm. Tuy nhiên, áp lực tăng cầu USD đến từ nhiều yếu tố. Nhu cầu USD thông thường tăng vào dịp cuối năm và hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất chuyển đổi ngược tiền đồng thành USD để hoàn trả các khoản vay bằng USD ngắn hạn trong 6 tháng đầu năm sẽ sớm đáo hạn.
Tại báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô do HSBC vừa phát hành, tháng 11 và tháng 12 là những tháng thường có giao dịch thương mại tăng. Năm nay, tốc độ tăng này còn nhanh hơn (khi so sánh với năm trước) hoạt động thu lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài đã làm cho tiền đồng tăng đạt mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà Nước.
Kể từ năm 2011, giao dịch thị trường của đồng Việt Nam nằm giữa mức sàn và mức trần của Ngân hàng Nhà nước, với một số trường hợp ngoại lệ giữa năm 2013 và giữa 2014. Điều này trái ngược với những gì xảy ra trong quá khứ (2009-2011), khi tỉ giá VNDUNOFF (nhu cầu thực tế cho tỉ giá VND/USD được Reuters ghi nhận) tăng vượt ngưỡng giao dịch được phép của tiền đồng.
Thâm hụt thương mại tăng là một lý do dẫn đến thiếu hụt USD. Thêm vào đó, do nhu cầu cao vào quý 4 hàng năm cũng như sản xuất tăng tốc vào thời điểm trước Tết Nguyên Đán (người Việt Nam nghỉ 9 ngày để có nhiều thời gian với gia đình và bạn bè), cả hai hoạt động xuất và nhập khẩu đều có xu hướng tăng mạnh. Theo HSBC, năm nay cũng không là ngoại lệ.
Do đặc tính tăng theo mùa vụ của nhu cầu, Ngân hàng Nhà nước có sự lựa chọn hoặc cho phép thị trường điều chỉnh tỉ giá hoặc bơm thanh khoản để giữ tỉ giá trong biên độ. Thống đốc Nguyễn Văn Bình trước đây đã công bố rằng đồng Việt Nam có thể giảm giá 2% trong năm 2014.
Nhưng trước những biến động trong những tuần gần đây, Thống đốc cho rằng tỷ giá tham chiếu sẽ không thay đổi đến cuối năm. HSBC cho rằng, điều này về cơ bản sẽ giới hạn lựa chọn của Ngân hàng Nhà nước hoặc bơm USD vào thị trường hoặc để mặc cho thị trường ít thanh khoản hơn.
Do đó, HSBC tin rằng, ngoài các thời điểm căng thẳng theo chu kỳ, nhiều khả năng tiền đồng sẽ ổn định nhờ các dòng vốn FDI ổn định đổ vào Việt Nam và tài khoản thương mại đạt thặng dư 2 triệu USD tính từ đầu năm đến nay.
Tâm lý “kích” tỷ giá
Tuy vậy, tại báo cáo đánh giá tình hình kinh tế 11 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng nguyên nhân chủ yếu do yếu tố tâm lý khi chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tiếp tục cao, đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế.
“Đồng thời, nhu cầu thanh toán của các doanh nghiệp nhập khẩu thường tăng vào thời điểm cuối năm cũng làm tăng nhu cầu ngoại tệ. Tuy nhiên, tỷ giá có điều kiện tiếp tục duy trì ổn định nhờ xuất siêu trong 11 tháng đạt gần 2 tỷ USD”, nguồn tin nhấn mạnh.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, năm 2014 được xem là năm khá ổn định của cặp tỷ giá USD/VND. Dẫu vậy, từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND có 3 đợt “tăng nóng” bất thường.
Đợt “sóng” đầu tiên diễn ra vào khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đầu tháng 6, sau khi liên tục duy trì sự ổn định trong suốt quý I cũng như tháng 4, thị trường ngoại hối có dấu hiệu nóng lên và đã có những biến động khá mạnh. Đến chiều 18/6, Ngân hàng Nhà nước đã công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD áp dụng từ ngày 19/6 từ mức 21.036 VND/USD lên 21.246 VND/USD, tương đương tăng 1%.
Với biên độ tỷ giá +/- 1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần tại ngân hàng thương mại kể từ ngày 19/6 là 21.458 USD/VND, tỷ giá sàn là 21.034 USD/VND. Đây là lần đầu tiên trong gần một năm, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá trước những biến động trên thị trường.
Đợt “sóng” thứ 2 xuất hiện là do kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước sau phiên trả lời chất vấn Ủy ban Thường trực Quốc hội (29/9) của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tại phiên đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề cập đến khả năng nếu có điều chỉnh thì năm nay ở khoảng 1-1,43%; tức vẫn còn 0,43% chưa dùng tới.
Ngay sau phiên trả lời chất vấn, từ 1/10, tỷ giá đã biến động, có ngân hàng đã điều chỉnh tăng thêm 10 VND/USD. Tuy nhiên, với sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước bằng thông điệp sẽ không điều chỉnh tỷ giá trong năm nay, thị trường đã đi vào ổn định.
Đợt “sóng” thứ 3 mới diễn ra vào ngày 18/11, khi tỷ giá USD/VND biến động mạnh, có thời điểm đạt mức 21.420 đồng/1 USD. Mức tăng tới 50 VND chỉ trong vòng 1 giờ đầu ngày - gây bất ngờ vì mức tăng quá đặc biệt, vì sự mạnh bạo đó thường chỉ có ở những thời điểm xáo trộn từ 2011 trở về trước.
Tính chung sự ngấm ngầm đi lên từ đầu tháng 11/2014 đến nay, tỷ giá USD/VND đã lên tới 150 VND. Trước diễn biến này, thị trường xuất hiện thông tin việc Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng tỷ giá trong thời gian tới và một lần nữa, cơ quan điều hành lại lên tiếng khẳng định “không có lý do gì để điều chỉnh tỷ giá”.
Theo BizLIVE