Quy hoạch đô thị và sức đề kháng thảm họa

Thế giới đã và đang phải đương đầu với đại dịch Covid-19 trong đó có Việt Nam. Sự bùng phát của đại dịch này cũng như những diễn biến khó lường, phức tạp trong việc kiểm soát dịch bệnh đã làm bộc lộ nhiều bất cập về tư duy quy hoạch và quản lý đô thị, lối sống và cả văn hóa của nhiều tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là ở các đô thị lớn.

Quy hoạch đô thị và sức đề kháng thảm họa - Ảnh 1
Cần hướng tới quy hoạch những mảng xanh, các điều kiện hạ tầng giúp đô thị đề kháng thảm họa

Siêu đô thị và đô thị nén - những nguy cơ tiềm ẩn

Theo Jane Jacobs, người Mỹ gốc Canada, một nhà hoạt động xã hội, nhà đô thị học, cũng là nhà tư tưởng của thế kỷ 20, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Cái chết và cuộc sống của những thành phố lớn tại Mỹ” (Death and life of Great American Cities), thì đến năm 2030, hai phần ba dân số thế giới sẽ cư trú ở đô thị, và thế giới khi đó sẽ có 41 siêu đô thị có dân số cư trú từ 10 triệu người trở lên. Sự xuất hiện càng nhiều những thành phố lớn tập trung đông dân cư, cũng có nghĩa mật độ tập trung những cư dân ưu tú có trình độ cao, kỹ năng cao - nguồn nhân lực cho sự phát triển sẽ nhiều hơn. Thế nhưng, Jane Jacobs cũng chỉ rõ, siêu đô thị đâu phải là thiên đường, mà thực tế, nó đã và đang phải đối mặt rất nhiều thách thức như sự phân hóa giàu nghèo, sự mất dân chủ trong hưởng thụ tiện ích xã hội, sự đối phó thụ động khi xảy ra những biến cố lớn bởi biến đổi khí hậu và đại dịch bệnh. 

Nếu như năm 2003, dịch SARS tàn phá Hồng Công (Trung Quốc) - trung tâm tài chính kinh tế hàng đầu châu Á, thì đại dịch Covid-19 đã và đang làm tê liệt những thành phố lớn như Vũ Hán (Trung Quốc), Paris (Pháp), London (Anh), Milan (I-ta-li-a)... Ngay cả Singapore, đất nước của nền kinh tế toàn cầu, của môi trường xanh, kiến trúc xanh cũng không tránh khỏi hệ lụy… Hình ảnh những thành phố toàn cầu trên thế giới trong những ngày giãn cách xã hội được lan truyền trên internet đã cho ta sự ngạc nhiên lớn. Đường phố không một bóng người. Không hoạt động cộng đồng. Trong cơn khủng hoảng về xã hội và kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, các nhà quy hoạch đô thị đã đau xót nhận ra rằng: các trung tâm thương mại hào nhoáng, những khu chung cư cao vài chục tầng hiện đại… và hệ thống metro, nơi lượng người tham gia giao thông công cộng đông đúc trước kia lại chính là những ổ dịch dễ lây lan và nguy hiểm nhất cho cộng đồng?! Trong bối cảnh đó, khái niệm về thành phố mật độ cao hay đô thị nén với hệ thống giao thông công cộng hiện đại mà Hội nghị quốc tế đầu tiên về biến đổi khí hậu năm 1979 tại Geneva (Thụy Sĩ) do Liên hợp quốc tổ chức đã khuyến khích và thúc đẩy phát triển như lời giải cho bài toán phát triển đô thị bền vững của nhân loại trong thế kỷ 21, có cần phải xem xét lại?

Cấu trúc lại mô hình đô thị

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai siêu đô thị có dân số 8-10 triệu người cũng trải qua những ngày căng thẳng phòng, chống dịch. Khu phố cổ Hà Nội và khu vực chung quanh Hồ Gươm bình thường vốn nhộn nhịp và đông đúc là thế, trong những ngày giãn cách xã hội đã hoàn toàn vắng lặng không một bóng khách du lịch. Trên các phương tiện truyền thông thường xuyên đưa hình ảnh người dân sinh hoạt tại nhà để chứng minh rằng dù có đại dịch, dù có phải giãn cách cộng đồng thì con người vẫn sống vui vẻ, yêu đời với những tiện ích mà thời công nghệ số đem lại. Nhưng thực tế đó là sự thích ứng bất đắc dĩ. Thật dễ hiểu khi bà con phố Trúc Bạch đã hân hoan nhảy múa, hát hò, vẫy cờ Tổ quốc sau hai tuần bị cách ly xã hội. Thật dễ hiểu khi các cháu học sinh vô cùng hào hứng, hớn hở, rạng rỡ nụ cười trẻ thơ khi được trở lại trường học sau những ngày dài nghỉ học. Thật dễ hiểu khi hoạt động đường phố rất nhanh trở lại nhộn nhịp với các cửa hàng, cửa hiệu, quán ăn cho dù phải thực hiện nghiêm quy định về khoảng cách. Các công viên, phố đi bộ quanh Hồ Gươm lại đông vui với mọi hoạt động cộng đồng. Thật dễ hiểu, giao thông trong thành phố dẫu lại tắc nghẽn, bụi mịn trong không khí lại quá mức cho phép vài lần nhưng người ta vẫn chấp nhận… Khi trở lại trạng thái bình thường mới, mọi người dân mới nhận thức rõ hơn ý nghĩa của những ngày thường bình dị.

Dịch Covid-19 chưa kết thúc và cũng chưa biết đến khi nào có thể kiểm soát được. Nhưng trước những bất cập đã bộc lộ kể trên, lúc này, các nhà quy hoạch và quản lý đô thị nước ta có rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Trước hết, phải xem xét một cách nghiêm túc và trách nhiệm về mô hình phát triển đô thị Việt Nam như thế nào để ít bị tổn thương nhất, ảnh hưởng thấp nhất đến sự phát triển kinh tế khi phải đối phó các loại dịch bệnh tương tự. Đô thị lớn tập trung với mật độ cao như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chạy đua xây dựng nhà cao tầng với khối tích lớn dày đặc trong vùng lõi đô thị đang chật cứng người liệu có đúng không? Các đô thị vệ tinh trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011 lẽ ra phải là nơi phát triển, thu hút dân cư thì đã gần 10 năm nay bị lãng quên (trừ đô thị Hòa Lạc - Xuân Mai). Các khu đô thị mới xuất hiện ngày càng nhiều với san sát chung cư cao tầng - nơi trú ngụ của hàng chục vạn người, liệu có phải là mô hình đáng sống? 

Hiện nay, ngoài vài thành phố lớn và siêu lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng thì hệ thống đô thị Việt Nam còn hơn 800 đô thị vừa và nhỏ có dân số từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn người. Đó là vốn quý, là tiềm năng cho phát triển bền vững rất cần được quan tâm, chăm sóc. Cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã thông qua Khung thực hiện chương trình phát triển đô thị nhằm tạo hỗ trợ pháp lý để tăng tốc phát triển. Song chưa có một chính sách nào đề cập sức chống chịu đô thị và đối phó thảm họa. Quy hoạch chiến lược đô thị của ta còn chung chung, nên các đô thị đang trong tình trạng không rõ quy mô, mô hình khung, bị các dự án đô thị làm chủ tình hình, chứ không phải quy hoạch. 

Để có thể tăng sức đề kháng cho hệ thống đô thị, các đô thị nhỏ, phi tập trung, mật độ dân cư thấp cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, được kết nối với nhau bởi hệ thống giao thông từ bắc đến nam, không chỉ là động lực phát triển kinh tế của địa phương, của vùng, của cả nước, mà còn là nơi đáng sống, là nơi cư trú an toàn cho cư dân và cộng đồng khi xảy ra đại dịch.

Quy hoạch đô thị và sức đề kháng thảm họa - Ảnh 2
Khu đô thị Linh Đàm là nơi điều chỉnh quy hoạch nhiều lần dẫn đến
tình trạng quá tải về dân cư. Ảnh: HẢI NGUYỄN 

GS,TS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam:

Covid-19 là cơ hội để con người nhìn lại chính mình và sản phẩm của mình để xem có cần sửa chữa, điều chỉnh gì không. Dịch bệnh khiến con người phải giãn cách và cách ly để an toàn. Đây cũng là thông điệp và xu hướng sắp tới của quy hoạch và kiến trúc. Phải chăng đã đến lúc quy hoạch và kiến trúc cần phải giãn cách và giữ mật độ xây dựng thấp để bảo đảm an toàn và tính linh hoạt, để có thể sống chung với các biến đổi của thiên nhiên, dịch bệnh. Không gian quy hoạch cần đa dạng, linh hoạt, góp phần hỗ trợ con người.

TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn:

Chúng ta nên tập trung xây dựng các không gian thông thoáng tốt, nhiều cây xanh, như những khu đô thị sinh thái, và những công trình kiến trúc thân thiện môi trường, có đủ không gian xanh mặt nước cần thiết và ánh sáng mặt trời, không những là không gian tốt để sinh sống, mà còn là nơi giúp tăng sức khỏe và sức đề kháng cho con người.

Ngoài ra, có một loại hình khá mới, là cần tính toán quy hoạch “đô thị sức khỏe”. Đó là nơi tập trung trường y, bệnh viện, khu dịch vụ phục hồi sức khỏe, an dưỡng. Đây là nhu cầu có thật trong tương lai mà nếu chuẩn bị tốt, chúng ta cũng sẽ có sự thích ứng mau chóng khi có dịch bệnh tương tự ập đến.

KTS PHẠM THANH TÙNG/BND

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục