Quy định khống chế lãi vay theo Nghị định 20 gây khó cho doanh nghiệp?

Ngày 14/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp bất động sản khi áp dụng Nghị định số 20/2017/NĐ - CP (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Phát biểu tại buổi hội thảo, Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam cho biết, Nghị định 20 được cho là dấu mốc quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giao dịch liên kết, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế về gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống trốn thuế. Mục tiêu là để chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng trong thực tiễn triển khai, Nghị định này đã nảy sinh nhiều bất cập, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp.”

Theo ông Nguyễn Trần Nam quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp.

Quy định khống chế lãi vay theo Nghị định 20 gây khó cho doanh nghiệp? - Ảnh 1
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Đặc biệt, việc đưa ra cơ sở khống chế mức trần chi phí lãi vay sẽ tác động tiêu cực tới những doanh nghiệp có lợi nhuận thấp, nhất là với các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế. Hiện với mức trần lãi vay 20% đang là con số gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, nhất là những ngành nghề cần huy động vốn nhiều như bất động sản.

Mặc dù môi trường đầu tư hiện nay là bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là về thuế. Tuy nhiên, với những lĩnh vực đặc thù, cần lượng đầu tư lớn thì phải nghiên cứu lại tỷ lệ khống chế trần lãi vay - ông Nguyễn Trần Nam phân tích.

Chủ tịch VNREA cho rằng, việc áp dụng quy định nên có lộ trình và tham khảo thông lệ quốc tế BEPS cũng như có sự cân nhắc đến thực tế phát triển và cơ cấu vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện nay của Việt Nam.

Quy định khống chế lãi vay theo Nghị định 20 gây khó cho doanh nghiệp? - Ảnh 2
Chương trình tọa đàm tại buổi hội thảo.

 

Ông Nguyễn Trần Nam cũng thông tin, trước những bất cập của Nghị định 20, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có ý kiến, đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, đưa ra cơ sở việc khống chế mức trần chi phí lãi vay sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp có lợi nhuận thấp. Đặc biệt, đối với các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế.

Đồng thời, Hiệp hội đề xuất cần tạm dừng áp dụng để thay đổi hoặc diễn đạt lại Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 cho rõ ràng hơn để chỉ hiểu theo một cách mà không theo nhiều cách, gây hoang mang cho doanh nghiệp.

Cũng tại buổi hội thảo, Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, tại nhiều quốc gia đang áp dụng mức 30% như Ấn Độ, trên 30% như Mỹ và Đức hay như Indonexia cũng dự kiến là 30%... Tuy nhiên tỷ lệ 20% của Việt Nam rõ ràng chưa tính đến ngành đặc thù và điểm đặc thù ví dụ như điện, bất động sản phải đi vay nhiều hoặc các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, tại Việt Nam nên đề xuất mức 30% là hợp lý, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngưỡng trung bình là 20%. Tuy nhiên, vẫn cần xem xét đặc thù của một số ngành, doanh nghiệp. Cùng đó, cần có lộ trình áp dụng để những doanh nghiệp đang có tỷ lệ vay tới 50% cần kéo về giảm dần, mỗi năm 10% chẳng hạn. Hoặc nếu áp dụng mức 30% thì cần ân hạn 3 năm kéo về...

Quy định khống chế lãi vay theo Nghị định 20 gây khó cho doanh nghiệp? - Ảnh 3
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực.

 

Đề cập đến những ảnh hưởng của Nghị định 20 đối với các doanh nghiệp BĐS, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty CP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân khẳng định, những bất cập của Nghị định 20 ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó có nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Theo ông Tuấn, trên thị trường bất động sản, các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội thì ảnh hưởng còn lớn hơn nhiều doanh nghiệp làm nhà ở thương mại. Đối với các doanh nghiệp nhà ở xã hội, sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết, các doanh nghiệp phải vay với lãi suất thương mại nhưng lại bị khống chế trần lãi vay 20%, khống chế mức lợi nhuận 10% vô tình sẽ làm hạn chế sự phát triển đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Ở góc độ ngân hàng, họ sẽ hạn chế các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Với các cổ đông, họ bị hạn chế do vốn liên kết. Vậy, có nên chăng cần sửa đổi là đối với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội nên có những quy định riêng.

Cũng theo Chủ tịch địa ốc Hoàng Quân, Nghị định 20 còn khiến việc kêu gọi vốn của các doanh nghiệp startup gặp khó khăn. Hiện Chính phủ đã và đang khuyến khích các startup. Nhiều hộ gia đình, cá thể đã chuyển sang mô hình startup. Tuy nhiên ông khẳng định, việc áp dụng Nghị định 20 sẽ khiến việc kêu gọi vốn gặp khó khăn. Các nhà đầu tư phải đặt cược rất lớn và đây cũng sẽ là một rào cản.

Từ những phân tích trên, ông Tuấn cho rằng, việc dừng Nghị định có thể là khó, nhưng mong các các hiệp hội như Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội tư vấn Thuế, Hội Luật sư và các chuyên gia có kiến nghị tới Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, làm thế nào nhanh chóng sửa đổi và có thể áp dụng sửa đổi ngay trong kỳ quyết toán thuế 2018 tới đây.

Hải Lan

Theo SHTT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục