Quy định cấp chứng chỉ môi giới BĐS: Vẫn còn nhiều việc phải bàn

(Kinhdoanhnet) - Quy định cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản đang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía dư luận. Tuy nhiên, nếu không được nghiên cứu kỹ lưỡng cũng như có những biện pháp quản lý phù hợp thì rất khó có thể mang lại hiệu quả như mong muốn.

Quy định cấp chứng chỉ môi giới BĐS: Vẫn còn nhiều việc phải bàn - Ảnh 1
Quy định cấp chứng chỉ môi giới BĐS: Vẫn còn nhiều việc phải bàn

Sát hạch cấp chứng chỉ môi giới là cần thiết

Vừa qua (ngày 30/5), tại Tp.HCM, hội thảo lấy ý kiến góp ý của những người đang hoạt động trong lĩnh vực BĐS cho Thông tư quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS đã được đại diện ban soạn thảo Thông tư quan trọng này tổ chức. Tại hội thảo, ông Phan Thanh Long, một nhà môi giới BĐS độc lập nêu ra dẫn chứng, bên cạnh các nhân viên môi giới ở các sàn giao dịch BĐS chuyên nghiệp, hiện có không ít cá nhân hoạt động môi giới tự do. 

Đối tượng này có thể là một bà bán cafe vỉa hè, một người lái xe ôm, thậm chí là một nhân viên văn phòng... và họ có điểm chung là đều không có chứng chỉ hành nghề. Ông Long nói: “Như vậy có nghĩa là, anh có chứng chỉ, anh hành nghề môi giới BĐS. Tôi không có chứng chỉ, tôi cũng hành nghề. Chả có ai cấm, chả có ai phạt tôi cả. Thế thì bắt tôi phải học, phải thi lấy chứng chỉ để làm gì?". Vì thế, theo ông Long, Thông tư cần phải đưa ra được các biện pháp quản lý và chế tài đối với những hoạt động môi giới đơn lẻ để chứng chỉ hành nghề thật sự có giá trị.

Phó Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Him Lam Ngô Quang Phúc nhận định, môi giới BĐS đã được xem là một nghề và được pháp luật thừa nhận. Những cá nhân hoạt động môi giới cần phải được cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, tấm thẻ hành nghề này trên thực tế vẫn chưa được coi trọng, chưa được nhìn nhận đúng giá trị, chưa làm cho những chủ thể cấp thẻ hành nghề cảm thấy vinh dự, tự hào khi có thẻ mà mới chỉ thật sự có tác dụng đôi với việc đăng ký thành lập sàn giao dịch. 

Ông Phúc trăn trở: "Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS nhiều năm. Tự hào là đã góp một phần công sức cho sự phát triển của thị trường BĐS, đem lại niềm vui cho không ít gia đình. Thế nhưng, dưới góc nhìn xã hội, những người hành nghề môi giới BĐS vẫn bị gọi là "cò" một cách không mấy thiện cảm.

Do đó, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Nguyễn Mạnh Hà cho hay, quy định cấp chứng chỉ hành nghề sẽ bắt buộc phải qua đào tạo, sát hạch chặt chẽ, bài bản sẽ tạo ra đội ngũ môi giới chất lượng là cần thiết đối với sự phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Quy định cần phải sát thực tế

Ông Tuấn nhận định, Dự thảo Thông tư cần phải theo nội dung và tinh thần cải cách thủ tục hành chính. Đơn cử, quy định sàn giao dịch BĐS phải có quy mô 50m2 là mong muốn của nhà làm luật, còn trên thực tế, diện tích hẹp hay rộng nên để thị trường quyết định. Thêm nữa, nếu sàn giao dịch tiến hành trên mạng chủ yếu theo hình thức thương mại điện tử thì yêu cầu đối với diện tích sẽ không phù hợp.

Theo Tổng giám đốc Siêu thị Dự án Phạm Thanh Hưng, nhiều nhà môi giới thời gian qua làm ăn không chuyên nghiệp, lấy danh nghĩa của sàn giao dịch để tham gia đẩy giá, ăn “chênh”. Nhưng khi bị phát hiện, khách hàng chỉ có thể yêu cầu sàn giao dịch 0chịu trách nhiệm. Do đó, cần phải đưa vào luật quy định nhà môi giới phải chịu trách nhiệm cá nhân. Ông Hưng kiến nghị: “Khi ký hợp đồng môi giới với khách hàng, nhà môi giới phải ghi rõ tên tuổi, số thẻ hành nghề rõ ràng và phải tự chịu trách nhiệm khi sai phạm”.

Đối với những thắc mắc của cá nhân và doanh nghiệp về quy định xử lý chuyển tiếp. Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Vũ Văn Phấn cho hay, Dự thảo Thông tư đã quy định rõ ràng: “Người được cấp chứng chỉ môi giới BĐS trước ngày Thông tư ngày có hiệu lực thi hành được tiếp tục hành nghề môi giới.

Các chứng chỉ này mặc nhiên hết hạn sau 5 năm tính từ ngày Luật Kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực. Người có chứng chỉ được cấp lại chứng chỉ sau khi hết hạn, nhưng phải thi sát hạch theo quy định tại Thông tư này“. Cụ thể, ông Phấn cũng nêu rõ, đối với những cơ sở đào tạo đã được Bộ Xây dựng công nhận đủ điều kiện hoạt động vào thời điểm trước ngày Thông tư này có hiệu lực sẽ được tiếp tục đào tạo.

Bên cạnh đó, theo đề nghị của luật sư Trương Anh Tuấn, Uỷ viên Uỷ ban Đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng, phổ biến pháp luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, việc cấp chứng chỉ nên tiến hành theo cơ chế tự do, cởi mở cho người học, cần rà soát đầu ra của nghề bằng việc kiểm tra, không nên nhất thiết phải xây dựng chương trình cứng.

Ủng hộ kiến nghị trên, Tổng giám đốc Công ty CP Đất Xanh miền Bắc Vũ Cương Quyết nhận định, chúng ta cần sớm ban hành một bộ giáo trình, tài liệu giảng dạy về nghề môi giới BĐS thống nhất trên cả nước để giảng dạy trong những cơ sở đào tạo, tránh hiện trạng có gì dạy nấy trong những cơ sở đào tạo. Ông Quyết cho biết: "Ngay cả những người muốn hành nghề môi giới nhưng không có điều kiện theo học thì cũng có thể sưu tầm tài liệu để tự học và đăng ký tham gia sát hạch được”.

Đối với phần nội dung thi, môn thi theo quy định tại Khoản 2, Điều 8 của Dự thảo Thông tư ông Tuấn đề xuất, nên triển khai theo phương án 1 là thi sát hạch về 1 môn pháp luật vì việc cập nhật pháp luật phải luôn phải gắn liền với nghề môi giới BĐS, sẽ tư vấn sai luật nếu không cập nhật pháp luật.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Kinh tế & Đô thị, ĐTCK)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục