Quốc tế Sơn Hà (SHI) tăng vốn đầu tư Khu Công nghiệp Tam Dương lên gần 1.600 tỷ đồng

Quốc tế Sơn Hà vừa công bố thông tin về việc nâng tổng mức đầu tư dự án Khu Công nghiệp Tam Dương từ 1.316 tỷ đồng lên gần 1.577 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp công ty gần 504,6 tỷ đồng, còn lại là vốn vay ngân hàng và vốn huy động hợp pháp khác.

Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà (Mã CK: SHI) vừa công bố thông tin về việc điều chỉnh một số nội dung của dự án Khu công nghiệp (KCN) Tam Dương I – Khu vực 2, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.

Cụ thể, căn cứ vào tình hình thực hiện dự án thực tế và biến động chi phí, dự toán các hạng mục đầu tư để triển khai dự án, công ty nâng tổng mức đầu tư dự án từ 1.316 tỷ đồng lên gần 1.577 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của Sơn Hà gần 504,6 tỷ đồng (chiếm 32% tổng vốn đầu tư), còn lại là vốn vay ngân hàng và vốn huy động hợp pháp khác (1.072 tỷ đồng).

Tiến độ góp vốn và huy động vốn từ năm 2021 – 2025. Tính tới cuối quý III/2022, công ty đã vay 140,7 tỷ đồng từ VietinBank – Chi nhánh Thành An trong khoản vay theo hợp đồng tín dụng với tổng hạn mức 1.073 tỷ đồng, thời hạn 6 năm.

Quốc tế Sơn Hà (SHI) tăng vốn đầu tư Khu Công nghiệp Tam Dương lên gần 1.600 tỷ đồng - Ảnh 1
Thông tin chi tiết về việc điều chỉnh tăng vốn dự án KCN Tam Dương của Quốc Tế Sơn Hà. Nguồn: SHI
Thông tin chi tiết về việc điều chỉnh tăng vốn dự án KCN Tam Dương của Quốc Tế Sơn Hà. Nguồn: SHI

Trước đó, vào năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư và xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Tam Dương I - khu vực 2, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, dự án có quy mô 162,33ha được quy hoạch tại các xã Hướng Đạo, xã Đạo Tú và thị trấn Hợp Hòa thuộc huyện Tam Dương. Trong đó, phần đất xây dựng hạ tầng khu công nghiệp là 156,76ha và phần đất 5,57ha được giữ nguyên hiện trạng.

Tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.316 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà làm nhà đầu tư. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là hơn 198 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được bàn giao đất và thời hạn thực hiện là 50 năm kể từ ngày có quyết định chủ trương.

Theo kế hoạch, từ quý III/2021 đến hết năm 2022, huyện Tam Dương phải hoàn thành công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng. Từ năm 2025, dự án sẽ hoàn thành hạ tầng bắt đầu cho thuê mặt bằng.

Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, lãnh đạo công ty cho biết, Sơn Hà đặt mục tiêu giải phóng được 50 – 60% diện tích vào đầu tháng 5/2022. Sơn Hà đã đề xuất với tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi giải phóng được 50%, công ty sẽ triển khai xây dựng KCN.

Doanh nghiệp đặt mục tiêu trong quý 4/2022 sẽ có doanh thu từ KCN này. Tỷ lệ có thể khai thác được là 30 – 40 ha đất thương phẩm, khả năng trong năm 2022 sẽ có doanh thu từ 40 ha đất thương phẩm này. Tính đến ngày 30/9, chi phí xây dựng dở dang của KCN Tam Dương hơn 202 tỷ đồng, tăng 174 tỷ đồng so với đầu năm.

Phối cảnh dự án Khu công nghiệp Tam Dương.
Phối cảnh dự án Khu công nghiệp Tam Dương.

Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của Quốc tế Sơn Hà tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 5.647 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế giảm tới 43%, chỉ đạt 66,7 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm đến 38% chỉ còn hơn 53,5 tỷ đồng do chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao.

Như vậy, So với mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 8.600 tỷ đồng và tổng lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt khoảng 160 tỷ đồng. Sau 9 tháng, Quốc tế Sơn Hà mới chỉ đạt gần 34% chỉ tiêu lợi nhuận và 66% chỉ tiêu doanh thu.

Tính đến ngày 31/9/2022, nợ phải trả của Sơn Hà ở mức 4.679 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ là 1.898 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả của doanh nghiệp đang gấp gần 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ của công ty Sơn Hà, nợ ngắn hạn chiếm hơn 4.347 tỷ đồng, trong khi nợ dài hạn chỉ chiếm hơn 332 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Sơn Hà tính đến cuối quý III/2022 là 6.577 tỷ đồng, trong đó chiếm chủ yếu là tài sản ngắn hạn ở mức 5.156 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền chỉ ở mức 123 tỷ đồng, giảm 28,9% so với số đầu năm.

Nhìn vào dòng tiền của công ty cũng cho thấy “điểm trừ” khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tính đến cuối tháng 9/2022 vẫn âm 1.289 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ âm 337 tỷ đồng. Song song với đó, lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư của công ty cũng âm hơn 361 tỷ đồng...

 

Nam Phong

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục