Quốc tế Sơn Hà: Giá vốn và lãi vay ăn mòn lợi nhuận, hơn 3.000 tỷ đồng nợ vay

Năm 2022, CTCP Quốc tế Sơn Hà (HoSE: SHI) đặt mục tiêu doanh thu 8.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 160 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 92,6% mục tiêu doanh thu và 54% mục tiêu lợi nhuận.

Đạt 54% mục tiêu lợi nhuận năm 2022

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, quý 4/2022, Quốc tế Sơn Hà đạt 2.322 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng tới 13% so với cùng kỳ 2021. Thế nhưng do giá vốn tăng cao hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 10%, đạt 238 tỷ đồng.

Đáng nói, quý 4/2022 doanh thu tài chính tăng gấp 4 lần cùng kỳ, đạt hơn 96,5 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính tại Quốc tế Sơn Hà còn ghi nhận lớn hơn, đạt gần 139 tỷ đồng, tăng gấp 1,6 lần chủ yếu do chi phí lãi vay tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 93 tỷ đồng.

Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp có giảm so với cùng kỳ nhưng không thể bù nổi chi phí tài chính. Kết quả, Quốc tế Sơn Hà chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 33,6 tỷ đồng, giảm đến 33%.

Tính cả năm 2022, doanh thu thuần của SHI đạt gần 7.970 tỷ đồng, tăng 12%. Doanh thu tài chính trong năm 2022 đạt 132 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần, tuy nhiên vẫn không bù nổi chi phí tài chính tăng tới 85%, lên mức 351 tỷ đồng (chủ yếu là chi phí lãi vay tăng gấp 1,5 đạt hơn 252 tỷ đồng). Dù các khoản chi phí khác được tiết giảm nhưng không đáng kể.

Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế năm 2022 tại Quốc tế Sơn Hà giảm tới 36% so với năm 2021, mang về hơn 87 tỷ đồng.

Quốc tế Sơn Hà: Giá vốn và lãi vay ăn mòn lợi nhuận, hơn 3.000 tỷ đồng nợ vay - Ảnh 1

Có thể thấy, giá vốn và chi phí lãi vay \'ăn mòn\' lợi nhuận của SHI trong năm 2022.

Được biết, năm 2022, SHI đặt mục tiêu doanh thu là 8.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 160 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới chỉ hoàn thành 92,6% mục tiêu doanh thu và 54% mục tiêu lợi nhuận.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh không mang được tiền về, SHI vẫn chăm chỉ chi tiền để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác tài sản hơn 938 tỷ đồng, tăng gấp 11 lần so với năm 2021. Do đó, dòng tiền đầu tư âm hơn 1.000 tỷ đồng. Điều này đã đẩy dòng tiền vay/trả trong năm lên mức rất cao, đạt 7.401 tỷ đồng/6.460 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 12% so với năm trước.

Nợ vay tại SHI đạt gần 3.662 tỷ đồng

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản SHI đạt 7.326  tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tăng 3,8 lần, chủ yếu tập trung tại các dự án trọng điểm như: dự án khu công nghiệp Tam Dương (187 tỷ đồng), dự án nhà máy Bàu Bảng (344 tỷ đồng)…

Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 29%, đạt 3.278 tỷ đồng; trong khi đó hàng tồn kho đạt 1.733 tỷ đồng, tăng 6%.

Đáng chú ý, SHI có 430 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng với các kỳ hạn khác nhau.

Nguồn: Internet.
Nguồn: Internet.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại SHI tại ngày 31/12/2022 đạt 5.365 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, chiếm 73% tổng tài sản. Trong đó, nợ vay đạt gần 3.662 tỷ đồng, tăng 32%, chiếm 68% nợ phải trả và 50% tổng tài sản.

Tính đến 31/12/2022, Quốc tế Sơn Hà đang vay ngắn hạn tại BIDV chi nhánh Thanh Xuân và CN Hoài Đức tổng cộng hơn 1.628 tỷ đồng. Cả hai khoản vay này đều nhằm mục đích tài trợ vốn lưu động, lãi suất điều chỉnh theo thông báo của bên cho vay. Tài sản đảm bảo là các khoản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, ký quỹ được giao kết trước ngày hợp đồng vay.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đang vay ngắn hạn tại Vietcombank tổng 130,2 tỷ đồng; vay tại Vietinbank tổng 580,5 tỷ đồng; ngân hàng MB hơn 165 tỷ đồng; TPBank hơn 65 tỷ đồng; Techcombank gần 143 tỷ đồng;…

Bên cạnh đó, SHI vay ngắn hạn các cá nhân hơn 2,5 tỷ đồng.

Về nợ vay dài hạn, tính đến 31/12/2022, SHI đang vay dài hạn ngân hàng gần 216 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với đầu năm. Trong đó, TPBank CN Tây Hà Nội cho vay nhiều nhất, lên tới 1.185 tỷ đồng, Vietinbank cho vay tổng cộng hơn 172 tỷ đồng;…

Doanh nghiệp này cũng nợ thuê tài chính hơn 47,4 tỷ đồng và vay dài hạn các tổ chức khác hơn 59 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tại Quốc tế Sơn Hà tính đến 31/12/2022 đạt 1.961 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu năm. Nhờ vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu được cải thiện từ mức 3,33 lần hồi đầu năm xuống còn 2,73 lần.

Vừa qua, Quốc tế Sơn Hà đã mua lại 42 tỷ đồng trong số 280 tỷ đồng đang lưu hành của lô trái phiếu SHIH2124001.Giao dịch được thực hiện trong ngày 18/01/2023. Khối lượng còn lại sau khi mua lại là 238 tỷ đồng.

Lô trái phiếu SHIH2124001 được phát hành ngày 28/07/2021, kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn ngày 28/07/2024. Lô trái phiếu gồm 2,800 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo bao gồm 38.5 triệu cp SHI cùng toàn bộ quyền, lợi ích phát sinh; 12 triệu cổ phần của CTCP Tổng Công ty Toàn Mỹ thuộc sở hữu của SHI cùng toàn bộ quyền, lợi ích phát sinh.

Lãi suất trái phiếu cố định 11%/năm cho hai kỳ tính lãi đầu tiên; lãi suất các kỳ tiếp theo bằng tổng lãi tham chiếu cộng 4.5%/năm, hoặc bằng 11% nếu lãi tham chiếu nhỏ hơn 6.5%/năm. Kỳ tính lãi 6 tháng một lần.

Số vốn huy động được sử dụng tăng quy mô hoạt động và thực hiện các chương trình, dự án của SHI. Cuối tháng 12/2021, SHI công bố đã sử dụng toàn bộ số tiền theo đúng mục đích là tăng quy mô vốn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thép không gỉ.

Quốc tế Sơn Hà bất ngờ giảm vốn góp vào Dự án KCN Tam Dương I

Hội đồng quản trị Công ty CP Quốc tế Sơn Hà vừa có quyết định điều chỉnh một số nội dung của dự án "Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Tam Dương I - Khu vực 2, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc".

Dự án hạ tầng kỹ thuật KCN Tam Dương I
Dự án hạ tầng kỹ thuật KCN Tam Dương I

Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng từ 1.576,4 tỷ đồng lên 1.576,8 tỷ đồng, tăng 400 triệu đồng so với lần điều chỉnh gần nhất vào tháng 7/2021.

Trong đó, vốn góp thực hiện dự án của Tập đoàn Sơn Hà giảm từ 523,7 tỷ đồng xuống còn 504,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 32% tổng vốn đầu tư. Tiến độ vốn góp cũng được điều chỉnh từ giai đoạn từ năm 2021 - 2022 đến năm 2025.

Đối với số vốn còn lại vay ngân hàng và vốn huy động hợp pháp khác được nâng từ 1.052 tỷ đồng chiếm 66,8% tổng vốn đầu tư lên 1.072 tỷ đồng. Tiến độ huy động vốn cũng kéo dài từ năm 2024 đến năm 2025.

Lý do điều chỉnh được Quốc tế Sơn Hà cho biết là do căn cứ vào tình hình thực hiện dự án thực tế và biến động chi phí, dự toán các hạng mục đầu tư để triển khai dự án.

Đây không phải là lần đầu tiên Sơn Hà điều chỉnh vốn góp. Ngày 15/3/2021, Tập đoàn Sơn Hà được Chính phủ đồng ý quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Tam Dương I - khu vực 2, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng, kinh doanh đất có hạ tầng và kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

Địa điểm thực hiện dự án tại xã Hướng Đạo, xã Đạo Tú và thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô sử dụng đất của dự án 162,33 ha, trong đó phần đất xây dựng hạ tầng khu công nghiệp là 156,76 ha và phần đất 5,57 ha (đất tôn giáo, tín ngưỡng; đất hành lang an toàn lưới điện) được giữ nguyên hiện trạng và có biện pháp bảo vệ.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.316,12 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 198,734 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư (10/3/2021).

Đến ngày 27/7/2021, Sơn Hà nâng tổng mức đầu tư lên 1.576,4 tỷ đồng và tăng giá trị vốn góp của mình lên tới 523,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn đã phải điều chỉnh giảm vốn góp vào dự án.

Số liệu từ báo cáo tài chính ghi nhận, Tập đoàn Sơn Hà đã đầu tư 202 tỷ đồng vào Dự án Tam Dương, chủ yếu số vốn đến từ vay ngân hàng.

Thực tế, việc điều chỉnh giảm vốn góp vào dự án của Quốc tế Sơn Hà cũng không loại trừ nguyên nhân Tập đoàn này đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.

 

Trang Bùi

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục