Toàn cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình
Trước đó, phát biểu mở đầu phần trả lời chất vấn của mình (chiều 4/6), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ, trong những năm qua và đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Bộ Xây dựng đã luôn nỗ lực, cố gắng và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng, cố gắng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận, công tác quản lý nhà nước về xây dựng vẫn “còn một số hạn chế, tồn tại”. “Chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình về những hạn chế, tồn tại này, đã và đang thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động và sớm khắc phục các hạn chế tồn tại của toàn ngành và của Bộ Xây dựng”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Xây dựng đã có hai báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội là: Báo cáo số 50 ngày 19/4/2019 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 113 ngày 27/11/2015 của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề chất vấn đối với nội dung liên quan thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ từ tháng 12/2015 đến tháng 3/2019 và Báo cáo số 70 ngày 31/5/2019 về một số nội dung bổ sung các nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực xây dựng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà
Trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà có 49 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 9 đại biểu tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, các đại biểu: Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng); Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương); Trần Thị Dung (Điện Biên); Lý Tiết Hạnh (Bình Định); Lê Thanh Vân (Cà Mau); Nguyễn Văn Dành (Bình Dương); Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai); Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn); Trương Trọng Nghĩa (TPHCM); Đặng Thuần Phong (Bến Tre)... đã đặt câu hỏi thẳng thẳn, chất vấn Bộ trưởng các nội dung: Giải pháp xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo; trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp xử lý vi phạm quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng; xử lý dứt điểm vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực; trách nhiệm và giải pháp quản lý quỹ đất sau khi di dời doanh nghiệp, cơ quan ra khỏi nội đô Hà Nội; trách nhiệm của các bộ ngành và Bộ Xây dựng trong việc tham mưu quản lý căn hộ, biệt thự du lịch; vì sao chậm sửa đổi, bổ sung bộ quy chuẩn xây dựng; giải pháp phát triển ổn định, bền vững thị trường bất động sản; giải pháp đột phá để tăng nguồn cung nhà ở xã hội; giải pháp cải tạo chung cư cũ ở các thành phố lớn; quy hoạch, khai thác các khu du lịch tâm linh; chất lượng xây dựng công trình;...
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Chất lượng quy hoạch còn thấp
Về tổ chức quản lý đô thị, Bộ trưởng cho biết, trong những năm qua quá trình đô thị hóa của đất nước diễn ra nhanh chóng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đời sống nhân dân đô thị ngày một được nâng cao. Tuy nhiên việc phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, như vẫn tồn tại những căn hộ siêu mỏng, siêu méo như đại biểu nêu.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của những tồn tại là do yếu kém về chất lượng quy hoạch, một số quy hoạch dự báo chưa đúng tốc độ, tình hình phát triển,... dẫn đến tính toán sai các chỉ tiêu hạ tầng, cấu trúc đô thị. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức xây dựng có những điểm lạc hậu... Việc tổ chức thực hiện quy hoạch cũng còn nhiều hạn chế... Dẫn đến tình trạng xây dựng nhiều nhà cao tầng nội đô, xây dựng khu đô thị không đi kèm hạ tầng...
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng nêu rõ, Bộ Xây dựng có trách nhiệm tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, quy định pháp luật có lúc chưa kịp thời. Việc đánh giá thực thi pháp luật ở địa phương chưa nghiêm túc, có những nội dung thực tế đã có nhưng chưa kịp thời phát hiện, kịp thời bổ sung quy định xử lý. Bộ Xây dựng có trách nhiệm trong việc chưa thực sự phối hợp quản lý; đôn đốc, hướng dẫn cho địa phương. Bộ Xây dựng cũng có trách nhiệm với tình trạng chậm thực hiện một số nội dung giao cho Bộ Xây dựng như thẩm định dự án, xây dựng quy chuẩn, tiểu chuẩn đánh giá. Trong đội ngũ cán bộ ngành xây dựng có bộ phận chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. "Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về vấn đề này”, Bộ trưởng nói.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện các giải pháp: Nâng cao chất lượng quy hoạch, bảo đảm tính khả thi của quy hoạch; kiểm soát thực hiện dự án đầu tư đúng quy hoạch; tăng cường tuyên truyền, công bố về quy định pháp luật, quy hoạch để người dân biết và tiến hành giám sát; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực này.
“Tôi cũng như các cử tri, nhân dân cũng rất muốn sớm hạn chế những hiện tượng tiêu cực trong xây dựng đô thị. Nhưng tôi tin, tới đây, khi tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, tăng cường quản lý nhà nước, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các cơ quan, bộ ngành trong quản lý, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, thì hạn chế trong thực hiện xây dựng đô thị sẽ chuyển biến theo hướng kiểm soát ngày càng hiệu quả”, Bộ trưởng khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) chất vấn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Vi phạm xây dựng đã giảm song vẫn còn ở mức cao
Về xử lý vi phạm trật tự xây dựng, Bộ trưởng cho biết, những năm qua vi phạm về xây dựng (xây dựng không phép, sai phép,...) đã giảm dần song vẫn còn ở mức cao và đây cũng là vấn đề gây ra những lệch lạc trong xây dựng làm nhân dân và cử tri bức xúc.
Bộ trưởng dẫn chứng, năm 2016 có 15.593 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, công trình không phép là 7.038, sai phép là 5.164 công trình, vi phạm khác là 3.181 công trình. Đến năm 2018, số lượng công trình sai phạm đã giảm còn 10.608.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, mô hình thanh tra xây dựng chưa hợp lý. Một bộ phận thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực, nhiều bộ phận chậm phát hiện nhưng xử lý chưa kịp thời, chưa kiên quyết, triệt để. Ý thức chấp hành pháp luật một số tổ chức, doanh nghiệp người dân chưa tốt. Nhiều trường hợp nhắc nhở nhưng cố tình vi phạm... Bộ trưởng cho biết thời gian tới sẽ tham mưu hoàn thiện thể chế, kiện toàn mô hình tổ chức thanh tra xây dựng đô thị... để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này.
* Về vi phạm xảy ra ở công trình nhà 8B Lê Trực và chung cư HH Linh Đàm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ: Hai vụ việc này thuộc trách nhiệm xử lý của thành phố Hà Nội.
Đối với tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội “đang thực hiện cưỡng chế, phá dỡ vi phạm theo giấy phép”. “Phá dỡ theo chiều ngang thì làm rồi, nhưng theo chiều dọc thì liên quan đến kết cấu, tính khả năng, chịu đựng của công trình, thì nếu cần Bộ sẽ có giúp đỡ với Hà Nội đưa ra phương án phá dỡ tốt hơn.
"Còn chung cư HH Linh Đàm vi phạm có rồi, trách nhiệm xử lý của Hà Nội không phải của Bộ Xây dựng”, Bộ trưởng nói.
Ảnh VGP/Nhật Bắc
Trong năm 2019 sẽ sửa đổi 4 quy chuẩn xây dựng
Về việc ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn mới, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết trong năm vừa qua Bộ Xây dựng đã dần dần hoàn thiện được bộ quy chuẩn.
Tuy nhiên Bộ trưởng cho rằng sự phát triển của khoa học công nghệ và thị trường, bộ tiêu chuẩn bộc lộ những thiếu sót. Cụ thể, về hệ thống bộ quy chuẩn còn phân tán ở nhiều quy chuẩn khác nhau, bị trùng lặp giữa các ngành. Ngoài ra, một số quy chuẩn đã lạc hậu. Bộ trưởng lấy ví dụ như về kiểm soát dân số, hạ tầng chưa được cập nhật.
Ngoài ra, việc áp dụng bộ chuẩn tiêu chuẩn cũng còn thể hiện sự tùy tiện của các cơ quan lập và thẩm định dự án. Bộ trưởng cho biết sẽ bổ sung những thiếu sót, sửa đổi những tiêu chuẩn và quy chuẩn đã lạc hậu.
“Trong năm 2019 Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi 4 quy chuẩn liên quan đến đầu tư xây dựng đô thị đó là: Quy chuẩn quy hoạch đô thị, nhà ở, cơ sở hạ tầng và phòng cháy chữa cháy. Đồng thời Bộ sẽ rà soát 62 quy chuẩn nữa”, ông Hà nói.
Về việc xây dựng các quy định quản lý đầu tư, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đối với các loại hình căn hộ du lịch (condotel), Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, ban hành quy chế quản lý vận hành đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel…).
Bộ trưởng đảm bảo quá trình này sẽ được hoàn tất trong năm 2019, đồng thời cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn về chế độ sử dụng đất với các công trình xây dựng condotel hoặc condotel kết hợp nhà ở.
Sẽ thanh tra quy hoạch tại trung tâm một số đô thị lớn
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận hiện nay còn thực trạng quy hoạch nhà không đồng bộ quy hoạch phát triển hạ tầng.
Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn việc điều chỉnh quy hoạch. Ông cũng nhấn mạnh rằng Thanh tra Bộ sẽ vào cuộc xử lý việc phá vỡ quy hoạch chi tiết.
“Trong năm nay, cũng như sang năm, Bộ Xây dựng trực tiếp cho thanh tra một số quy hoạch chi tiết, đặc biệt là tại trung tâm một số đô thị lớn. Từ đó, có xử lý dứt điểm vấn đề này”, Bộ trưởng nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Xây dựng cơ chế đặc thù cải tạo chung cư cũ
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) chất vấn, số lượng nhà chung cư cũ còn rất lớn, nhiều nhất ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, có nhiều khu xuống cấp tới mức độ D - cực kỳ nguy hiểm mà vẫn phải đang chờ vì thiếu kinh phí cải tạo. Giải pháp trong thời gian tới?
Bộ trưởng cho biết, cả nước có khoảng 2.500 nhà chung cư cũ, trong đó Hà nội có 1.579 chung cư cũ.
Về giải pháp, Bộ trưởng yêu cầu phải sửa đổi bổ sung thể chế, sau đó là chú ý phải có quy định cụ thể linh hoạt hơn về tăng chiều cao và dân số đối với các dự án cải tạo chung cư cũ trong một số trường hợp.
Theo Bộ trưởng, hiện nay, tắc nhất việc cải tạo chung cư cũ là chúng ta không bảo đảm được hài hòa lợi ích của Nhà nước của nhà đầu tư và nhân dân, khi doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ thì họ bị hạn chế theo quy hoạch và tầng cao diện tích ở và dân số ở khu vực đó. Vì thế nếu họ lập dự án thì không bảo đảm lợi nhuận đầu tư của họ nên rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư. Cho nên chúng tôi đề xuất trong thời gian tới Chính phủ cần bổ sung chính sách về việc này.
“Để triển khai việc này, Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xây dựng một số cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù đối với cải tạo chung cư cũ, thí dụ như Hà Nội hiện nay đang làm là xây dựng chung cư cũ dự án mở rộng ra, không chỉ ở địa điểm chung cư đó mà cải tạo các các khu vực chung quanh nữa để tạo thành khu đô thị phát triển hoàn chỉnh đồng bộ cũng như tạo được lợi nhuận cho nhà đầu tư để nhà đầu tư có điều kiện tham gia tích cực vào việc này”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương quan tâm, khẩn trương hoàn thành việc kiểm định đánh giá chất lượng nhà chung cư cũ và chỉ đạo tổ chức, lập phê duyệt công bố quy hoạch, kế hoạch cải tạo xây dựng lại chung cư trên địa bàn và đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với địa phương.
Phê duyệt dự án - có hiện tượng “bôi trơn”
Quan tâm đến các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, các công trình này thường “có giá thành cao hơn nhiều, thậm chí cao hơn nhiều lần so với công trình xây dựng tương tự do tư nhân thực hiện”. Phải chăng việc chậm sửa đổi bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn, đơn giá xây dựng là kẽ hở cho lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong xây dựng? Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết bao giờ sửa đổi bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn và đơn giá xây dựng?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đánh giá các đơn giá, hiện đã loại bỏ, sửa đổi khoảng trên 2.000 đơn giá. Bộ trưởng tin rằng, “việc áp dụng định mức giá mới sẽ giúp giá thành xây dựng sử dụng vốn nhà nước giảm xuống. Năm 2021 bắt đầu thực hiện phương pháp định giá mới, đáp ứng nhu cầu thị trường và hội nhập quốc tế”.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, với các công trình tư nhân, “nói thật người ta quản lý chặt chẽ hơn, tiếp cận trực tiếp với cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, và tiết kiệm chi phí chung nên giá thành xây dựng thấp hơn”. “Chúng tôi sẽ kiểm soát tốt hơn để có giá thành hợp lý, đúng, đủ chi phí”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), ở không ít dự án, việc thực hiện trình tự, thủ tục, quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định pháp luật trong công tác lập, thẩm định, nghiệm thu công trình còn vi phạm, gây thất thoát vốn ở một số khâu có nguyên nhân chủ quan từ ý chí chủ thầu theo nguyên tắc “chuyên môn càng sâu, vi phạm càng tinh vi”, “chi phí cho việc càng cao thì việc phê duyệt càng thuận lợi”. Tùy thuộc vào tính chất dự án, nguồn gốc dự án khác nhau thì tồn tại tỷ lệ phần trăm tương ứng cho chủ đầu tư. Dẫn ra thực trạng này, đại biểu nêu rõ: Những vi phạm nêu trên chủ yếu do Kiểm toán nhà nước phát hiện, có kiến nghị xử lý. Bộ trưởng đã có chỉ đạo gì với thanh tra chuyên ngành để thanh tra xử lý, chủ động ngăn chặn những vi phạm nêu trên?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết, trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự toán có nguyên nhân từ cán bộ thực hiện, có hiện tượng “bôi trơn”. Trong thực hiện có thể có tình trạng này, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm túc về trách nhiệm công vụ, vi phạm hành chính, nếu phát hiện vi phạm hình sự sẽ xử lý theo quy định pháp luật hình sự. Chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra xây dựng để thanh tra một số công trình riêng, qua đó phát hiện, ngăn chặn vi phạm này.
Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh
Hiện nay, nguồn cung của loại hình bất động sản như nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở cho người dân, đặc biệt là nhà ở xã hội giá rẻ rất thiếu trong khi nhu cầu nhà ở xã hội này rất lớn. Bộ trưởng cho biết, có chính sách đột phá gì để tăng nguồn cung cho loại hình bất động sản này, đại biểu Nguyễn Văn Dành (Bình Dương) chất vấn.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, những tồn tại của thị trường bất động sản là do một số quy định thể chế chưa đồng bộ, mâu thuẫn giữa pháp luật bất động sản với pháp luật khác, như giải phóng mặt bằng, quy định loại hình bất động sản mới…
Cùng với đó, cơ cấu sản phẩm của bất động sản tuy chuyển dịch tích cực nhưng chưa cân đối với nhu cầu thị trường. Ông cho biết, một số phân khúc trung, cao cấp và các sản phẩm du lịch đã dư thừa nhưng lại thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp. Hiện nhà ở xã hội mới có 4,8 triệu m2 so với 12,5 triệu m2 đến năm 2020. Do thiếu nguồn vốn cho vay nên hiện còn 226 dự án nhà ở xã hội còn còn chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính cho thị trường bất động sản còn thấp, chủ yếu dùng vốn tín dụng ngân hàng và ứng trước của khách hàng, chủ đầu tư chỉ khoảng 15%, hiện chưa có nguồn vốn dài hạn, ổn định cho thị trường. Hiện chưa có ngân hàng tiết kiệm nhà ở, quỹ về nhà, chưa hình thành thị trường tài chính thứ cấp cho bất động sản. Dư nợ tín dụng bất động sản đến quý III.2018 chiếm 8% dư nợ tín dụng, vẫn là ngưỡng an toàn nhưng cơ bản tập trung nhà đầu tư lớn và một số phân khúc bất động sản có nhiều rủi ro. Tình hình thị trường bất động sản có dấu hiệu không minh bạch, như đảo nợ. Chính sách thuế chưa khuyết khích, thu hút nguồn lực cho bất động sản, chưa hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản. Hiện tình trạng phát triển nhà ở xã hội rất chậm.
Những hạn chế nêu trên, theo Bộ trưởng, gây ra rủi ro cho hoạt động thương mại trong thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng cho rằng, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, kiểm soát thị trường chưa được chặt chẽ, nguồn lực cho bất động sản còn thấp, tổ chức bộ máy quản lý còn chưa kịp thời, tính minh bạch trong thị trường bất động sản chưa đảm bảo. Hiện đã có nghị định của Chính phủ xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường nhà ở, nhưng “thực hiện rất chậm”. Hiện hệ thống thông tin thiếu nhiều, chưa đồng bộ.
Các địa phương chưa quan tâm nhiều đến kiểm soát thị trường bất động sản, chưa kiểm soát cung cầu thị trường bất động sản; phê duyệt nhiều dự án không phù hợp với thị trường, chủ yếu là phân khúc cao cấp chưa phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở. Công tác thanh tra, kiểm tra thị trường bất động sản chưa được thực hiện thường xuyên.
Để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, Bộ trưởng nêu rõ, cần tiếp hoàn thiện thể chế, đảm bảo đồng bộ pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản từ quy hoạch, đất đai, thuế, cơ chế tài chính, đầu tư xây dựng. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về bất động sản. Tập trung đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại quy mô nhỏ và vừa.
Về nguyên nhân chậm phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng cũng cho biết, do nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân nhiều địa phương chưa quan tâm hỗ trợ đến quy hoạch quỹ đất cho nhà ở xã hội. Ngoài ra, do thiếu nguồn vốn hỗ trợ lãi suất để cho vay phục vụ nhà ở xã hội...
“Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tham mưu Chính phủ để giải quyết căn bản về nhà ở xã hội. Cùng với đó, nghiên cứu, bổ sung các giải pháp, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây nhà ở xã hội”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng trả lời chất vấn 3 nội dung
Từ 14.25’, chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời chất vấn trước Quốc hội các vấn đề: Quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel); về công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô các thành phố lớn.
Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về các vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch UBND thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Bốn Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Theo Chinhphu.vn.