Quốc hội cần ban hành luật ngân sách thường niên

Các đại biểu Quốc Hội cho rằng ban hành luật ngân sách thường niên sẽ nâng cao tính pháp lý và tăng cường kỷ luật tài chính.

 “Thiếu minh bạch, thiếu kỷ cương, “mềm” đến mức độ tùy tiện”, đại biểu Trần Du Lịch chỉ ra các bất cập của luật ngân sách hiện hành tại phiên thảo luận về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), chiều 25/11.

Quốc hội cần ban hành luật ngân sách thường niên - Ảnh 1
Đại biểu Trần Du Lịch thêm một lần thể hiện quan điểm cần thông qua ngân sách theo hai bước.

Và cũng như nhiều vị khác, đại biểu Lịch kỳ vọng những bất cập nói trên sẽ được khắc phục căn bản khi Luật Ngân sách Nhà nước được sửa đổi. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ, chưa minh bạch, ông Lịch nhận xét.

Đại biểu Trần Du Lịch cũng thêm một lần thể hiện quan điểm cần thông qua ngân sách theo hai bước.

Bước một, vào kỳ họp giữa năm Quốc hội thảo luận xem phân bổ ngân sách năm tới thì cần hỗ trợ địa phương, ngành nào, xem xét đến nơi đến chốn và minh bạch hết trước Quốc hội.

Sau đó, Chính phủ chủ động phân bổ đúng khuôn mẫu đã được Quốc hội bàn, để đến kỳ họp cuối năm Quốc hội nhìn thấy đúng khuôn mẫu thì thông qua.

Trước đại biểu Lịch, có hai vị đại biểu đề nghị Quốc hội ban hành luật ngân sách thường niên.

Đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng ban hành luật ngân sách thường niên sẽ nâng cao tính pháp lý và tăng cường kỷ luật tài chính.

Để đảm bảo thực quyền, ông Thụ đề nghị Quốc hội cần quyết định ngân sách theo hai giai đoạn. Giai đoạn một tại kỳ họp giữa năm quyết định khung tổng thu chi, cơ cấu thu chi và định hướng ưu tiên. Còn tại kỳ họp cuối năm Chính phủ báo cáo phương án phân bổ cụ thể để Quốc hội xem xét quyết định.

Cũng đề nghị ban hành luật ngân sách hằng năm thay cho nghị quyết như hiện nay, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng ban hành luật sẽ tăng cường trách nhiệm, kỷ luật và tăng tính minh bạch.

Đoàn thư ký kỳ họp cho biết, qua thảo luận tại tổ một số ý kiến đề nghị ban hành luật ngân sách thường niên theo quy trình hai bước. Kỳ họp giữa năm bàn về chủ trương, quan điểm, định hướng cho vấn đề hỗ trợ từng địa phương, bộ, ngành. Đến kỳ họp cuối năm, Quốc hội xem xét dự kiến phân bổ của Chính phủ.

Bên cạnh quy trình, một số vị đại biểu cũng nhấn mạnh sự công khai, minh bạch khi sửa luật.

Bởi công khai để mọi công dân được biết tiền thuế do dân đóng góp được sử dụng thế nào với các nước là rất bình thường. Còn ở Việt Nam thì ngay cả đại biểu Quốc hội muốn biết số tiền đi vay về đang được sử dụng ra sao cũng là việc khó.

Cần công khai dự toán và quyết toán trên website của cơ quan dự toán và không đóng dấu mật khi trình cơ quan dân cử, trừ lĩnh vực an ninh quốc phòng, đại biểu Lê Văn Tân đề nghị.

Bổ sung quyền của người dân được biết về ngân sách nhà nước cũng là đề nghị được thể hiện tại báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ về dự thảo luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm, như “không một khoản chi nào được chi ra khỏi kho bạc nhà nước nếu không có dự toán của các cấp có thẩm quyền”, đoàn thư ký kỳ họp cho biết.

Bản tập hợp ý kiến thảo luận tổ cũng phản ánh nhận xét của một số vị đại biểu, rằng dự thảo luật không đưa ra các quy định về chống lãng phí thất thoát trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, không quy định được trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan khi để thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm việc tính không đúng bội chi trong thời gian qua, báo cáo nêu rõ.

Theo VnEconomy

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục