Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện dày đặc hình ảnh, video quảng cáo viên sủi Xtraman với những phát ngôn đầy tính khẳng định từ nhiều nghệ sĩ. Những câu nói như “khỏe như thanh niên 30” hay “một viên sủi bằng 10 cân hàu” đã góp phần thổi phồng Xtraman như “thần dược” hỗ trợ điều trị yếu sinh lý.
Đáng chú ý, không chỉ Duy Mạnh, Trọng Trinh mà cả Cát Tường cũng tham gia quảng bá Xtraman, tiếp tục dùng những lời “có cánh” dễ khiến công chúng hiểu nhầm như là "thần dược" thay vì chỉ là thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khỏe.
Hai nghệ sĩ Chí Trung và Trọng Trinh còn cùng xuất hiện trong clip dài hơn 29 phút để “song tấu” quảng bá Xtraman. Ảnh: Chụp màn hình
Trong bài viết trước, VietNamFinance đã phản ánh thực trạng quảng cáo phóng đại công dụng, đồng thời đặt ra nghi vấn về chất lượng sản phẩm cũng như trách nhiệm phát ngôn của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, đằng sau những lời mời chào bắt tai ấy còn là các hệ lụy pháp lý: Liệu việc quảng cáo Xtraman có vi phạm Luật Quảng cáo và Luật An toàn thực phẩm? Doanh nghiệp, nghệ sĩ hay đơn vị phát hành nội dung sẽ phải chịu trách nhiệm chính? Và quan trọng nhất: Người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi trước những quảng cáo thổi phồng quá mức?
Để làm rõ những vấn đề này, VietNamFinance đã trao đổi với các luật sư chuyên về quảng cáo, an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng, nhằm bóc tách câu chuyện từ góc nhìn pháp lý cụ thể.
Pháp luật đã quy định, trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi với VietNamFinance, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật, cho biết: Theo Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 (sửa đổi, bổ sung 2018), các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo gồm: hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; thuốc lá; rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo; thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn nhưng cần có sự giám sát của thầy thuốc; các sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
Luật sư Diệp Năng Bình
Như vậy, thực phẩm chức năng như Xtraman không thuộc danh mục cấm quảng cáo. Tuy nhiên, việc quảng cáo bắt buộc phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật. Theo khoản 23 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010: “Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học.”
Trong khi đó, Khoản 2 Điều 2 Luật Dược 2016 quy định: “Thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán, chữa bệnh, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người.” Điều này khẳng định rõ, thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh, không thay thế thuốc chữa bệnh mà chỉ hỗ trợ tăng cường sức khỏe, cải thiện các chức năng của cơ thể.
Với trường hợp Xtraman, luật sư Bình nhấn mạnh, nếu phát ngôn của người nổi tiếng làm người tiêu dùng hiểu lầm rằng sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh thì rõ ràng đã vi phạm pháp luật. Khoản 11 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010 và khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 đều quy định cấm quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn về công dụng.
Mức phạt cũng đã rất rõ. Theo khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt từ 60 triệu đến 80 triệu đồng. Khoản 15 Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP cũng quy định phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng nếu quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có hoặc ghi không đúng, không rõ ràng khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Nếu quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh, mức phạt có thể tăng từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Trường hợp nghiêm trọng, hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) về tội lừa dối khách hàng với mức phạt tiền từ 10 triệu đến 500 triệu đồng, phạt tù từ 1 đến 5 năm, hoặc cấm hành nghề từ 1 đến 5 năm.
Điểm đáng chú ý là trách nhiệm không chỉ thuộc về doanh nghiệp, bên sở hữu sản phẩm và phát hành nội dung quảng cáo, mà cá nhân (người nổi tiếng, KOL) cũng có thể bị xử phạt hành chính và bị cấm tham gia quảng cáo trong một thời gian nhất định, nếu trực tiếp phát ngôn sai lệch hoặc tự ý bổ sung thông tin không được duyệt.
Luật sư Phạm Thị Quỳnh Trang, Công ty Luật TNHH Việt Anh 24h cũng đồng quan điểm khi cho rằng doanh nghiệp và KOL đều phải chịu trách nhiệm. Nếu doanh nghiệp cung cấp nội dung quảng cáo sai sự thật, chưa được cấp phép hoặc vượt quá công dụng cho phép của sản phẩm thì có thể bị phạt hành chính đến 160 triệu đồng, buộc gỡ bỏ nội dung, bồi thường thiệt hại dân sự nếu người tiêu dùng chứng minh thiệt hại và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có yếu tố gian dối.
Đối với KOL, nếu biết nội dung sai sự thật mà vẫn đăng tải, tự ý bổ sung hoặc không công khai nội dung là quảng cáo trả phí mà cố tình ngụy trang dưới dạng “trải nghiệm cá nhân” thì mức xử phạt có thể từ 10 triệu đến 80 triệu đồng, buộc gỡ bỏ nội dung vi phạm, bồi thường thiệt hại dân sự nếu có thiệt hại xảy ra. Trường hợp nghiêm trọng, hành vi đủ yếu tố có thể cấu thành tội lừa dối khách hàng.
Một minh chứng là vụ “kẹo rau củ Kera” (2024), nhiều KOL như Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs, Thùy Tiên đã bị xử phạt từ 25 đến 70 triệu đồng vì quảng cáo sai công dụng, một số bị khởi tố hình sự theo Điều 198 Bộ luật Hình sự.
Kẽ hở giám sát và bài học cho doanh nghiệp, KOL
Cả hai luật sư đều chỉ ra rằng, việc giám sát quảng cáo sai sự thật hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Luật sư Diệp Năng Bình cho biết cơ quan quản lý như Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), Công an… đang triển khai hệ thống kỹ thuật, kết hợp các công cụ rà quét nội dung quảng cáo sai, tiếp nhận phản ánh từ người tiêu dùng qua đường dây nóng, website, ứng dụng tố cáo. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của công nghệ số, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, các hình thức quảng cáo livestream, video ngắn, quảng cáo trá hình dưới dạng “trải nghiệm cá nhân” khiến việc chứng minh hành vi vi phạm trở nên khó khăn hơn, nhất là khi chứng cứ dễ bị xóa hoặc chỉnh sửa.
Luật sư Trang bổ sung thêm, khó khăn còn nằm ở việc thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên ngành như Y tế, Công Thương, Thông tin Truyền thông, từ đó tạo ra “kẽ hở” cho hành vi lách luật.
Do đó, theo các luật sư, để tránh “vạ miệng” và những rắc rối pháp lý không đáng có, doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ quy định, công bố sản phẩm đúng bản chất là thực phẩm chức năng, không quảng bá như thuốc, xin xác nhận nội dung quảng cáo với cơ quan quản lý, ký hợp đồng chặt chẽ với KOL, ràng buộc trách nhiệm, hậu kiểm và lưu trữ hồ sơ đầy đủ. Về phía KOL, cần tìm hiểu kỹ thông tin, yêu cầu nhãn hàng cung cấp giấy công bố, xác nhận nội dung hợp pháp, kiểm duyệt kỹ trước khi phát hành, không tự ý phát ngôn ngoài kịch bản đã duyệt, ký hợp đồng minh bạch, ghi rõ quyền và nghĩa vụ, để tránh biến mình thành “nạn nhân” pháp lý.
Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cần chủ động bảo vệ mình: nên kiểm tra giấy công bố sản phẩm, chỉ tin các thông tin quảng cáo đã được xác thực bởi cơ quan có thẩm quyền, cẩn trọng với những nội dung lan truyền một chiều trên mạng xã hội, và sẵn sàng sử dụng quyền khiếu nại, tố cáo khi phát hiện hành vi gian dối.
Từ câu chuyện Xtraman, có thể thấy: pháp luật đã đủ ràng buộc, nhưng trách nhiệm cuối cùng vẫn nằm ở sự tuân thủ của doanh nghiệp, ý thức nghề nghiệp của người nổi tiếng và sự tỉnh táo của người tiêu dùng trước những lời quảng cáo “có cánh”.
Vietnamfinance
In bài viết