Quản lý rủi ro hiểu đơn giản đó là một quy trình được thiết lập trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển DN nhằm xác định những sự vụ có khả năng xảy ra ảnh hưởng tiêu cực đến DN để đưa ra các giải pháp hữu hiệu lường trước và ứng phó với ccs tác động không mong muốn cả từ bên ngoài cũng như bên trong DN.
Sai một ly, đi một dặm
Nhân công của không ít nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài ở phía Nam trong một vài năm lại đây liên tiếp đình công làm ngưng trệ sản xuất. Các DN xuất khẩu giầy da, thủy sản... ở nước ta cũng đã từng bất ngờ phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá dẫn tới thua thiệt lớn, mất đơn đặt hàng từ nhà nhập khẩu, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của hàng triệu người lao động trong nước đến nay vẫn "nóng". Một số thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như Cà phê Trung Nguyên, Petrolimex... đã từng bị đối tác xấu "đánh cắp" rồi đăng ký bảo hộ bản quyền ở thị trường nước ngoài phải tốn kém không ít tiền của, công sức theo đuổi kiện cáo thậm chí chưa thể lấy lại được "tên" cho mình.
Những hậu quả không mong muốn đó xảy ra đối với các DN được nhìn nhận là do thiếu, hoặc chưa chú trọng xây dựng hệ thống quản lý rủi ro nên không thể lường trước và đối phó được một cách nhanh chóng, hiệu quả với sự vụ xảy ra. Theo đánh giá của các chuyên gia Dự án "Hỗ trợ DN sau cổ phần hóa" thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số DN Việt Nam đến nay có hệ thống quản lý rủi ro là rất ít, phần lớn các DN chưa quan tâm, chú trọng đến quản lý rủi ro.
Chưa chú trọng vào công tác quản lý rủi ro
Báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, bản cáo bạch… của các doanh nghiệp đều có phần đánh giá các nhân tố rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro. Đọc những báo cáo này dễ có cảm giác công tác quản trị rủi ro của các doanh nghiệp được tiến hành một cách khá bài bản. Vậy nhưng, thực tế là những phần này thường do các đơn vị tư vấn như công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, thay vì chính doanh nghiệp thực hiện.
Kết quả khảo sát của Ernst & Young (EY) về tình hình quản trị rủi ro ở các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam năm 2013 công bố gần đây cho thấy, công tác quản trị rủi ro của các doanh nghiệp đã có một số tiến bộ nhất định, nhưng mới chỉ dừng ở mức độ nhận thức về vai trò của quản trị rủi ro hoặc “có định hướng sẽ hoàn thiện hế thống chính sách về quản trị rủi ro”.
Tuy nhiên, công tác đầu tư vào các chức năng quản trị rủi ro, thể hiện qua ngân sách hoạt động hàng năm cho các bộ phận này vẫn còn khá khiêm tốn. Theo kết quả khảo sát, phần lớn doanh nghiệp mới dành ngân sách cho các bộ phận chức năng quản trị rủi ro chưa đến 1% tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, trong đó, thậm chí đến 25% doanh nghiệp phản hồi rằng họ không có ngân sách hoạt động cho các chức năng quản trị rủi ro.
Có đến 66% các doanh nghiệp được khảo sát cho biết, HĐQT chỉ tham gia một cách tương đối hoặc không đáng kể vào công tác quản trị rủi ro trong tổ chức của họ. Tỷ lệ này thậm chí cao hơn số liệu khảo sát của EY năm 2012, với lý do chủ yếu là “doanh nghiệp đang tập trung mối quan tâm chính vào việc phục hồi hoạt động kinh doanh”.
Rủi ro trong quá trình phát triển không thể tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh hội nhập, nó có thể khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí phá sản. Nếu các DN xây dựng được cho mình một hệ thống quản lý rủi ro, những hậy quả có thể gặp phải sẽ được hạn chế một cách tối đa.
Nhiều ý kiến cho rằng, HĐQT chỉ cần định hướng về mặt chiến lược, không cần quan tâm sâu vào công tác quản trị rủi ro vì đó là công việc của các cấp điều hành. Điều này cũng thể hiện qua tỷ lệ đào tạo về quản trị rủi ro định kỳ của cấp HĐQT sụt giảm từ 16% của năm 2012 xuống 11% trong năm 2013.
Hành động trước khi quá muộn
Theo EY, các doanh nghiệp chưa đầu tư đúng mức cho công tác quản trị rủi ro là do chưa nhìn nhận được lợi ích của quản trị rủi ro trong việc giảm thiểu chi phí, tăng hiệu suất quy trình và bảo vệ giá trị của doanh nghiệp.
EY nhận xét: “Nhìn chung, các doanh nghiệp đang đi đúng hướng trên con đường hoàn thiện và phát triển cơ cấu quản trị rủi ro. Với việc bắt đầu từ định hướng chiến lược về quản trị doanh nghiệp, rủi ro và tuân thủ, tiếp đến là hình thành nhận thức về rủi ro và văn hóa về quản trị rủi ro thống nhất cho toàn bộ tổ chức, doanh nghiệp đang hình thành một nền tảng vững chắc cho các hoạt động quản trị rủi ro trong tương lai”.
Các bước tiếp theo là doanh nghiệp cần kiện toàn các chức năng quản trị rủi ro, tăng cường năng lực chuyên môn của đội ngũ quản trị rủi ro và bổ sung công cụ hỗ trợ cho công tác quản trị rủi ro như quy trình, biểu mẫu, hệ thống…
“Nói cách khác, HĐQT chính là nền tảng của cơ cấu quản trị rủi ro doanh nghiệp, với nhiệm vụ thiết lập một cơ cấu kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả, giúp đánh giá và quản lý rủi ro. HĐQT cần tăng cường thời gian và chủ động tham gia vào các hoạt động đào tạo cũng như định hướng về quản trị rủi ro trong doanh nghiệp”, EY cho biết.
Thế Anh (Tổng hợp)