Ngày 4/10, Reuters đưa tin Mỹ quyết định trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba nhằm phản đối việc Havana không bảo vệ được nhân viên Đại sứ quán Mỹ trước vụ “tấn công” bí ẩn bằng âm thanh. Các nhà ngoại giao Cuba sẽ có 7 ngày để rời khỏi Mỹ.
Đại sứ quán Cuba tại Mỹ. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết việc trục xuất nhân viên Đại sứ quán Cuba ở Washington cũng nhằm đảm bảo cân bằng về số nhân sự, sau khi Mỹ triệu hồi hơn phân nửa nhân viên ngoại giao ở Havana hồi tuần trước.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ít nhất 21 nhân viên sứ quán Mỹ bị chấn thương và thể hiện các triệu chứng như mất thính giác, chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, bị một số vấn đề về nhận thức và khó ngủ.
Ông Tillerson nói nước này đang duy trì quan hệ ngoại giao với Cuba và sẽ hợp tác khi cuộc điều tra về "các vụ tấn công nhằm vào sức khoẻ" chưa được lý giải đang diễn ra.
“Cho đến khi chính phủ Cuba có thể đảm bảo an toàn cho các nhân viên ngoại giao của chúng tôi ở Cuba, sứ quán sẽ giảm số nhân viên ngoại giao để giảm nguy cơ bị ảnh hưởng”, ông Tillerson cho biết.
Phản ứng trước động thái mới từ Washington, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez lên án đây là quyết định “bất công” và cáo buộc Mỹ không hợp tác đầy đủ để điều tra sự cố, đồng thời yêu cầu Washington thôi chính trị hóa vấn đề.
Bộ Ngoại giao Cuba cho biết, nước này không có bất kỳ trách nhiệm nào đối với những cáo buộc liên quan tới sự cố y tế của các nhân viên ngoại giao Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Cuba sẵn sàng tiếp tục hợp tác tích cực giữa các cơ quan chức năng của hai nước để làm sáng tỏ sự việc.
Các bước đi của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh dấu đòn giáng tiếp theo đối với chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama, về việc nối lại tình hữu nghị giữa Washington và Havana, hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh.
Phương Anh