PVTrans dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 giảm 41%

Năm 2023, ban lãnh đạo PVTrans đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 680 tỷ, giảm 41% so với kết quả thực hiện lợi nhuận năm ngoái.

Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 dự kiến tổ chức ngày 11/4 tới tại TP HCM.

Năm 2023, PVTrans đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 6.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 680 tỷ, giảm lần lượt 29% và 41% so với kết quả năm ngoái.

Một số nhà đầu tư nhận định, với việc giảm mục tiêu lợi nhuận sau thuế, ban lãnh đạo PVTrans tỏ ra thận trọng về triển vọng kinh doanh năm 2023.

Năm 2022, PVTrans đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 480 tỷ đồng.

Năm nay, PVTrans dự kiến chi 4.114 tỷ đồng để đầu tư, trong đó 3.854 tỷ đồng để đầu tư tàu, còn lại để góp vốn hoặc mua thêm cổ phần các đơn vị thành viên khác gồm CTCP Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt, CTCP Hàng hải Thăng Long, CTCP Vận tải dầu khí Đông Dương và CTCP Vận tải Dầu khí Đông Dương. Khoản 65% tổng vốn đầu tư sẽ từ nguồn vốn vay và khác.

Theo báo cáo của ban giám đốc, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tích cực hơn, nhưng vẫn nhiều thách thức như lạm phát, cuộc chiến Nga - Ukraine, nợ công.

PVTrans dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 giảm 41% - Ảnh 1

Về thị trường dầu mỏ quốc tế, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt 101,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 2 triệu thùng/ngày so với năm trước, mức cao nhất trong vòng 3 năm qua.

Riêng Trung Quốc, nhu cầu dự kiến tăng 900.000 thùng/ngày, chiếm gần một nửa mức tăng dự báo của toàn thế giới khi nhu cầu xăng dầu, nhiên liệu cho sản xuất và đi lại tăng mạnh. Trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt do Nga sẽ cắt giảm mạnh sản lượng xuất khẩu dầu, dự báo giá dầu tăng mạnh từ giữa năm 2023.

Về thị trường vận tải biển quốc tế, triển vọng thị trường vận tải hàng lỏng gồm dầu thô, dầu sản phẩm nhìn chung vẫn tích cực nhờ nhu cầu vận chuyển tấn hải lý (tonne - mile demand) tăng trong bối cảnh nguồn cung tàu giới hạn.

Tuy nhiên triển vọng tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng do các rủi ro liên quan đến sự tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo và việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+. Giá cước năm 2023 dự kiến sẽ hạ nhiệt sau khi tăng cục bộ trong năm ngoái.

Thị trường vận tải hóa chất và LPG dự báo duy trì ổn định, thị trường vận tải hàng rời cũng tích cực hơn do Trung Quốc mở cửa lại và sự hạ nhiệt dần của các bất ổn vĩ mô.

Về tiêu thụ xăng dầu nội địa, công suất hoạt động của các nhà máy dự kiến sẽ suy giảm khi cả hai nhà máy lọc dầu đều đến kỳ bảo dưỡng trong năm 2023. Trong đó, nhà máy lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng 50 - 55 ngày, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn bảo dưỡng trong 45 - 50 ngày.

Theo ban lãnh đạo, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong nước có thể bị tác động tiêu cực bởi do suy giảm đà hồi phục nền kinh tế và lạm phát còn ở mức cao. Do đó sản lượng vận chuyển dầu thô, xăng dầu và khí LPG nội địa dự kiến sẽ thấp hơn năm ngoái.

Tùng Lâm

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục