PVcomBank đang ở đâu trong thị trường ngân hàng

(Kinhdoanhnet) – Đã gần 3 năm trôi qua kể từ thời điểm hợp nhất PVFC và WesternBank diễn ra hình thành cái tên PVcomBank. Từ khi ra đời PVcomBank mang theo nhiều kỳ vọng từ cả phía PVFC và WesternBank thế nhưng cho đến nay, vẫn còn nhiều hoài nghi về vị trí của PVcomBank trong thị trường ngân hàng.

PVcomBank đang ở đâu trong thị trường ngân hàng - Ảnh 1

Sự xuất hiện của cái tên PVcomBank

Năm 2007, cái tên Ngân hàng TMCP Phương Tây – WesterBank chính thức xuất hiện trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, tiền thân của WesterBank là Ngân hàng Nông thôn Cờ Đỏ. WesterBank ra đời với thế mạnh là phục vụ khách hàng cá nhân với các dịch vụ ngân hàng cơ bản có độ linh hoạt cao. Hoạt động là một Ngân hàng Nông thôn trên 19 năm, thế nhưng chỉ vừa chuyển đổi sang ngân hàng TMCP đô thị chưa đầy 4 năm, WesternBank đã gặp rất nhiều khó khăn, đỉnh điểm là bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá vào diện ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu trong năm 2011.

Ngày 1/10/2013, trên cơ sở hợp nhất giữ Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesterBank) cái tên PVcomBank chính thức ra mắt. Thời điểm xuất hiện, có nhiều chuyên gia cho rằng PVcomBank sẽ gặp không ít khó khăn bởi ngân hàng chưa có định hướng chiến lược lâu dài, cùng với những khó khăn từ phía WesternBank chuyển giao lại hậu sáp nhập, hệ thống công nghệ thông tin lỗi thời, đặc biệt là việc một công ty tài chính – PVFC đi hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng chứ không phải công ty tài chính như trước đó.

Trước khi hợp nhất với PVFC, tổng tài sản của WesternBank tính cho tới cuối năm 2012, chỉ ghi nhận là 15.123 tỷ đồng, cùng với lượng tiền gửi khách hàng là 10.930 tỷ, trong khi cho vay khách hàng cũng chỉ là con số 5.148 tỷ đồng. Trong năm 2012, lãi ròng của ngân hàng chỉ đạt 36,6 tỷ đồng, giảm hơn 3 lần so với năm trước đó.

Thế nhưng ngay sau khi sáp nhập vào PVFC vào tháng 10/2013, và đổi tên thành PVcomBank tổng tài sản ngân hàng đã tăng lên con số101.785 tỷ đồng, có thể thấy khối lượng tiền mà phía PVFC đóng góp vào sự hình thành của PVcomBank là lớn như thế nào. Cùng với đó hai khoản cho vay khách hàng và tiền gửi của khách hàng cũng tăng lên lần lượt là 42.531 tỷ và 45.446 tỷ đồng. Có thể thấy rõ ngay từ cái tên PVcomBank cũng ảnh hưởng rất nhiều từ PVFC.

PVcombank đang ở đâu trên thị trường tài chính?

Trong báo cáo tài chính năm 2014, đã cho thấy PVcomBank đang trở lại với những kết quả vô cùng khả quan. Tổng tài sản ngân hàng tính tới hết ngày 31/12/2014 đạt 108.298 tỷ đồng, tổng doanh thu tăng hơn 4 lần từ 1.636 ở năm 2013 lên thành 6.905 năm 2014, lãi ròng sau thuế PvcomBank đạt 166,8 tỷ đồng, gấp tới gần 8 lần so với năm 2013.

Thời điểm đó có nhiều ý kiến cho cho rằng với những con số ấn tượng chỉ sau 1 năm hậu sáp nhập, PVcomBank đã tìm được chỗ đứng của mình trong hệ thống ngân hàng. Chính PVcombank cũng rất tự tin vào điều đó khi đặt chỉ tiêu tương đối cao trong năm 2015, đó là doanh thu ngân hàng đạt 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 140 tỷ đồng. Và PVcombank cũng đã làm rất tốt kế hoạch đã đặt ra, khi mà theo Báo cáo số 5591/BC-DDHDDCDD2016 ngày 6/6/2016 ghi nhận doanh thu ngân hàng trong năm 2015 đạt tới 6.094 tỷ đồng, vượt kế hoạch đã đề ra, thế nhưng lợi nhuận trước thuế lại chỉ đạt 50,5 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch và giảm tới 221% so với năm 2014.

Câu hỏi đặt ra là tại sao doanh thu ngân hàng vẫn đạt trên 6.000 tỷ đồng, tổng chi phí cũng giảm so với năm trước, cùng với đó chi phí dự phòng rủi ro tài chính cũng rất thấp chỉ gần 4,5 tỷ đồng mà lợi nhuận ròng của ngân hàng lại tụt giảm nhiều tới như vậy. Câu trả lời chính là hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán. Trong năm 2014, hai hoạt động này mang về cho PVcombank tổng cộng hơn 88 tỷ đồng, thế nhưng sang năm 2015, cũng chính hai hoạt động này đã khiến PVcombank lỗ tới 147 tỷ đồng, cụ thể lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối là 37,7 tỷ đồng, lỗ từ hoạt động mua bán chứng khoán là 109,3 tỷ đồng. Điều này đã khiến lãi ròng ngân hàng bị trừ đi rất nhiều dẫn tới thấp hơn kế hoạch đề ra.

Thậm trí trong năm 2015, các chỉ số cơ bản của PVcombank cũng giảm so với năm 2014 trước đó, cụ thể tổng tài sản ngân hàng tính tới ngày 31/12/2015, chỉ còn hơn 98.605 tỷ đồng, giảm gần 9% so với năm 2014; huy động vốn cũng giảm xuống còn 64.720 tỷ đồng, cũng giảm gần 9%; cho vay khách hàng giảm gần 5% xuống còn 39.582 tỷ đồng.

Có lẽ PVcombank cũng đã nhận ra được những khó khăn mình gặp phải trong năm 2015, vì vậy chỉ tiêu trong năm 2016 của PVcombank có phần khiêm tốn hơn rất nhiều khi mà kế hoạch doanh thu ngân hàng trong năm 2016 là 5.500 tỷ đồng giảm gần 10% so với kế hoạch năm 2015, lợi nhuận trước thuế ngân hàng chỉ là 65 tỷ đồng. Có vẻ như PVcombank đã nhận thấy vị trí của mình ở đâu trong thị trường tài chính và không đặt ra chỉ tiêu quá cao trong tương lai gần. Hiện tại Pvcombank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 1 và quý 2 năm 2016.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục