Vừa qua, Báo Kinh doanh và Pháp luật nhận được phản ánh của nhiều người dân sinh sống tại phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) về việc trên địa bàn xuất hiện công trình vi phạm trật tự xây dựng nhưng không bị xử lý.
Cụ thể, theo nội dung phản ánh công trình xây dựng số 16-18, ngách 86, ngõ 119 đường Cổ Nhuế trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã xây dựng sai với giấy phép được cấp. Không những thế, chủ đầu tư còn thi công lấn ra phần đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nội dung phản ánh cũng cho biết công trình này đã nhiều lần bị lập biên bản và ra quyết định hành chính và đình chỉ thi công vì xây dựng không phép nhưng không hiểu lý do gì chủ đầu tư vẫn ngang nhiên thi công hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Công trình xây dựng số 16-18, ngách 86, ngõ 119 đường Cổ Nhuế bị đình chỉ nhiều lần vẫn ngang nhiên hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Có mặt tại địa điểm công trình được phản ánh, PV Báo Kinh doanh và Pháp luật ghi nhận một công trình xây dựng "khủng" với quy mô 5 tầng rộng hàng trăm m2 được thiết kế như một lâu đài thu nhỏ. Bao quanh công trình là hệ thống tường bao và cổng cao lúc nào cũng đóng kín không cho người lạ ra vào.
"Chúng tôi chỉ sửa chữa nhỏ cũng phải xin phép rất vất vả. Nhưng không hiểu vì sao công trình lớn như này lại có thể tồn tại và đưa vào sử dụng đã một thời gian. Anh xem, quanh khu vực này làm gì có nhà nào được xây to như thế? Thiết nghĩ liệu có ai đứng sau thì công trình vi phạm này mới có thể tồn tại được" - Một người dân thắc mắc về sự tồn tại của công trình trên.
Trao đổi qua điện thoại với PV Báo Kinh doanh và Pháp luật về thông tin trên, ông Hoàng Đăng Thủy - PCT phường Cổ Nhuế 2 xác nhận có việc sai phạm tại công trình xây dựng số 16-18. Bên cạnh đó ông Thủy cũng cho biết hiện tại phía UBND phường Cổ Nhuế 2 đã báo cáo lên quận.
Tuy nhiên khi PV hẹn lịch làm việc trực tiếp để thông tin được khách quan và chính xác, ông Thủy cho biết sẽ xem lại lịch công tác và thông tin lại cho PV sau.
Như vậy, theo như xác nhận của PCT phường Cổ Nhuế 2 thì những phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Vậy lý do gì một công trình "khủng" tồn tại những sai phạm như thế lại có thể ngang nhiên tồn tại như thách thức pháp luật? Liệu cơ quan chức năng nơi đây có đang làm ngơ cho sai phạm khi để công trình trên ngang nhiên hoàn thiện và đưa vào sử dụng mặc dù đã nhiều lần bị đình chỉ? Trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Trước tình trạng trên, kính đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm vào cuộc xử lý triệt để trai phạm tránh tạo tiền lệ xấu và làm rõ trách nhiệm của những cá nhân tập thể liên quan thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Báo Kinh doanh và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!
Thành Lâm