Sáng 2-12, ngày thứ 3 phiên xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là Bầu Kiên, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) và đồng phạm, hội đồng xét xử tiếp tục cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên được trình bày phần nội dung kháng án.
Bầu Kiên tỏ ra mệt mỏi, phải ngồi để trình bày và có lúc phải dừng nửa chừng để uống thuốc.
Liên quan hành vi kinh doanh trái phép mà Bầu Kiên đã bị cấp sơ thẩm buộc tội, tòa hỏi: “Để 5 công ty này xảy ra một loạt hành vi bị quy kết ở bản án sơ thẩm, bị cáo có thấy trách nhiệm của mình không?”
Bị cáo Kiên: “Nếu có tội, tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất ở các công ty. Nhưng cho tôi trình bày, các công ty của tôi phát hành trái phiếu đều theo quy định của pháp luật. Tôi là người đại diện của các công ty và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật", Bầu Kiên nói.
Nhiều doanh nghiệp sai, sao chỉ 5 công ty của tôi bị truy cứu?
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho Bầu Kiên) hỏi bị cáo Kiên nội dung đơn kiến nghị đã gửi VKS dài 26 trang? Tại tòa, Bầu Kiên xin đọc nội dung đơn kiến nghị này nhưng hội đồng xét xử nói : “Đây là phần xét hỏi, bị cáo có thể để đến phần tranh luận hãy trình bày”.
Bầu Kiên: “Tôi nằm trong trại giam 27 tháng, tôi đã suy nghĩ và đưa ra 3 cách tiếp cận về vụ án này. Việc trình bày nội dung kháng án là một trong 3 cách tiếp cận đó. Vậy xin tòa cho tôi được nói. Tôi xin hứa phần tranh luận tôi sẽ không nhắc lại những nội dung này”.
Yêu cầu của bị cáo Kiên được tòa chấp nhận.
Nguyễn Đức Kiên trình bày: “Tòa sơ thẩm sai sót, mô tả không đầy đủ, không xác định các công ty của tôi được thành lập đúng pháp luật. Nhiều công ty, doanh nghiệp khác cùng góp vốn, mua cổ phần nhưng không bị truy tố như 5 công ty của tôi.
Tôi làm doanh nghiệp 30 năm, trước khi làm doanh nghiệp, tôi đã học luật để tự bảo vệ mình và tôi sẽ trình bày tôi đã làm đúng luật. Tên các công ty đều là công ty đầu tư tài chính, thể hiện ý chí muốn đầu tư tài chính. Đây không phải công ty “ma”.
Công ty đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề nhưng lựa chọn kinh doanh ngành nghề nào cho phù hợp mỗi giai đoạn là quyết định của công ty.
Bản án sơ thẩm nhận định tôi không kinh doanh những điều đã đăng ký mà kinh doanh cái khác là sai. Tôi đã vẽ sơ đồ cho các công ty mẹ đầu tư vào các công ty con. Chúng tôi thực hiện đúng điều 18, điều 19 Luật doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh.”
Tòa ngắt lời: “Đây là phần xét hỏi, bị cáo đã vào phần tự bào chữa cho mình. Việc bào chữa này sẽ tiến hành ở phần sau. Nếu bị cáo cứ tiếp tục tòa sẽ ngắt lời.”
Bị cáo Kiên vẫn nói tiếp: Bản án sơ thẩm sai ở hai yếu tố. Hội đồng quy kết tôi kinh doanh dịch vụ tài chính núp dưới đầu tư mua cổ phần cổ phiếu là sai. Việc đầu tư mua cổ phần cổ phiếu không phải là ngành nghề kinh doanh.
Việc góp vốn là dùng tài sản góp vào doanh nghiệp để trở thành chủ sở hữu một phần doanh nghiệp. Sinh lợi không trực tiếp, không có hàng, không có dịch vụ. Bộ Tài chính đã có quy định chi tiết về việc này.
"Tôi thấy có sự mâu thuẫn trong điều tra, truy tố. Cùng các doanh nghiệp như nhau nhưng tại sao chỉ 5 công ty bị quy kết vi phạm pháp luật? Việc này không hiểu nổi, đã tước bỏ đi quyền bình đẳng của các doanh nghiệp với nhau", Bầu Kiên nói.
Vàng cũng là hàng hóa nên kinh doanh vàng không vi phạm?
Về việc kinh doanh vàng của công ty Thiên Nam (giấy phép kinh doanh không có chức năng này), Bầu Kiên cho rằng trong giấy phép kinh doanh có ghi "mua bán hàng hóa". Mà vàng đương nhiên là hàng hóa theo quy định của Luật Thương mại và Nghị định 59 của Chính Phủ.
Bầu Kiên cũng cho rằng công ty Thiên Nam không ủy quyền cho Ngân hàng ACB mở bất cứ giao dịch nào thay Thiên Nam ở nước ngoài. Thiên Nam giao dịch trong nước, mở tài khoản tiền đồng VN tại ACB.
Đến ngày hôm nay, chưa có bất cứ hoạt động thanh toán này. Công ty Thiên Nam kinh doanh vàng đúng pháp luật, không cần thiết phải có chữ kinh doanh vàng trên giấy phép.
Phiên tòa đang tiếp tục phần xét hỏi.
Nhiều cơ quan vẫn chưa có câu trả lời cho tòa
Sáng 2-12, Tòa hỏi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và một số cơ quan hẹn hôm nay (2-12) sẽ có văn bản trả lời tòa về những vấn đề tòa đặt ra (việc phát hành trái phiếu, đăng ký mã ngành tại các công ty của Bầu Kiên) vào ngày 1-12, tuy nhiên đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đại diện một số cơ quan chưa có mặt tại tòa.
Đến 9g30, sau khi Bầu Kiên trình bày xong, tòa tiếp tục hỏi đại diện các cơ quan Nhà nước đã có mặt chưa nhưng các vị đại diện này vẫn chưa có mặt.
Bà Đặng Ngọc Lan (vợ Bầu Kiên) cũng được tòa thẩm vấn liên quan hành vi kinh doanh trái phép của Bầu Kiên tại phiên tòa sáng 2-12 - Ảnh: Tâm Lụa, chụp màn hình trực tiếp phiên xét xử
|
Theo Tuổi trẻ