Phú Thọ: Dân phản ánh hệ lụy của dự án Công viên Thiên Đức Vĩnh Hằng

Theo người dân phản ánh, chủ dự án công viên Thiên Đức Vĩnh Hằng đã tự ý đổ đất đồi san gạt khiến diện tích đất ruộng của nhiều người trong xóm bị vùi lấp.

Trước thông tin phản ánh của người dân khu 4, khu 5 thuộc xã Bảo Thanh bức xúc về việc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Đức và Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bách Việt, đồng chủ dự án Công viên Thiên Đức Vĩnh Hằng làm như trên, PV đã về tìm hiểu, xác minh và phản ánh sự việc đến bạn đọc.

Phú Thọ: Dân phản ánh hệ lụy của dự án Công viên Thiên Đức Vĩnh Hằng - Ảnh 1
Nhiều ha đất nông nghiệp của người dân xã Bảo Thanh trồng lúa nay bị san gạt để cho dự án Công viên Thiên Đức Vĩnh Hằng.

Theo phản ánh của người dân địa phương đến báo thì sự việc xảy ra khoảng cuối năm 2016. Công viên Vĩnh Hằng đã tự ý đổ đất đồi (loại đất đỏ) san gạt khiến diện tích tích đất ruộng trồng lúa 1 năm 2 vụ, mỗi vụ 2 tạ/sào của nhiều người trong xóm bị xô bồi, bị lấp hoàn toàn. Không chỉ có thế, những thửa nằm cách xa khu vực san gạt cũng không thể canh tác được vì mương dẫn nước từ đập về để phục vụ tưới tiêu cũng bị chặn đứng. Điều này khiến cuộc sống yên bình của người dân 3 xã Bảo Thanh, Trung Giáp, Phú Lộc bị xáo trộn.

“Ngày xưa có đập nước phục vụ tưới tiêu mỗi năm 1, 2 vụ lúa, nhưng giờ làm dự án Công viên nên họ chặn hết không có nguồn nước nào dẫn. Ruộng giờ bỏ hoang hết, nhiều lần chúng tôi phản ánh, kiến nghị, Công viên Vĩnh Hằng mới tiến hành đền bù diện tích đất bị ảnh hưởng 75kg thóc/sào/vụ, đất bị ảnh hưởng nặng là 180kg/sào/vụ. Điều đáng nói là trước khi đổ đất, san gạt, phía Công viên Vĩnh Hằng không thông báo cho người dân, chỉ khi có phản ứng, Công ty mới tiến hành thỏa thuận, nhưng rất muộn”.

Được biết, dự án Công viên nghĩa trang Thiên Đức Vĩnh Hằng (hay còn được gọi là Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên) được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vĩnh viễn với mục đích xây dựng một công viên nghĩa trang hiện đại thuộc địa phận 3 xã Bảo Thanh, Phú Lộc và Trung Giáp của huyện Phù Ninh. Giai đoạn 1, Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên được quy hoạch với diện tích 90 héc ta và hiện nay tiếp tục được đầu tư giai đoạn 2. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đã lộ rõ nhiều bất cập và gây nên bức xúc, lo lắng cho người dân sinh sống xung quanh dự án.

Để rộng đường dư luận, PV đã có buổi làm việc với ông Hoàng Văn Cương - Phụ trách thi công dự án Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên. Ông Cương cho biết: “Từ cuối năm 2018, khi nhận được phản ánh của người dân cũng như báo chí, UBND tỉnh Phú Thọ đã có buổi làm việc rất rõ ràng của tất cả các ban, ngành và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, kết luận như thế nào thì tôi không nắm bắt cụ thể, việc đó ở công ty mới có hồ sơ”.

Liên quan đến hoạt động của Công viên Vĩnh Hằng, nhiều người dân tại khu 4 xã Trung Giáp cho rằng, dự án chưa mang lại lợi ích nhiều như mong đợi, mà ngược lại, đang tạo ra phiền toái, hệ lụy đáng lo ngại.

Anh T. Đ. C. (khu 4, xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh) là đại diện 7 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của lò hỏa táng nhiều năm chia sẻ, nếu tính theo đường chim bay thì nhà anh chỉ cách lò hỏa táng của Công viên Vĩnh Hằng 100m, khoảng cách ngắn ngủi này đang khiến cuộc sống của gia đình anh chẳng khác nào bị “tra tấn” mỗi ngày.

Phú Thọ: Dân phản ánh hệ lụy của dự án Công viên Thiên Đức Vĩnh Hằng - Ảnh 2
Dự án Công viên Thiên Đức Vĩnh Hằng, trong đó khoanh màu đỏ là diện tích đất nông nghiệp bị xô bồi, khoanh màu vàng là nhiều nhà dân có nguy cơ bị vùi lấp.

“Khoảng tháng 3/2017, Công viên Vĩnh Hằng bắt đầu xây lò hỏa táng. Khi đốt tử thi, lò bốc cháy như cháy cây rơm, khói mùi khét, ngây, tanh hôi không thể nào chịu nổi. Một việc đáng lo ngại nữa đó là bãi chôn lấp thi thể (hình thức địa táng) lại ở trên mỏm đất cao, khi mưa nước ngấm từ ngôi mộ này chảy ra cánh đồng gây ô nhiễm nguồn nước ngầm”, anh C. bức xúc kể.

Ông Phan Tiến Cương - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giáp cho biết: “Đối với việc 7 hộ dân tại khu 4 có ý kiến đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của lò hỏa táng nhiều năm qua, UBND xã đã tiến hành các cuộc họp với cơ quan chức năng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ; UBND huyện. Về tiếng ồn, đặc biệt lúc chuẩn bị lên Đài hóa thân hỏa thiêu thì việc loa đài, tiếng khóc và hành lễ không phụ thuộc vào cung giờ nào cả. Tuy nhiên, trước đây cũng có nhiều tiếng ồn hơn và chúng tôi cũng tham gia góp ý đề nghị tỉnh và huyện cũng như góp ý trực tiếp với công ty nên cho tới thời điểm hiện tại cũng đỡ hơn. Song các hộ dân đang ở gần đó vẫn bị ảnh hưởng và có ý kiến”.

“Việc đổ đất san gạt tại khu 4 của Công viên Vĩnh Hằng không thông báo cho bà con… thì các cơ quan từ phía tỉnh Phú Thọ và huyện Phù Ninh đã giải quyết rất nhiều lần nhưng vẫn chưa được hết, việc phản ánh đó đã xảy ra suốt trong quá trình triển khai dự án nên việc san lấp xuống đồng ruộng là không tránh khỏi” - ông Cương phân trần với PV.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giáp: “Vấn đề về quan trắc phải từ cấp tỉnh trở lên mới đủ thẩm quyền, còn cấp xã, huyện không thể nào khẳng định nguồn nước đó có bị ô nhiễm hay không. Còn khí thải, tại các hội nghị phía tỉnh và công ty cũng khẳng định: Cứ 6 tháng là quan trắc 1 lần và đều có kết quả là không ảnh hưởng tới môi trường. Chúng tôi cũng đề nghị khi quan trắc xong, có kết quả bằng văn bản gửi cho xã để chúng tôi nắm bắt, tuy nhiên các cơ quan, đơn vị và công ty chưa một lần nào gửi về cho xã, nên chưa thực hiện được thông báo đến bà con nhân dân”.

Trước những thông tin phản ánh của bạn đọc, báo kính chuyển nội dung trên tới UBND tỉnh Phú Thọ, đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo cho các cơ quan liên quan vào cuộc thanh tra, kiểm tra dự án Công viên Thiên Đức Vĩnh Hằng và có những văn bản trả lời đến cơ quan báo được biết, để có những thông tin đến bạn đọc trong thời gian sớm nhất.

Đức Anh/KD&PL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục