Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết, chi phí đầu vào của hãng trong năm 2016 dự kiến bị đội lên hơn 200 tỷ đồng do ACV tăng giá và bắt đầu thu một số dịch vụ đang cung cấp cho các hãng tại sân bay, tổng cộng lên tới 10 dịch vụ.
Trong số đó, có 2 khoản thu mới gồm dịch vụ kiểm tra an ninh đối với xe suất ăn, xe chở xăng dầu và dịch vụ phân loại hành lý tự động. Phí 2 loại dịch vụ nói trên được thu tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh tổng cộng một năm là hơn 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, ACV cũng đề nghị các chuyến bay của VNA cập cầu ống lồng nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài phải sử dụng dịch vụ tra nạp nước sạch của ACV. Các hãng hàng không còn bị tăng chi phí đầu vào khi sân bay Vinh được điều chỉnh thành sân bay nhóm A từ ngày 1/1/2016…
Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) đề xuất tăng phí dịch vụ tại các sân bay nội địa
Trước đó, trong văn bản trình Bộ GTVT về kế hoạch đầu tư dự án giai đoạn 2016-2020 mới đây, ACV đề nghị Bộ chủ quản đồng ý về chủ trương tăng phí phục vụ hành khách đi các chuyến bay nội địa tại 7 sân bay quốc tế, gồm: Nội Bài, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc.
Tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng, từ năm 2010 - 2014, phí sân bay đã liên tục tăng, trong khi đó theo quy định của Bộ Tài chính, mức phí sân bay được ban hành theo khung từ thấp đến cao nhưng hầu hết sân bay đều thu mức cao nhất.
Nếu năm 2012 giá phục vụ hành khách đi chuyến quốc tế tại Nội Bài từ 14 USD đã lên tới 18 USD/khách với nhà ga cũ và 25 USD/khách với nhà ga T2. Sân bay Tân Sơn Nhất cũng tăng từ 18 USD/khách lên 20 USD/khách. Giá phục vụ hành khách trên chuyến nội địa cũng tăng kịch khung từ mức 40.000 đồng/khách với sân bay nhóm A lên hơn 60.000 đồng/khách.
Nếu đề xuất lần này của ACV được chấp thuận, trước mắt giá thu với khách nội địa tại các sân bay nội địa nhóm A sẽ phải tăng lên 50 - 100% so với hiện nay.
Đáng nói, tuy là các sân bay quốc tế thuộc nhóm A nhưng chất lượng hạ tầng chỉ xứng tầm quốc nội, tình trạng quá tải trầm trọng ở các sân bay lớn xảy ra, các dịch vụ thiết yếu tại sân bay như nước uống miễn phí, thiếu ghế ngồi, Wifi chập chờn, thiếu xe đẩy hành lý, thiếu khu vực vệ sinh… gây bức xúc cho hành khách. Đặc biệt, năm 2014 sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất còn “lọt” top các sân bay tệ nhất châu Á.
Các hãng hàng không đang lo ngại việc tăng chi phí phải trả ở các sân bay sẽ buộc các hãng phải đánh giá lại chi phí, giá thành và tính toán sao cho mỗi chuyến bay phải bảo đảm bù đắp được các loại chi phí bỏ ra cộng với lợi nhuận. Nếu chi phí tăng, hãng không thể tăng ngay giá vé. Giải pháp được tính đến là giảm bớt số lượng vé ở mức giá thấp, vé khuyến mãi và tăng số lượng vé ở mức giá cao. Ví dụ, thay vì mở bán vé 100.000 đồng thì hãng sẽ chỉ bán mức thấp nhất là 150.000 đồng và tăng số lượng vé ở mức giá cao.
Theo tính toán của Vietnam Airlines (VNA), năm 2016 hãng này sẽ bị đội thêm hàng trăm tỷ đồng vì sự điều chỉnh giá dịch vụ tại các sân bay, với những khoản chi phí phát sinh lớn như bắt đầu thu phí dịch vụ kiểm tra an ninh với xe suất ăn/xăng dầu trước khi vào khu vực hạn chế, việc nâng cấp thêm một số sân bay lên nhóm A... Đây là lý do VNA mới đây cũng kiến nghị lên Cục Hàng không đề nghị giảm giá, ổn định giá thuê mặt bằng, quầy, băng chuyền, sân đậu máy bay, cầu ống lồng; đặc biệt đề nghị không thu phí phát sinh thu mới kiểm tra an ninh xe suất ăn/xăng dầu...
Mai Anh (TH theo Người lao động, Dân Trí, Thanh niên)