Trong tham luận tại Diễn đàn Thanh toán điện tử 2016 (VEPF 2016), ông Vũ Quang Lâm, Thành viên HĐQT Tasco, kiêm Tổng giám đốc VETC cho biết, Việt Nam hiện có hơn 21.000 km đường quốc lộ, 730 km đường cao tốc và có khoảng hơn 100 trạm thu phí với lưu lượng xe khoảng 1,2 triệu lượt mỗi ngày đêm.
Phí đường bộ qua BOT đạt 1 tỷ USD năm 2016. Ảnh minh họa
Năm 2016, chỉ riêng phí đường bộ thu qua các trạm BOT dự kiến đạt khoảng 23.000 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD), phí bảo trì đường bộ khoảng 6.000 tỷ đồng, phí gửi xe tại các tòa nhà, bãi đỗ khoảng 15.000 tỷ đồng.
Những con số này thể hiện lượng giao dịch khổng lồ của các phương tiện giao thông trên đường quốc lộ/cao tốc, tại các trạm thu phí, trong nội đô hay các điểm đỗ/gửi xe... với sự tương tác rộng lớn tới toàn cộng đồng, từ chủ phương tiện, doanh nghiệp đến cơ quan quản lý Nhà nước.
Về thực tế triển khai thu phí tự động đường bộ hiện nay, ông Lâm cho hay từ tháng 7/2016, Bộ Giao thông Vận tải chính thức phê duyệt dự án Thu phí tự động đường bộ của VETC theo hình thức hợp đồng BOO đầu tiên trên cả nước. Theo đó, trong giai đoạn 1 có 28 trên hơn 100 trạm sẽ thực hiện thu phí tự động trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 – đoạn qua Tây Nguyên do VETC thực hiện.
Tính đến tháng 11/2016, đã có 7 trạm thu phí được vận hành thu phí tự động VETC, theo đó có khoảng 100.000 phương tiện được dán thẻ E-Tag (thẻ định danh phương tiện) và mở tài khoản giao thông VETC để sử dụng dịch vụ.
Theo lộ trình của Bộ GTVT, đến cuối năm 2017 các trạm thu phí trên toàn quốc phải có làn thu phí tự động và hết năm 2020 sẽ bỏ thanh chắn (barie) tại các trạm thu phí, đây chính là biện pháp đầu tiên cần được triển khai triệt để, dựa trên sự ủng hộ của các nhà đầu tư BOT.
Để thúc đẩy thanh toán điện tử trong thu phí tự động đường bộ, Chính phủ cũng đã ban hành các cơ chế, tạo hành lang pháp lý để vận hành hệ thống, như: cơ chế giám sát của cơ quan quản lý nhà nước; các quy định về sử dụng chứng từ, hóa đơn điện tử hay việc miễn giảm phí trong thời gian đầu sử dụng dịch vụ.
Mai Anh (TH theo Dân trí, Vnexpress)