Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo Nghị định, bắt đầu từ ngày 12/12 hành vi không đảm bảo máy giao dịch tự động phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng. Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 500 - 600 triệu đồng đối với hành vi hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ, tổ chức làm đại lý đổi ngoại tệ, tổ chức khác mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ, hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép, trừ trường hợp quy định; phạt 400 - 450 triệu đồng đối với hành vi vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật...
Nghị định này ra đời được kỳ vọng sẽ nâng cao được chất lượng dịch vụ giao dịch tự động của các hệ thống ngân hàng. Nhưng một số lãnh đạo ngân hàng thương mại lại lo ngại lực lượng kiểm tra sẽ lợi dụng quy định này để gây khó cho ngân hàng.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại thường chi ra khoảng 200 triệu đồng tồn quỹ/máy ATM. Tuy nhiên nếu lực lượng chức năng yêu cầu mỗi máy tồn quỹ 500 triệu đồng mới đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt, như vậy đương nhiên sẽ có một lượng vốn nằm chết ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng.
Phạt “máy ATM”, ngân hàng có sợ?
Thêm vào đó theo các nhà băng tăng chất lượng phục vụ ở máy ATM phải trên cơ sở đơn vị cung ứng đạt hiệu quả kinh doanh thì họ mới có động cơ đầu tư ngược lại cho người sử dụng dịch vụ thẻ, hoàn toàn không phải chỉ do đáp ứng đủ tiền mặt cho chủ thẻ rút tiền chi tiêu theo thói quen và tập quán trong dân.
Mặt khác các ngân hàng cũng cho rằng quy định xử phạt đối với việc máy ATM không tiếp tiền đầy đủ nếu không linh hoạt sẽ rất khó cho hoạt động kinh doanh của họ. Bởi, không chỉ là do số lượng tồn quỹ trong các máy ATM không thể kinh doanh được, mà còn số dư trên thẻ ngân hàng không thể đưa vào kinh doanh hiệu quả do là nguồn tiền gửi không kỳ hạn.
Các “sếp” nhà băng lo ngại với quy định trên, tâm lý sợ bị phạt sẽ buộc các ngân hàng phải đáp ứng dôi dư tiền trong máy ATM và không còn nguồn lực đầu tư cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt như internetbanking, mobilebanking…
Tuy nhiên theo ý kiến của luật gia Vũ Xuân Tiền, Ủy viên Ban chấp hành Hội luật gia Hà Nội, ATM là để rút tiền.
Mỗi khách hàng khi sử dụng thẻ ATM đều phải trả một khoản phí cho ngân hàng, nhưng khi khách có nhu cầu rút tiền ngân hàng lại không đáp ứng được như vậy là ngân hàng không thực hiện đúng cam kết. Vì vậy quy định xử phạt ngân hàng nếu để máy ATM hết tiền là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên theo ông để quy định trên mang lại hiệu quả thì Chính phủ cần có cơ chế khắt khe hơn. Nếu chỉ phạt 15 triệu thì không đủ sức răn đe vì các ngân hàng vẫn cứ làm và sẵn sàng nộp phạt. Đồng thời việc xác định thời điểm máy ATM hết tiền hay bị lỗi để tính giờ là hết sức khó khăn hoặc có nhiều khi cây ATM hết tiền nhưng lại báo lỗi do thao tác của người rút.
Đồng tình với quan điểm trên T.S Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cũng cho rằng ngân hàng để ATM thường xuyên hết tiền không đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì bị phạt là chính đáng. Tuy nhiên, phạt 15 triệu đồng là rất nhỏ so với vi phạm cố tình của ngân hàng. Số tiền đó chắc chắn ngân hàng đáp ứng được và không phải là cảnh cáo lớn đối với các ngân hàng. Thêm vào đó việc xử phạt cũng khá khó khăn, qua nhiều tiến trình điều tra.
Được biết ngành ngân hàng đã có những quy định phải tiếp tiền đầy đủ cho máy ATM từ nhiều năm qua. Tuy nhiên việc thực hiện theo những quy định này của các ngân hàng vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Ngọc Anh (TH)