Liên quan đến quy định vượt đèn vàng bị phạt tới 2 triệu đồng gây nhiều tranh luận trái chiều thời gian qua, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an cho biết, kể từ ngày 1/8 khi Nghị định 46/2016 của Chính phủ có hiệu lực về việc nâng mức xử phạt “vượt đèn vàng” ngang với “vượt đèn đỏ”, việc này đã trở thành đề tài tranh cãi trên các diễn đàn mạng xã hội.
Quy định xử phạt “vượt đèn vàng” ngang với “vượt đèn đỏ” gây nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa
Thiếu tướng Quân khẳng định, về nguyên tắc, người điều khiển phương tiện giao thông khi thấy đèn vàng thì phải giảm tốc độ. Trường hợp đèn vàng nhưng người tham gia giao thông đã đi vào khu vực ngã tư thì được đi tiếp. Có người cho rằng, cứ đèn vàng là phải dừng là hiểu chưa đúng.
Thiếu tướng Quân cho biết thêm: "Về nguyên tắc đèn vàng phải giảm tốc độ, nhưng thói quen của người dân không chỉ vượt đèn đỏ mà đèn vàng cũng tăng tốc nên gây xung đột và dễ dẫn tới tai nạn. Những người xây dựng Nghị định 46 đã căn cứ theo chiều hướng tâm lý đó để quy định như vậy".
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho biết, việc xử phạt các phương tiện vượt đèn vàng đã được quy định cụ thể trong điều 10, Luật giao thông đường bộ năm 2008, chứ không phải đến thời điểm này mới xử phạt.
“Chúng ta bắt đầu xử phạt lỗi vượt đèn vàng từ năm 2010 theo nghị định 34. Việc này đã quy định rõ trong luật rồi.
Trước những kiến nghị, tranh cãi từ người dân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an cho biết sẽ áp dụng quy định xử phạt vượt đèn vàng trong một thời gian để đánh giá, xem xét. Nếu bất hợp lý sẽ đề xuất bỏ.
Mai Anh (TH theo Tiền phong, Báo Đất Việt)