Phản hồi văn bản của "Hội đồng họ Trần Việt Nam" do PGS Đào Trần Quang Cát ký

Báo Kinh doanh và Pháp luật số ra ngày 24/04/2019 đã đăng bài: "Hưng Hà, Thái Bình: Cần sớm làm rõ và xử lý đối tượng bôi nhọ di tích Đền Trần".

Qua nội dung bài viết, nhóm phóng viên báo Kinh doanh và Pháp luật muốn gửi đi thông điệp rằng: Họ Trần Việt Nam qua nhiều thế hệ có truyền thống vẻ vang và huyện Hưng Hà là nơi phát tích của dòng họ Trần. Chính vì lẽ đó mà những người mang họ Trần dù ở trong nước hay nước ngoài cần đoàn kết, phát huy truyền thống hào hùng để đồng tâm, hợp lực xây dựng, tôn tạo các di tích cho con cháu các thế hệ noi theo. Nội dung bài viết cũng dành thời lượng lớn để cảnh báo về hành vi lợi dụng dân chủ để xuyên tạc lịch sử, quy chụp xúc phạm đến người đã từng bỏ công, bỏ sức và nêu tấm gương trong việc kết nối, xây đắp tình đoàn kết trong dòng họ. Một trong những người như thế là Anh hùng lao động Trần Văn Sen. Bài viết cũng đưa ra lời cảnh báo về các thông tin đăng tải trên FB Hung Dinh Dang bôi nhọ một số cá nhân trong họ Trần và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, khiến dư luận xã hội bức xúc, kiến nghị cần phải có biện pháp xử lý theo pháp luật hiện hành. Nội dung bài viết trên sau đó đã được chuyển tải trên 2 trang thông tin điện tử tổng hợp của báo Kinh doanh và Pháp luật là giadinhvaphapluat.vn và kinhdoanhnet.vn.

Rất tiếc sau khi báo phát hành, Ban Biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật nhận được một văn bản không đề ngày, đề số của "Chủ tịch Hội đồng Họ Trần Việt Nam" do Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát ký. Ngoài báo Kinh doanh và Pháp luật, văn bản không ngày, không tháng, không năm và không số nói trên còn được gửi tới các địa chỉ khác như Ban Tuyên giáo TW; Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục Báo chí; Công an TP Hà Nội và các Phó Chủ tịch HĐHTVN về việc "Làm rõ nội dung sai phạm của báo Kinh doanh và Pháp luật".

Phản hồi văn bản của "Hội đồng họ Trần Việt Nam" do PGS Đào Trần Quang Cát ký - Ảnh 1
Công văn không có số và không ngày tháng của "Hội đồng họ Trần Việt Nam" do PGS Đào Trần Quang Cát ký gửi báo.

Thưa bạn đọc! Đọc xong nội dung văn bản đó, nhóm phóng viên của báo Kinh doanh và Pháp luật vừa bức xúc vừa ngỡ ngàng; bởi chả lẽ họ Trần Việt Nam lại có 2 hội đồng, theo đó là 2 ông Chủ tịch? Do vậy, để tôn trọng sự thật khách quan, theo chỉ đạo của Ban Biên tập, chúng tôi đã bỏ công tìm hiểu. Tại cuộc tiếp xúc với chúng tôi vào chiều ngày 11 tháng 5 năm 2019; Đại tá Trần Xuân Tuyết, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, hiện là Trưởng ban Tổ chức, Ban Chấp hành họ Trần Việt Nam; ông cho biết: Từ khi thành lập (1995) đến nay, họ Trần Việt Nam đã trải qua 5 nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ đầu, do hòa thượng Thích Thanh Tứ (tức Trần Văn Long) làm Trưởng ban Liên lạc họ Trần Việt Nam. Từ 2009 - 2010, Trung tướng Trần Linh kế nhiệm Trưởng ban Liên lạc họ Trần Việt Nam. Giai đoạn 2010 - 2015, Ban Liên lạc họ Trần Việt Nam đổi tên thành Ban Chấp hành họ Trần Việt Nam, trong đó từ 2010 - 2011 hòa thượng Thích Thanh Từ (tức Trần Hữu Phước) làm Chủ tịch Ban Chấp hành họ Trần Việt Nam. Từ 2015 đến nay, Đại hội nhiệm kỳ 5 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình với sự tham dự của 3000 đại biểu đại diện cho những người mang họ Trần trong và ngoài nước, đã bầu ra một Ban Chấp hành gồm 75 vị. Sau đó, Ban Chấp hành bầu Anh hùng lao động Trần Văn Sen làm Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020. Vậy mà trong văn bản gửi đến báo Kinh doanh và Pháp luật, ông Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát lại ký văn bản với chức danh: "Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam" gửi đến báo và các ban ngành chức năng. Văn bản không ngày, không số này còn được đóng dấu tròn (Xung quanh việc khắc con dấu tròn này, chúng tôi sẽ tìm hiểu về tính pháp lý và thông tin đến bạn đọc).

Đề cập về vấn đề này, Đại tá Trần Xuân Tuyết, Trưởng ban Tổ chức họ Trần Việt Nam cho biết thêm: Mọi hoạt động của Ban Chấp hành họ Trần Việt Nam do Anh hùng lao động Trần Văn Sen làm Chủ tịch, được Đại hội bầu chính thức diễn ra bình thường và đúng tôn chỉ, mục đích; thì chẳng hiểu vì động cơ gì, nửa cuối năm 2018, nói chính xác hơn là ngày 17/11/2018, một nhóm người (17 người) tự phát đứng ra thành lập "Hội đồng họ Trần Việt Nam", bầu ông Đào Trần Quang Cát làm Chủ tịch. Ngay cả cái tên của ông Đào Trần Quang Cát; có người cho rằng cũng có dấu hiệu không bình thường, bởi tên của ông trong CMND là Đào Quang Cát?

Trong văn bản không ngày, không số mà ông "Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam" do Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát ký gửi báo Kinh doanh và Pháp luật, ông Cát cho rằng, nội dung bài viết trên báo Kinh doanh và Pháp luật là xuyên tạc lịch sử nhà Trần. Chúng tôi khẳng định đây là sự quy chụp; bởi nội dung bài viết chỉ dựa trên các tư liệu đã được in trong cuốn sách "Đức Hoằng Nghị Đại vương và việc bảo tồn - tôn tạo Khu di tích lịch sử - văn hóa Phương La (Thái Phương - Hưng Hà - Thái Bình)" do UBND tỉnh Thái Bình và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp thực hiện và được Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành, sau đó được NXB Chính trị - Quốc gia Sự thật tái bản. Trước đó, tại Hội thảo khoa học về việc này, người viết lời tựa cho cuốn sách là Nhà Sử học, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử; Đại biểu Quốc hội đương nhiệm Dương Trung Quốc và bài tổng kết Hội thảo của giáo sư Vũ Khiêu. Trong lời giới thiệu cho cuốn sách, Nhà Sử học Dương Trung Quốc viết: "Trên cơ sở những nguồn tư liệu hiện có, nhiều nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận: Thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ là Đại vương Trần Hoằng Nghị, quê làng Mẹo, nay là thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Trong mấy chục làng, xã của huyện Hưng Hà thì chỉ có làng Mẹo (tức thôn Phương La ngày nay) được người dân nơi đây ghi nhận là quê hương thân phụ Trần Thủ Độ và làng Ngừ (tức thôn Phù Ngừ) là quê hương linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, phu nhân của Trần Thủ Độ. Đáng chú ý hơn nữa là vào các ngày 14 tháng 8 âm lịch giỗ Đức Trần Hoằng Nghị, người dân làng Ngừ - nơi có lăng mộ cụ Trần Thủ Độ - đều hành hương về làng Mẹo góp giỗ”.

Như vậy là đã rõ, bài viết “Hưng Hà, Thái Bình: Cần làm rõ và xử lý đối tượng bôi nhọ di tích Đền Trần”, chúng tôi không đi sâu vào những công việc của giới nghiên cứu lịch sử nước nhà mà chỉ dựa theo các tư liệu từ các bài tham luận. Chúng tôi khẳng định, nội dung bài báo không hề có một sự bịa đặt, xuyên tạc lịch sử nhà Trần; không có một từ, một chữ nào đề cập đến “tại làng Phương La có một di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia liên quan đến triều Trần”. Là những người con sinh ra và lớn lên ở đất Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, chúng tôi hiểu rất rõ khu di tích và lăng mộ các vua Trần ở xã Tiến Đức, được xếp hạng lên khu di tích quốc gia. Nơi đây vào những ngày đầu xuân đã diễn ra những ngày hội, tổ chức phát ấn cho bà con bốn phương về dự. Chứ không phải phát ấn tại đền thờ Đức Hoằng Nghị Đại vương.

Thưa bạn đọc, điều mà chúng tôi, những người không mang họ Trần, song thật sự bức xúc khi trong văn bản không số, không ngày do Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát ký, có viết: “Chúng tôi xin khẳng định lại: Tại làng Phương La không có một di tích nào (cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia) liên quan đến triều Trần. Bài báo đã lờ đi không dám viết công trình xây dựng ở Phương La chính là đền Nhà Ông, thờ nhân vật không có thật Trần Hoằng Nghị. Đây là công trình xây dựng sai phạm... Công trình đền Nhà Ông này không phải di tích cấp tỉnh hay quốc gia lại hoạt động tín ngưỡng mà bị các cấp quản lý văn hóa, tôn giáo ở tỉnh Thái Bình buông lỏng quản lý. Thậm chí, không biết bằng cách nào họ còn lừa được cả Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm...”.

Về việc xây dựng đền thờ Đức Hoằng Nghị Đại vương tại làng Phương La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước khi bắt tay vào xây dựng, UBND tỉnh do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký giấy phép xây dựng. Còn việc ông Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát cho rằng: “Không biết bằng cách nào mà họ còn lừa được cả Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm”. Về việc này, Đại tá, nhà báo Lưu Vinh người đã có 12 năm giữ cương vị Phó Tổng Biên tập báo Công an nhân dân, nay là Tổng Biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật và đã có hàng chục chuyến tháp tùng Chủ tịch nước và Thủ tướng thăm hữu nghị các nước ở 5 châu lục, tham dự các diễn đàn lớn tại trụ sở Liên Hợp Quốc; APEC, ASEM v.v... đã cho biết: “Việc các đồng chí lãnh đạo cấp cao (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội) trước khi có chuyến đi công tác nước ngoài hay địa phương đều có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Đặc biệt để chuẩn bị cho các chuyến thăm nước ngoài, bao giờ cũng có các đoàn tiền trạm; lịch trình chuyến thăm tính từng giờ, từng phút; chứ đâu có thể dễ dàng để ai qua mặt. Hơn nữa, tại khuôn viên đền thờ Đức Hoằng Nghị Đại vương ở làng Phương La, đâu chỉ có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm và thắp nhang tưởng niệm các đức vua đời Trần; mà trước đó, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, sau này là nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và nhiều đồng chí lãnh đạo các ban ngành và địa phương cũng về thăm và thắp nhang tưởng nhớ các vị vua Trần. Đây là một sự thật, vậy mà không hiểu sao một người mang cấp hàm Thiếu tướng, chức danh Phó Giáo sư lại có thể sử dụng những câu từ mang tính quy chụp đến như vậy?”. Câu trả lời xin dành cho bạn đọc cũng như những người mang họ Trần trong và ngoài nước.

Cũng trong văn bản không ngày, không số do Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát ký gửi báo Kinh doanh và Pháp luật có đề cập đến việc cần làm rõ hành vi vu khống của báo Kinh doanh và Pháp luật liên quan các bài viết chia sẻ trên Facebook Hung Dinh Dang (của ông Đặng Định Hùng).

Từ việc này, chúng tôi xin trả lời: Trong tay chúng tôi hiện đang nắm giữ và tiếp tục khôi phục các thông tin đã bị gỡ bỏ về các bài viết được phát tán tại FB Hung Dinh Dang. Chắc chắn khi đọc những dòng chữ trong các bài viết đó, những người đảng viên chân chính, dư luận xã hội và bà con mang họ Trần đều phẫn nộ. Báo Kinh doanh và Pháp luật sẵn sàng hợp tác với các cơ quan bảo vệ pháp luật và ngành chức năng trong việc cung cấp các thông tin mà nhóm phóng viên của báo Kinh doanh và Pháp luật đã thu thập được về trang FB Hung Dinh Dang này.

Nhóm PV/KD&PL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục