Phân bón Bình Điền “cài số lùi” lợi nhuận, dự báo tiếp tục gặp khó

Năm 2023, Phân bón Bình Điền đặt mục tiêu 220 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 6% so với cùng kỳ trong bối cảnh giá phân bón có xu hướng giảm.

Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2023, dự kiến diễn ra tại Tp.HCM vào ngày 28/4.

Theo kế hoạch đề ra, năm 2023, công ty đặt mục tiêu 7.477 tỷ đồng doanh thu, 220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế giảm lần lượt 13%, 6% so với cùng kỳ. Mức chia cổ tức năm 2023 dự kiến 15%.

Doanh nghiệp cho biết, kế hoạch trên được đặt trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước còn nhiều yếu tố bất lợi, giá cả nông sản, phân bón không ổn định, thời tiết diễn biến phức tạp. Trong khi bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, đặc biệt là ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa thị trường đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước.

Phân bón Bình Điền “cài số lùi” lợi nhuận, dự báo tiếp tục gặp khó - Ảnh 1

Năm 2022, Phân bón Bình Điền thu về 8.579 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 10% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt 235 tỷ đồng, giảm 36% so với so với năm 2021. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Phân bón Đầu trâu đã vượt 33% kế hoạch doanh thu và vượt 17% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, công ty đề xuất chia cổ tức năm 2022 với tỉ lệ 20%.

Cũng tại đại hội, Phân bón Bình Điền dự kiến sẽ miễn nhiệm và bầu bổ sung một thành viên HĐQT, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Trong báo cáo về ngành phân bón mới đây, Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) dự báo, các doanh nghiệp phân bón có thể đối mặt với áp lực tăng trưởng âm trong năm 2023 do nguồn cung dư thừa, giá ure giảm nhanh hơn nguyên liệu.

Theo BSC, nguồn cung ure năm 2023 có thể tăng trở lại khi Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu  phân bón và Ấn Độ có xu hướng tăng cường sản xuất nội địa, giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu .

Mặt khác, giá ure thế giới hiện giảm 35 – 50% so với mức hồi đầu năm 2022, trong khi giá các nguyên liệu chính mới hạ nhiệt 18 - 30% (ngoại trừ giá khí ở Châu Âu và than). Điều này cho thấy giá ure đang giảm nhanh hơn so với nguyên liệu sản xuất, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất ure, tạo áp lực lên tăng trưởng các công ty do mức nền năm 2022 cao.

Nguyễn Thu Huyền

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục