Khoảng hơn 700 khách mời tham dự Lễ ra mắt và giới thiệu cơ hội đầu tư FLCHomes
Sự kiện do Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh phát triển Bất động sản FLCHomes (FLCHomes) và Công ty Cổ phần Chứng khoán MB phối hợp tổ chức với sự tham dự của trên 700 chuyên gia BĐS, chuyên gia tài chính, đại diện các đối tác chiến lược và nhà đầu tư cá nhân.
Định hướng top 3
Là thương hiệu mới nhất đến từ hệ sinh thái của FLC, với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là bất động sản trong cả 3 vai trò là: chủ đầu tư dự án, phân phối dự án và vận hành dự án, FLCHomes có định hướng trở thành thương hiệu đầu tư và phát triển bất động sản nằm trong top 3 Việt Nam.
Trong kế hoạch kinh doanh trong 5 năm tiếp theo, doanh nghiệp xác định tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế bình quân hàng năm đạt 46% và 60%. Vốn chủ sở hữu dự kiến tăng từ hơn 4 ngàn tỷ năm 2019 tới hơn 10 ngàn tỷ trong năm 2024.
Tổng doanh thu năm 2020 dự kiến đạt trên 5 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2019 và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng trên 4 lần so với 2019. Trong đó, doanh thu từ hoạt động đầu tư phát triển các dự án bất động sản năm 2020 dự kiến đạt trên 2.800 tỷ đồng, đóng góp gần 60% tổng doanh thu.
“FLCHomes sẽ được kế thừa và được hỗ trợ nhiều nền tảng quan trọng từ FLC, đặc biệt là nguồn lực về đội ngũ nhân sự cao cấp, hay đặc quyền được phát triển kinh doanh và phân phối các dự án bất động sản do Tập đoàn FLC cũng như công ty thành viên của tập đoàn làm chủ đầu tư. Nhờ đó, quỹ dự án đầu tư và phân phối của FLCHomes đã lên tới hơn 300 dự án hiện diện trên hầu hết các tỉnh thành Việt Nam. Quỹ sản phẩm này có thể đáp ứng cho khả năng cung ứng và vận hành của FLCHomes đến 2030”, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn FLC, Chủ tịch FLCHomes cho hay.
Theo đánh giá của MBS, đây là một lợi thế lớn của FLCHomes. Gắn kết chặt chẽ với hệ sinh thái của một tập đoàn lớn như FLC sẽ giúp FLCHomes tích hợp được năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị và quỹ dự án đầy tiềm năng.
Đưa ra nhiều phân tích chuyên sâu về dòng vốn, quỹ dự án, cũng như chiến lược kinh doanh của FLCHomes trong 5 năm tới, MBS cho rằng FLCHomes đã có những tính toán khá kỹ về việc lựa chọn các dự án, lộ trình các điểm rơi về doanh thu, lợi nhuận gắn với từng nhóm sản phẩm của các dự án; đảm bảo duy trì nguồn lực tài chính phù hợp với nhu cầu phát triển kinh doanh.
Trong đó, mảng phát triển BĐS của FLCHomes được MBS nhận định là có tiềm năng lớn. Bên cạnh các lợi thế từ hệ sinh thái FLC, mảng kinh doanh cốt lõi này của FLCHomes được hỗ trợ từ tiềm năng tăng trưởng của một thị trường BĐS hấp dẫn hàng đầu khu vực.
Dẫn lại các thông tin về với tốc độ tăng trưởng dân số, tốc độ đô thị hóa, thị trường căn hộ chung cư tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội được dự báo tăng gấp 3,5 lần lên lên 206.000 căn hộ/năm vào 2020, MBS nhận định bất động sản sẽ tiếp tục có tăng trưởng khả quan trong 10-15 năm tới. Và những công ty BĐS có quy mô vốn hoá lớn sẽ có khả năng trở thành điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư chiến lược trên thị trường quốc tế.
Bệ đỡ vĩ mô
Nhận định về thời điểm ra mắt của FLCHomes, TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng doanh nghiệp được hỗ trợ bởi những điều kiện khách quan rất thuận lợi: từ nền kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tốt, quyết tâm cải cách của Chính phủ và định hướng coi doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.
TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
“FLCHomes xây dựng kế hoạch trên những căn cứ thuyết phục”, ông Thiên nói.
“FLCHomes lên sàn trong bối cảnh nền kinh tế đang tái cơ cấu và thị trường ngày càng lành mạnh hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhấn mạnh và cho rằng việc phát triển FLCHomes phù hợp với sự lớn mạnh của FLC với những thương hiệu chuyên biệt và chuyên trách.
Ông Trần Đắc Sinh, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Còn theo ông Trần Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, FHH là một cổ phiếu có thương hiệu, và doanh nghiệp này khai thác hệ sinh thái của một tập đoàn có thương hiệu, với khả năng thay đổi cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương.
“Tôi tin rằng sẽ có rất nhiều nhà đầu tư chọn lựa thương hiệu FHH để đầu tư”, ông Sinh nói.
Niềm tin 3 chữ số
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về giá chào sàn của FHH ở mức 35 ngàn đồng, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC khẳng định mức giá này là có cơ sở.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC
“Giả sử tôi bỏ ra 1.500 tỉ đồng mua lại cổ phiếu FLC thì cổ phiếu FLC sẽ gấp 10 lần giá bây giờ. Giống như nhiều doanh nghiệp nhà nước, bây giờ cổ phần hoá, ví dụ vốn 5.000 tỉ nhưng tỉ lệ ra ngoài chỉ 5% hoặc 2%, thì cổ phiếu đều đạt được 3 chữ số.
Tương tự với FLCHomes, nếu tỉ lệ sở hữu bên ngoài chỉ 10% thì giá cổ phiếu này có thể đạt 3 chữ số, tức là hơn 100 ngàn chứ không phải 35 ngàn đồng như giá chào sàn. Hiện Tập đoàn cũng như các cá nhân đang cam kết sở hữu 90% FHH, chỉ 10% cho cán bộ nhân viên thôi”, ông Quyết cho biết và khẳng định trong năm 2020, cá nhân ông sẽ bỏ ra 1.500-2.000 tỷ để tăng sở hữu cổ phiếu FLC.
Còn về Bamboo Airways, Chủ tịch FLC khẳng định, hãng sẽ chào sàn trong năm 2020 và không có ý định bán cổ phiếu (mã BAV) ra bên ngoài, cho cả đối tác trong nước và đối tác nước ngoài vào thời điểm này. “Khi nào bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì ít nhất 150 ngàn đồng/cổ phiếu chúng tôi mới bán. Còn nếu bây giờ mới bán thì chỉ làm chậm tiến trình chuẩn hóa cũng như phát triển của Bamboo Airways mà thôi.
Một lần nữa, chúng tôi muốn nói rằng sẽ không bao giờ để cổ phiếu FLC năm 2020 dưới mệnh giá và nó sẽ gấp nhiều lần giá trị như đặt ra, không được 10 thì ít nhất 8 lần. Điều thứ hai, tôi tin giá cổ phiếu FHH của FLCHomes và BAV của Bamboo Airways có thể đạt 3 chữ số trong năm 2020”, ông Quyết nói.
PV