Khởi tố Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh để điều tra về hành vi “Lừa dối khách hàng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (chung cư CT6 Kiến Hưng), phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội.
Cụ thể, theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, ngày 05/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã Quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Lừa dối khách hàng”, Quyết định khởi tố bị can và ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Lê Thanh Thản (SN: 1950 trú tại Lô 13, BT3, bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes) về tội “Lừa dối khách hàng” quy định tại quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Ông Lê Thanh Thản.
Ngày 08/7/2019, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với bị can Lê Thanh Thản. Được sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội.
Ngày 09/7/2019 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc và địa điểm của bị can Lê Thanh Thản tại các địa chỉ: Lô 45-BT2 bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội; Ban quản lý dự án Thanh Hà, phường Phú Lương, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội; Ban quản lý khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, thu giữ một số tài liệu liên quan.
Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, để xử lý nghiêm hành vi của Bị can Lê Thanh Thản theo quy định pháp luật.
Doanh nghiệp của “đại gia điếu cày” đã lừa dối khách hàng như thế nào?
Liên quan đến những sai phạm tại dự án chung cư CT6 Kiến Hưng, có thể nói đây một trong số những dự án khá nhiều “tai tiếng” do doanh nghiệp của vị đại gia "điếu cày" đầu tư xây dựng.
Dự án do Công ty cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes là chủ đầu tư, ông Lê Thanh Thản làm Tổng giám đốc. Được biết, trong dự án này có tòa nhà được xây dựng không có giấy phép, không có hồ sơ thiết kế và đã bán hết cho khách hàng. Để tạo niềm tin, chủ đẩu tư dự án đã thông tin sai lệch đến khách hàng rằng, những căn hộ này có đủ giấy tờ pháp lý. Vì vậy, khách hàng đã tin tưởng đặt tiền mua nhà.
Bản thân các hợp đồng của công ty ký với khách hàng cũng nêu rõ những căn hộ này có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở (sổ đỏ).
Nhưng đến nay, người mua nhà vẫn chưa được cấp sổ đỏ, do không đủ điều kiện pháp lý để cơ quan chức năng cấp. Điều này đã khiến cho các các gia đình sinh sống tại đây gặp nhiều khó khăn, điêu đứng.
Giữa tháng 5/2018, tập thể cư dân chung cư CT6 Kiến Hưng cũng đã có đơn kiến nghị gửi HĐND, UBND TP Hà Nội, Sở TN&MT về cấp sổ đỏ.
Theo trả lời cử tri của UBND TP Hà Nội, quy hoạch thiết kế được duyệt tại dự án là 2 tòa nhà gồm: CT6A và CT6B. Tuy nhiên, trong thực tế chủ đầu tư đã xây dựng 3 tòa nhà gồm: CT6A, CT6B, CT6C (tăng 1 tòa so với quy hoạch được duyệt).
Về số căn hộ, theo quy hoạch, thiết kế được duyệt: Tổng số căn hộ được duyệt là 970 căn, trong đó số căn hộ chung cư cao tầng là 936 căn, gồm 2 tòa CT6A và CT6B; Số nhà thấp tầng, biệt thự liền kề là 34 căn.
Chủ đầu tư xây dựng tòa nhà CT6C trái phép và bán cho người dân.
Tuy nhiên, thực tế dự án CT6 đã được chủ đầu tư xây dựng thành 3 tòa CT6A, CT6B, CT6C (tăng 1 tòa CT6C so với quy hoạch). Tổng số căn hộ chung cư CT6 là 1.590 căn (tăng 654 căn so với quy hoạch được phê duyệt); trong đó Tòa CT6A là 693 căn; Tòa CT6B là 450 căn; Tòa CT6C là 447 căn và 38 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng.
Như vậy, chủ đầu tư đã xây vượt, xây không phép 654 căn hộ chung cư và 4 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng. Điều đáng nói, tất cả số căn hộ và nhà liền kề, biệt thự tại dự án này đã được bán cho khách hàng và đã đưa vào sử dụng.
Một số cư dân cho biết, ban đầu họ không phát hiện việc tòa nhà CT6C là xây dựng không phép. Sau khi mua được một thời gian họ phát hiện sự việc và "cầu cứu" cơ quan chức năng nhưng không thấy trả lời. Việc mua căn hộ nhưng không làm được sổ đỏ khiến họ không khác gì người đi ở thuê, chuyển nhượng không được, cầm cố chả xong, bán không ai dám mua.
Ngoài việc xây dựng sai phép, thời gian qua nhiều người dân sinh sống tại khu vực cũng không khỏi lo lắng về vấn đề PCCC không đảm bảo.
Những sai phạm nghiêm trọng tại các dự án của Mường Thanh
Tập đoàn Mường Thanh đã đầu tư xây dựng 12 dự án ở Hà Nội. Tháng 8/2016, Thanh tra TP.Hà Nội đã công bố kết luận thanh tra toàn diện việc đầu tư, quản lý, sử dụng đất đai tại các dự án nhà ở do Doanh nghiệp (DN) tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư trên địa bàn TP.Hà Nội (9 dự án).
Trước đó, 3 dự án (gồm khu đô thị Xa La; dự án CT11, CT12 khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, Q.Hoàng Mai; dự án Đại Thanh, H.Thanh Trì) cũng đã được Thanh tra Chính phủ thanh tra.
Theo đó, Thanh tra TP.Hà Nội đã thanh tra và chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng đối với 9 dự án, gồm: CT5 Tân Triều; VP6 Linh Đàm; HH1, HH2, HH3, HH4 thuộc ô CC6 khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm; CT6 Kiến Hưng, VP5 Linh Đàm và VP3 Linh Đàm.
Các tòa chung cư tại tổ hợp HH Linh Đàm đều được CĐT xây vượt chiều cao tầng.
Kết luận Thanh tra của TP.Hà Nội cho biết, “Qua thanh tra cho thấy 9 dự án đều có nhiều vi phạm nghiêm trọng luật Đầu tư, luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản, luật Quản lý thuế”.
Đối chiếu quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì 9/9 dự án có tình trạng vi phạm quy hoạch nghiêm trọng như: tăng chiều cao công trình; tăng diện tích xây dựng khối đế, khối tháp, tầng hầm; chuyển đổi mục đích sử dụng từ văn phòng, dịch vụ thương mại thành căn hộ ở; xây dựng tăng số lượng căn hộ với số lượng lớn, có dự án tăng gấp 6 lần số căn hộ được phê duyệt.
Trong đó, dự án VP3 Linh Đàm tăng chiều cao từ 29 lên 32 tầng, xây tăng số lượng căn hộ từ 192 đến 451 căn, vượt 259 căn so với quy hoạch. Dự án VP5 Linh Đàm cũng tăng chiều cao từ 29 lên 33 tầng, xây tăng số lượng căn hộ từ 216 lên 805 căn hộ.
Dự án VP6 Linh Đàm tăng chiều cao từ 25 lên 37 tầng, xây tăng số lượng căn hộ từ 138 lên 840 căn, vượt 702 căn. Các tòa HH3, HH1 được phê duyệt mỗi tòa 816 căn hộ, Mường Thanh xây thành mỗi tòa 2.000 căn hộ. Tổng số căn hộ tại 12 tòa nhà là hơn 8.896 căn với dân số khoảng 26.688 người, vượt gấp 4 lần quy mô dân số được duyệt là 6.300 người.
Dự án CT5 Tân Triều cũng xây vượt từ 492 lên 846 căn hộ, vượt 354 căn; CT6 Kiến Hưng tăng diện tích thêm hàng ngàn mét, khối nhà cao tầng xây từ 231 căn hộ lên 1.602 căn, vượt 1.371 căn so với quy hoạch.
Khu nhà thấp tầng quy hoạch được duyệt 15 căn nhà liền kề cao 3 tầng, Mường Thanh đã xây thành 38 căn liền kề cao 4 tầng. Đáng chú ý hơn, toàn bộ diện tích 718,8 m2 quy hoạch xây dựng nhà trẻ ở khu vực này đã bị chủ đầu tư chuyển đổi thành các căn hộ thấp tầng.
Những sai phạm này được đánh giá là vô cùng nghiêm trọng, làm phá vỡ các chỉ tiêu quy hoạch đô thị, quá tải về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội. Ngoài ra, còn gây mất ổn định trật tự, an toàn xã hội. Khiến đời sống của người dân sinh sống trong các dự án sai phạm gặp nhiều khó khăn.
Mường Thanh có 13 công trình vi phạm PCCC.
Bên cạnh đó, vào năm 2017, trong danh sách các công trình sai phạm về PCCC, doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên thuộc Tập đoàn Mường Thanh đứng đầu khi có tới 13 công trình vi phạm.
Cụ thể gồm: Tòa nhà CT5 (Yên Xã, xã Tân Triều), tòa CT8, CT10 (Tả Thanh Oai), chung cư cao tầng CT11 – Khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ, tòa VP3, VP5, VP6 (Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai), tòa CT1, CT2, CT3, CT4, CT6, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp khu đô thị Xa La (Xa La, Hà Đông).
Hậu quả là đã có nhiều vụ cháy xảy ra tại các chung cư do doanh nghiệp của đại gia "điếu cày'" Lê Thanh Thản đầu tư gây thiệt hại lớn về tài sản người dân.
Hải Lan