Trong những năm gần đây, Masan đã tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và trở thành tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bên cạnh hai lĩnh vực kinh doanh khác là tài chính (sở hữu một phần Techcombank) và khai thác mỏ Núi Pháo.
Sau khi mua lại mỏ Núi Pháo từ Dragon Capital, Masan đã huy động hàng trăm triệu USD để đổ vào dự án này: 115 triệu từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (tháng 2/2011); 90 triệu USD từ Vietcombank (tháng 3/2011) và 80 triệu USD từ Standard Chartered Bank (tháng 3/2012).
Ngoài ra Masan đã huy động 100 triệu USD từ quỹ nước ngoài bằng việc chào bán 20% cổ phần của Masan Resource (công ty đại diện sở hữu của Masan tại dự án Núi Pháo).
Đến cuối năm 2013, tổng vốn vay của Masan cao gấp đôi vốn chủ sở hữu và chiếm đến 40% tổng nguồn vốn của tập đoàn. Tuy nhiên, cấu trúc nợ của Masan đã đơn giản và giảm rủi ro hơn sau khi tập đoàn phát hành 29 triệu cổ phiếu để hoán đổi một phần nợ vay thành cổ phần.
So với các tập đoàn tư nhân lớn đang niêm yết trên HOSE, Masan có dư nợ vay đứng thứ hai sau Vingroup và cao hơn HAGL, Hòa Phát, Ocean group. Tuy nhiên số lãi vay phải trả của Masan (402 tỷ đồng) chỉ cao hơn Hòa Phát (362 tỷ đồng). Một phần lãi vay của Masan được hạch toán trong phần Chi phí phải trả, sẽ được sử dụng trong trường hợp chủ nợ không thực hiện chuyển đổi thành cổ phần. Số dư này đến 31/12/2013 là 424 tỷ đồng.
Theo Masan, Masan Resources đã có nhiều bước tiến đáng kể trong việc vận hành thử dự án Núi Pháo, xây dựng xong nhà máy chế biến đẳng cấp thế giới với công nghệ hiện đại nhất ở Việt Nam, và sẽ trở thành nhà sản xuất vonfram lớn thứ hai thế giới.
Sản lượng chế biến trung bình của nhà máy đã chạm đến mốc 100% công suất thiết kế, và ngay từ đầu năm 2014, Núi Pháo đã giao cho khách hàng khối lượng sản phẩm trị giá hơn 14,4 triệu USDbao gồm đầy đủ bốn dòng sản phẩm: sản phẩm giá trị gia tăng vonfram, cũng như tinh quặng florit, bismut và đồng.
Với những bước tiến lớn của Masan Consumer và sựđóng góp đáng kể của mỏ Núi Pháo, Masan dự kiến sẽ vượt mức doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2014.
Mới đây nhất, theo một số nguồn tin liên quan, 6.800 tỷ đồng trái phiếu của Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Thái nguyên (TNTI) - một đơn vị thuộc Tập đoàn Ma San - đã được bán hết.
Nguồn tin này cho biết, đợt phát hành trái phiếu lớn này đã được hoàn tất trong tuần trước.
Trước đó hồi đầu tháng 5, một nguồn tin khác liên quan đến đợt phát hành cũng đã cho biết, một ngân hàng có vốn sở hữu Nhà nước đã mua 3.000 tỷ đồng trái phiếu của đợt phát hành này. Số lượng 3.800 tỷ đồng còn lại đã được bán nốt trong tuần vừa qua.
Trái phiếu này được TNTI bắt đầu chào bán riêng lẻ cho một nhóm nhà đầu tư từ đầu tháng 3 vừa qua, nhằm mục đíchtăng quy mô vốn cho TNTI và đầu tư vào Dự án Núi Pháo.
Trái phiếu phát hành bằng tiền VND, kỳ hạn 5 năm, lãi suất là 11%/năm cho kỳ thanh toán đầu tiên và bằng lãi suất tiền gửi 12 tháng cộng biên 4%/năm cho các kỳ thanh toán tiếp theo, theo Bản công bố thông tin TNTI gửi tới các nhà đầu tư hồi đầu tháng 3.
Lãi suất này thấp hơn hẳn lãi của phần lớn các khoản vay hiện tại của Dự án Núi Pháo. Trong các khoản vay lãi cao có:80 triệu USD thời hạn 2 năm vay bắc cầu từ Standard Chartered từ năm 2012 lãi suất 10,15%/năm cho năm đầu tiên và lãi suất LIBOR cộng 9,5%/năm cho năm thứ hai; 40 triệu USD cũng vay của Standard Chartered từ năm 2013 cũng có mức lãi suất tương tự;90 triệu USD thời hạn 8 năm bằng tiền USD hoặc VND của một nhóm ngân hàng gồm Vietcombank, Tiên Phong Bank, Bảo Việt Bank có lãi suất cho tiền USD bằng lãi suất LIBOR 6 tháng cộng 7% nhưng không ít hơn 8%/năm, lãi suất tiền VND bằng trung bình tiền gửi 12 tháng tiền VND cộng biên 4,5%/năm; khoản vay 30 triệu USD thời hạn 12 tháng tiền VND hoặc USD của Vietcombank có điều khoản tương tự.
N.N.(Tổng hợp)