Mùa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2019 đang dần khép lại, tuy tăng trưởng tín dụng chậm lại so với các năm trước nhưng các ngân hàng niêm yết vẫn có lợi nhuận duy trì tăng trưởng (dù tốc độ có chậm lại).
Nguồn: Hà Phương tổng hợp từ BCTC các ngân hàng.
Vietcombank vẫn tiếp tục giữ vị trí quán quân về lợi nhuận với con số kỉ lục 17.613 tỷ đồng lãi trước thuế và 14.217 tỷ đồng sau thuế, tăng trưởng gần 51% so với cùng kì năm trước.
Hai điểm đáng chú ý là ông lớn BIDV đã bị VPBank (VPB) "vượt mặt" nhờ tăng trưởng hơn 17% lợi nhuận và Sacombank (STB) cũng vượt lên cả SHB và TPBank với LNST đạt 1.923 tỷ đồng và LNTT đạt 2.491 tỷ đồng.
Nguồn: Hà Phương tổng hợp từ BCTC các ngân hàng.
Bức tranh kết quả kinh doanh của các ngân hàng niêm yết còn cho thấy nguy cơ rủi ro gia tăng khi nợ xấu có xu hướng phình to trở lại.
Tại 3 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước lớn là BID, CTG và VCB đều có nợ xấu tăng. Trong cơ cấu nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tại cả 3 “ông lớn” trên đều chiếm tỷ lệ cao. Tại VCB, tỷ lệ nợ nhóm 5 tăng 1,9% lên 4.860 tỷ đồng; tại BID tăng tới 70% lên 12.194 tỷ đồng.
Đáng chú ý, VPBank là nhà băng niêm yết duy nhất có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cao nhất tính đến 30/09/2019 là 3,5%. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng 30% so với đầu năm. Tiếp đến là SHB với tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ 2,86%.
Đối với VPBank, tỉ lệ nợ xấu của nhà băng này luôn ở mức cao hơn trung bình ngành do chiến lược kinh doanh hướng nhiều vào những phân khúc cho vay tiêu dùng tín chấp có độ rủi ro cao.
Theo cho biết từ ngân hàng, khoảng 35% dư nợ cho vay tại VPBank là cho vay tín chấp và tập trung chủ yếu tại FE Credit, công ty tài chính có thị phần cao nhất trong mảng này.
Nguồn: Hà Phương tổng hợp từ BCTC các ngân hàng.
Tuy nợ xấu vẫn ở mức đảm bảo, nhưng áp lực sẽ dần lớn hơn trong thời gian tới.
Hà Phương