Nỗi lo của các DN phụ thuộc công ty mẹ

(Kinhdoanhnet) - Thường các công ty mẹ sẽ là đơn vị bao tiêu toàn bộ đầu ra cho doanh nghiệp nhờ đó các doanh nghiệp con sẽ được hưởng nhiều lợi thế. Tuy nhiên thực tế nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười vì phụ thuộc vào công ty mẹ.

Công ty con thua lỗ vì quá lệ thuộc vào công ty mẹ

Theo thống kê kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần vận tải và Giao nhận bia Sài Gòn (SBC) qua các năm như sau: Năm 2008 lãi 39,7 tỷ đồng, năm 2009 lãi 72,4 tỷ đồng, năm 2010 lãi 55,8 tỷ đồng, tuy nhiên đến năm 2011 lỗ 2,46 tỷ đồng, năm 2012 lãi 18,4 tỷ đồng. Năm 2013, tiếp tục thua lỗ 49,8 tỷ đồng.

Nỗi lo của các DN phụ thuộc công ty mẹ - Ảnh 1
Năm 2013, SBC thua lỗ 49,8 tỷ đồng.

Cộng với việc tại ĐHCĐ ban lãnh đạo của SBC lại quyết định hủy niêm trên sàn chứng khoán để tập trung vào việc khắc phục hậu quả do thua lỗ và tái cơ cấu doanh nghiệp. Điều này đã khiến cho giá cổ phiếu của SBC giảm từ mức 10.400 đồng/CP đã giảm xuống còn 9.200 đồng/CP, nhà đầu tư đã bắt đầu dồn dập bán hết cổ phiếu của Công ty này trong thời gian vừa qua.

Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2013, SBC đặt kế hoạch lãi trước thuế 27,58 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ sau 2 tháng công ty này đã bị lỗ 67 tỷ đồng, quý III/2013 SBC tiếp tục gây sốc khi báo lỗ thêm hơn 17 tỷ đồng. Theo giải trình của Ban lãnh đạo SBC thì nguyên nhân là do trong năm 2013 chi phí đầu vào tăng mạnh. Nhưng thực ra, doanh thu của SBC hầu như đến từ cung cấp dịch vụ vận tải cho các bên có liên quan, là các đơn vị có mối quan hệ với Sabeco như: CTCP Thương mại Bia Sài Gòn Trung Tâm, CTCP Thương mại Bia Sài Gòn Sông Tiền và chi nhánh, CTCP Thương mại Bia Sài Gòn Sông Hậu và chi nhánh, CTCP Thương mại Bia Sài Gòn Miền Đông và chi nhánh… Nếu câu chuyện giữa SBC và các đối tác này chỉ đơn giản dừng lại ở mối quan hệ cung cấp dịch vụ đơn thuần, chắc chắn số lỗ của SBC sẽ thấp hơn nhiều.

Một ví dụ khác là Tổng công ty lương thực miền nam (VNF2) chỉ trong chín tháng đầu năm 2012 có tới 19/44 đơn vị trực thuộc VNF2 thua lỗ. Tiêu biểu là tại Công ty Nông sản thực phẩm Trà Vinh bị thua lỗ tới 164 tỉ đồng, người anh em là Công ty Lương thực Trà Vinh cũng rất yếu ớt với khoản lỗ 134 tỉ đồng, Công ty Lương thực thực phẩm An Giang bị thua lỗ tới 83 tỉ đồng…

Còn số lỗ lũy kế của Công ty Lương thực Bạc Liêu đến cuối năm 2013 là 42 tỉ đồng. Vốn của công ty bị chiếm dụng không tham gia vào sản xuất kinh doanh khoảng 174 tỉ đồng. Theo VNF2, trong năm 2014 Công ty Lương thực Bạc Liêu cũng phải mất tới 14 tỉ đồng để bù lãi suất.

Nguyên nhân gây ra lỗ được đưa ra là do tình hình thị trường xuất khẩu gạo gặp khó khăn, giá nguyên liệu trong nước cao hơn giá xuất khẩu. Mặt khác một nguyên nhân nữa cũng cần phải kể đến đó là việc các DN thành viên của Vinafood 2 dường như đã quá quen lệ thuộc vào các hợp đồng tập trung từ tổng công ty “mẹ” rót xuống, không chủ động tìm kiếm các hợp đồng thương mại để thay thế. Nên khi VF2 không cung cấp các hợp đồng này nữa thì các công ty con ngay lập tức lâm vào thế bị động, buộc phải bán gạo với giá rẻ để cắt lỗ mỗi khi thời hạn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ kết thúc.

Cổ đông nhỏ trong DN phụ thuộc thấp thỏm, lo âu

Hoạt động kinh doanh, trong đó đầu ra hoặc đầu vào phụ thuộc gần như toàn bộ vào cổ đông lớn là hiện trạng kinh doanh của không ít DN hiện nay như: GAS, PGD, PGS… Các DN này hầu hết đều ghi nhận lãi lớn qua các năm. Tuy nhiên khi giá đầu ra hoặc đầu vào có sự thay đổi sẽ kéo theo doanh thu, lợi nhuận của các công ty này cũng thay đổi theo.

Điển hình như tại CTCP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam-PV Gas South (PGS) trong 9 tháng đầu năm 2013 doanh thu của Công ty này đạt gần 4.870 tỷ đồng. Tuy nhiên trong quý III thì doanh thu của khí hóa lỏng lại chỉ chiếm 66%, sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trong quý IV của công ty cũng chỉ đạt 1.500 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc này là do PGS bị điều chỉnh giá mua khí đầu vào.

Nỗi lo của các DN phụ thuộc công ty mẹ - Ảnh 2
Doanh thu của PVS trong 9 tháng đầu năm 2013 đạt gần 4.870 tỷ đồng.

Với các DN ngành than cũng không khá khẩm hơn khi mà khối lượng khai thác và giá bán thường xuyên bị điều chỉnh, khiến cho kết quả kinh doanh của công ty cũng bị lên xuống thất thường. Với các cổ đông lớn, thì kết quả kinh doanh này có thể không gây ảnh hưởng nhiều, nhưng đối với các cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài sẽ thấp thỏm không yên, hoàn toàn bị phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của Công ty.

T.T (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục