Nợ xấu tiếp tục “ăn mòn" lợi nhuận ngân hàng

(Kinhdoanhnet) – Nền kinh tế vẫn đang trong thời kỳ khó khăn, các ngân hàng đang trong bộn bề khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu lại tăng cao khiến cho lợi nhuận của các ngân hàng bị “bốc hơi” nhanh chóng.

Tính đến thời điểm này đã có khá nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014, tuy nhiên có thể thấy rằng chỉ tiêu lợi nhuận vẫn khá ảm đạm. Chỉ có một vài ngân hàng có lợi nhuận khởi sắc như VPBank hay Sacombank, VIB… Còn lại, hầu hết các ngân hàng khác đều có lợi nhuận khá thấp so với năm ngoái thậm chí có ngân hàng còn báo lỗ.

Trong quý III/2014, nhờ vào việc đẩy mạnh tín dụng, xử lý nợ xấu, tăng hiệu quả hoạt động nên lợi nhuận của các ngân hàng đã được cải thiện tích cực, tăng gấp 1,5 - 2 lần so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó có thể kể đến là Sacombank có lợi nhuận sau thuế lũy kế đạt 1.877 tỷ đồng, tăng 13,3%; VPBank lãi sau thuế là 1.070 tỷ đồng, VIB lãi trước thuế 234 tỷ đồng…

Tuy nhiên không phải lúc nào các yếu tố này cũng tác động tích cực giống như trường hợp của ACB, mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1.735 tỷ đồng, nhưng do phải trích dự phòng rủi ro tín dụng tới 664 tỷ đồng nên lợi nhuận giảm chỉ còn 837,5 tỷ đồng, bằng 75% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 9, nợ xấu (nhóm 3 - 5) tăng lên mức 3.478 tỷ đồng, chiếm 3,07% tổng dư nợ.

Như vậy ngân hàng này đã phải tăng trích lập dự phòng từ 757,7 tỷ đồng (cuối năm 2013) lên gần 1.075,5 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận của ngân hàng này “bốc hơi”.

Không chỉ có ACB, DongABank cũng lâm vào tình trạng tương tự khi báo lỗ 76 tỷ đồng, nợ xấu tăng vọt lên tới 6.945 tỷ đồng, chiếm 13% dư nợ.

 Theo TS. Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch HĐQT DongABank có khá nhiều lý do khiến cho lợi nhuận của ngân hàng sụt giảm. Đó là, cho vay khó khăn trong khi tiền gửi của dân vẫn phải huy động để đảm bảo nhịp độ hoạt động. Thứ hai, trước đây nhiều ngân hàng muốn giữ những con số đẹp trong báo cáo tài chính nên không trích đủ dự phòng rủi ro. Nay áp dụng quy định mới, chặt chẽ hơn, các ngân hàng phải trích đúng, đủ trích dự phòng rủi ro các khoản cho vay cả mới lẫn cũ. Thêm vào đó do lãi suất cho vay giảm cũng khiến cho lợi nhuận bị sụt giảm nhiều.

Ngoài ra còn một số ngân hàng yếu kém, thuộc diện “kiểm soát đặc biệt” hoặc vừa “thay chủ” như GPbank, Quốc Dân (NCB)… kết quả kinh doanh hiện vẫn chưa được công bố.

 Với bức tranh lợi nhuận khá ảm đạm trong hai năm trở lại đây, một vài chuyên gia đánh giá, mức lợi nhuận ngân hàng đang dần quay về giá trị thực. Trước đây, đúng là lợi nhuận ngân hàng có cao hơn một số ngành nghề khác do nền kinh tế tăng trưởng nóng, nhu cầu vốn cao. Tuy nhiên thực tế như thế nào thì cũng khó mà biết bởi nhiều ngân hàng vẫn giấu nợ xấu để tạo niềm tin cho các cổ đông đầu tư. Khi các quy định phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro ngày càng chặt chẽ, thì kết quả lợi nhuận của các ngân hàng này mới lộ rõ.

 Do đó, sang năm 2015, khi việc phân loại nợ chính xác hơn, bức tranh lợi nhuận ngân hàng cũng sẽ được phản ánh trung thực hơn.

Tuy nhiên TS. Cấn Văn Lực vẫn đánh giá tích cực cho bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong tương lai. Bởi tiềm năng đầu tư vào hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn được đánh giá khá tốt, nhất là sau thời gian thực hiện tái cơ cấu hiệu quả. Thêm vào đó hiện nền kinh tế đang cải thiện khả quan hơn nên đầu ra tín dụng sẽ khả dĩ hơn. Việt Nam lại đang trong tiến trình hội nhập với các hiệp định tự do thương mại được ký kết sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh cho các ngân hàng Việt Nam.

Hoàng Anh (TH theo TBNH, TBKD)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục