Mới đây, SHB vừa tổ chức thành công ĐHĐCĐ năm 2020. Theo đó, trong năm 2020, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 408.448 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2019; huy động vốn tăng 16% đạt 334.636 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 15% đạt 306.122 tỷ; lợi nhuận trước thuế 3.268 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ kiểm soát ở mức dưới 3%.
Đáng chú ý, do nợ xấu liên tục leo thang nên năm 2020, ngân hàng dự kiến thu hồi 6.081 tỷ đồng nợ xấu, tăng vọt 124,5% so với mức thu hồi 2019. Ngoài ra, SHB sẽ mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC.
Có thể thấy, mục tiêu này khá khó khăn vì tình hình đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt. Thực tế, trong bối cảnh thuận lợi những năm trước, câu chuyện thu hồi nợ xấu còn gặp khó khăn, thậm chí, nhiều ngân hàng đưa ra kế hoạch, nhưng nhiều năm sau đó vẫn chưa thể hoàn thành.
SHB được xem là như một trong những "ngôi sao sáng" trong làng tài chính khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán rất sớm vào 20/4/2009, chỉ sau Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB, mã ACB).
Tuy nhiên, khoảng cuối năm 2019, cổ phiếu SHB lại có giá giao dịch chỉ ở ngưỡng 6.000 đồng/cổ phiếu. Do đó, SHB trở thành một trong số cổ phiếu ngành ngân hàng có thị giá thấp nhất sàn chứng khoán lúc bấy giờ.
Một trong những lý do khiến cổ phiếu SHB có diễn biến không tốt là tình trạng nợ xấu tăng đột biến trong năm 2019.
Cụ thể, tính đến ngày 30/9/2019, SHB có 7.227 tỷ đồng nợ xấu, tăng 39% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 26% lên 4.954 tỷ đồng; nghi ngờ ( nợ nhóm 4) tặng vọt 61%, lên mức 4.954 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng mạnh 133 tỷ đồng, lên mức 791 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu hồi đầu năm 2019 chỉ 2,4% nhưng đến cuối tháng 9/2019 đã là 2,86%.
Chất lượng nợ vay của SHB tính đến 30/09/2019 (Nguồn: BCTC hợp nhất đã kiểm toán 9 tháng đầu năm 2019 của SHB)
Kết thúc năm 2019, nợ xấu tại SHB có chuyển biến tích cực khi nợ xấu nội bảng giảm xuống còn 5.055 tỷ. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 2,4% (cuối năm 2018) xuống còn 1,91% (cuối năm 2019).
Nguồn: BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2019 tại SHB.
Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2020, nợ xấu nội bảng của SHB lại tăng.
Cụ thể, tại ngày 31/3/2020 nợ xấu nội bảng đạt 6.136 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với đầu năm (tương đương tăng 21% so với đầu năm). Nợ xấu gia tăng đột biến chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 59%, lên mức hơn 1.699 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 63%, lên mức hơn 753 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu (trên tổng dư nợ cho vay) tăng từ 1,91% lên 2,17%.
Chất lượng nợ cho vay quý I/2020 tại SHB.(Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2020).
Đáng nói, khoản nợ dài hạn tại SHB tăng 10%, lên mức 87.333 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ trung hạn tăng 9%, lên mức 87.610 tỷ đồng so với đầu năm.
Dư nợ theo thời gian tăng dần. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2020).
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (15/6 - 19/6), SHB là cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất ngành (8,1%). Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/6, cổ phiếu SHB đã đánh mất 0.200 đồng (-1,36%) xuống giá 14.500 đồng.
Giá cổ phiếu SHB liên tục giảm. Nguồn: stockbiz.vn.
Theo Sohuutritue