Nợ xấu tại SHB giảm một cách “thần tốc”

Nếu như nợ xấu của SHB tính đến cuối năm 2012 ở mức cao ngất ngưởng tới 8,82% tổng dư nợ cho vay, thì tỷ lệ này đã giảm rất ấn tượng trong vòng 2 năm qua.

Còn nhớ, tại cuộc họp công bố việc nhận sáp nhập Habubank vào giữa năm 2012, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), đã tỏ ra lạc quan về “cuộc hôn nhân” này. Việc sáp nhập cũng được SHB đánh giá là một “thắng lợi”.

Thực tế, SHB đã phải chia sẻ ngay gánh nặng thua lỗ cho Habubank sau sáp nhập. Trong đó, năm 2012, SHB đã phải dành lợi nhuận phân bổ cho các cổ đông để xử lý khoản thua lỗ hơn 1.660 tỷ đồng của Habubank chuyển sang. Và tiếp nhận khối nợ xấu hơn 5.504 tỷ đồng, chiếm 32% dư nợ vào đầu năm 2012.

Nợ xấu “chạy” đi đâu?

Nếu như nợ xấu của SHB tính đến cuối năm 2012 ở mức cao ngất ngưởng tới 8,82% tổng dư nợ cho vay, thì tỷ lệ này đã giảm rất ấn tượng trong vòng 2 năm qua.

Trong năm 2013, SHB đã được khoanh lại hơn 1.228,5 tỷ đồng nợ xấu của Vinashin để chờ xử lý. Nhưng ngoài ra, trong khoảng 2.352 tỷ đồng nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý), ngân hàng cho biết có cả nợ của Vinashin (nay là Tổng Công ty SBIC) và một số đơn vị thành viên đã chuyển giao sang Tập đoàn PVN và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

SHB không cho biết số nợ cụ thể, song khoản nợ được cơ cấu lại, phân loại và trích lập dự phòng rủi ro theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, SHB được phép trích dự phòng theo khả năng của mình.

Được trao cơ chế đặc biệt để xử lý khối nợ của Vinashin, SHB đã giảm thiểu đáng kể ảnh hưởng tới số nợ, tỷ lệ nợ xấu và kết quả lợi nhuận trong năm 2013.

Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2014, tổng dư nợ cho vay khách hàng của SHB đến 30/9 đạt hơn 96.099 tỷ đồng, tăng tới 25,6% so với cuối năm 2013. Tức bình quân mỗi tháng qua, tín dụng đã tăng khoảng 2,84%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng so với tỷ lệ bình quân toàn ngành (7,26%) và thuộc nhóm nhà băng tăng tín dụng cao nhất.

Nhờ tín dụng tăng mạnh, về mặt số liệu, tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách đã giảm đáng kể. Cụ thể, nợ nhóm 3 - 5 chỉ còn 2.308 tỷ đồng, giảm tới 25,6% so với thời điểm cuối năm 2013 và chiếm 2,43% tổng dư nợ cho vay. Còn số nợ xấu chỉ giảm được 765 tỷ đồng.

Chưa đầy 2 năm, nợ xấu của SHB đã giảm “thần tốc”

Nhưng nếu cộng cả 1.228 tỷ đồng nợ xấu Vinashin chờ xử lý thì tỷ lệ nợ xấu của SHB sẽ tăng lên mức 3,73% (tại thời điểm 30/9/2014) và khoảng 5,67% (cuối năm 2013), vượt ngưỡng an toàn.

So về mặt bằng chung, SHB nằm trong nhóm NHTM cổ phần có tốc độ tăng tín dụng cao nhất, cụ thể, năm 2011 tăng 19,64%, năm 2013 tăng 34,4%... Trong tình cảnh xử lý thu hồi nợ xấu rất khó khăn, việc đẩy mạnh cho vay được cho là biện pháp “kỹ thuật” nhằm giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách cho SHB và nhiều ngân hàng khác.

Bên cạnh đó, ngân hàng SHB cũng tích cực rà soát, bán nợ xấu sang cho VAMC để dọn nhanh nợ xấu, làm đẹp sổ sách.

Ngậm ngùi cổ tức “bèo”

Mới đây, SHB đã có văn bản xin NHNN cho phép không tính các khoản nợ của Vinashin và đơn vị chuyển giao sang PVN, Vinalines vào tỷ lệ nợ xấu, nợ qua hạn chung của ngân hàng trong vòng 5 năm. Trích lập dự phòng rủi ro cho nợ của Vinashin được phân bổ từ nay đến năm 2018. Đồng thời, loại khối nợ xấu này ra khỏi hồ sơ xin cấp phép, xếp hạng, xin cấp hạn mức…

Thậm chí, SHB cũng “xin” tăng thời gian phải trích dự phòng nợ xấu đã bán cho VAMC trên 5 năm, giảm tỷ lệ trích lập dưới 20%/năm so với quy định hiện hành.

Có lẽ, ngoài việc “ôm” nguyên trạng Habubank và sau đó bán nợ, khoanh lại thì cho đến giờ, động thái nổi bật nhất của SHB trong việc “giải cứu” ngân hàng yếu kém là… xin cơ chế riêng! Mục đích làm sao hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của mình.

Thời gian đầu sau sáp nhập, các chỉ tiêu tài chính của SHB đã bị ảnh hưởng theo hướng giảm mạnh con số lợi nhuận, cổ tức, tỷ suất lợi nhuận, chỉ số P/E…

Nhiều cổ đông đã ngậm ngùi khi mỗi kỳ BCTC, chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu đã “ngốn” vào lợi nhuận từ vài trăm tới cả nghìn tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế năm 2012 chỉ đạt 1.825 tỷ đồng, giảm còn 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2013. Trong 9 tháng năm 2014, lợi nhuận trước thuế mới đạt 740,9 tỷ đồng. Lý do, vì riêng số dư dự phòng cụ thể là hơn 711 tỷ đồng…

Theo phương án sáp nhập, năm 2012, SHB không chi trả cổ tức do kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng vì phải gánh cả thua lỗ, nợ xấu rất lớn của Habubank. Cổ đông của SHB trước sáp nhập chỉ được bù đắp bằng việc nhận thêm 0,21 cổ phiếu của SHB.

Nhưng, mức lãi cơ bản tính trên cổ phiếu của SHB đã liên tục lao dốc trước và sau thời điểm sáp nhập. Cụ thể, lãi trên cổ phiếu năm 2010 là 2.178 đồng/cổ phiếu, giảm còn 1.784 đồng/cổ phiếu (năm 2011). Trong 2 năm sau sáp nhập, mức lãi chỉ còn 33 đồng/cổ phiếu và 959 đồng/cổ phiếu.

Trên thực tế, năm 2012 SHB đã không chia cổ tức và sang năm 2013, tỷ lệ cổ tức ở mức khá thấp 7,5%, tương ứng tổng số tiền 664 tỷ đồng. Dự kiến, mức cổ tức năm 2014 tăng lên 9%.

Theo TBKD

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục