VAMC tiếp tục mua nợ xấu
Đến nay, VAMC đã mua 50.721 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Được biết, VAMC đang chuẩn bị ký hợp đồng mua khoảng 1.200 tỷ đồng của VietinBank và tổng giá trị trái phiếu đặc biệt phát hành là 900 tỷ đồng.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, ngoài 6.000 tỷ đồng nợ xấu đã được bán cho VAMC trong năm 2013, SCB tiếp tục rà soát và dự kiến từ nay đến cuối năm, sẽ bán tiếp 3.000 - 4.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp cho VAMC.
Ông Đào Hảo, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ngày 4/6 cho biết, trong năm 2014, Vietcombank dự kiến bán ra số nợ xấu tương đương năm 2013 là 1.100 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank Lê Hùng Dũng, ngân hàng này sẽ tiếp tục bán từ 1.000-1.500 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm nay sau số nợ 924 tỉ đồng đã bán được hồi năm ngoái.
Kế hoạch bán nợ cao tại Eximbank có thể xuất phát từ việc tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên khá mạnh (dù vẫn ở dưới mức buộc phải bán nợ). Tỷ lệ nợ xấu của Eximbank tính đến hết quý I đã tăng lên đến 2,38% từ mức 1,93% hồi cuối năm ngoái. Diễn biến này ở Eximbank cho thấy nhiều khả năng các ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục bán nợ cho VAMC trong năm nay.
Năm 2014, VAMC sẽ có kế hoạch mua từ 70.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, theo VAMC, điều quan trọng là phải xử lý nợ xấu đã mua hơn là đặt nặng vấn đề mua cho đủ số lượng.
Theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước thống kê, tỷ lệ nợ xấu có hướng tăng. Đến cuối tháng 3/2014, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại tại TP.HCM chiếm 4,7% tổng dư nợ. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại lại tăng lên mức 4,84%, cho dù đã xử lý được 6.600 tỷ đồng nợ xấu.
Đại diện nhiều ngân hàng thừa nhận, dù đã ra sức xử lý nợ xấu, nhưng nợ xấu vẫn có xu hướng tăng. Trong 5 tháng đầu năm, riêng khu vực TP.HCM đã xử lý được trên 6.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng thu bằng tiền mặt chỉ được hơn 300 tỷ đồng.
Các ngân hàng cũng quan ngại nếu thị trường bất động sản không được khơi thông sớm thì khó có thể xử lý nợ xấu vì từ trước đến nay nợ xấu các doanh nghiệp bất động sản vẫn chiếm tỷ lệ cao.Trong khi đó, việc xử lý khoản nợ có liên quan đến bất động sản rất phiền toái.
Bán nợ xấu cho VAMC hiện cũng không thể giải quyết triệt để tận gốc nợ xấu, ngân hàng phải trích 20% dự phòng, nhưng nếu sau 5 năm các khoản nợ xấu đó chưa được xử lý, thì ngân hàng sẽ phải nhận lại.
Xử lý nợ xấu
Theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để xử lý được nợ xấu, cũng cần phải có thị trường mua - bán nợ và có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, thì VAMC mới có thể nhanh chóng xử lý được nợ xấu.
Về phía các ngân hàng, để giải quyết nợ xấu, NH lên kế hoạch cơ cấu lại nợ, thậm chí chủ động góp vốn thành cổ phần. Ông Đỗ Duy Hưng, Tổng Giám đốc ngân hàng Bản Việt cho biết: "Chúng tôi cố gắng hết sức để đưa tỷ lệ nợ xấu xuống thấp bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó hình thức khác là cấn trừ nợ cho DN để chuyển thành cổ phần. Khi cho vay, NH rất muốn thu hồi nợ gốc nhưng trong tình huống khó khăn thì phải linh động chuyển thành cổ phần, vốn góp để xử lý nợ xấu”.
Các NH đang cố gắng đẩy mạnh xử lý nợ xấu xuống dưới 3% với nhiều hình thức như: cơ cấu nợ, chuyển qua VAMC, hợp tác khách hàng cấn trừ nợ để chuyển thành cổ phần. Hiện nay cơ chế xử lý nợ theo hướng chuyển thành cổ phần được các NH cho là giải pháp hết sức linh động, vì DN hài lòng, NH thu hồi được nợ.
Khả năng xử lý nợ xấu của VAMC vẫn là một dấu hỏi. Cho đến nay, cơ quan này vẫn chưa có động thái nào đáng kể để xử lý số nợ đã mua. Ông Hùng cho biết VAMC đã thực hiện xong khâu phân loại nợ xấu. Theo đó, có 14.000 tỉ đồng được xem xét bán tài sản, 14.700 tỉ đồng được xem xét để cơ cấu nợ và 6.800 tỉ đồng phát mãi tài sản để thu hồi nợ.
Nợ xấu tăng khiến dòng chảy tín dụng vốn đã bị nghẽn vì sức mua yếu, lại còn gặp khó khăn hơn. Tính tới cuối tháng 6/2014, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng mới chỉ đạt 3,52%.
Quốc Hưng (Tổng hợp)