Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đề cập mới đây, quy mô lãi dự thu của hệ thống ngân hàng tăng cao và dồn lại trong những năm qua. Nợ xấu cũng tiềm ẩn ở đây, dù không mở rộng ở nhiều thành viên.
Tuần qua, tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Nợ xấu vẫn là nội dung nổi bật, có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục báo cáo thêm.
Bởi lẽ, vẫn còn những băn khoăn từ phía các đại biểu về tỷ lệ nợ xấu, hướng xử lý phần đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Cùng thời điểm, các ngân hàng thương mại lần lượt công bố báo cáo tài chính quý 3/2016, với phần lớn nợ xấu ở dưới mức 3%.
“Cấp độ thứ ba”
Vì sao mốc 3% quan trọng vậy? Vì đây là chuẩn mực Việt Nam, dùng để tham chiếu cho hàng loạt quy định an toàn, các điều kiện trong hoạt động.
Sát sườn với các ngân hàng thương mại, nếu để nợ xấu vượt mức 3%, tay chân họ sẽ bị trói buộc trong đầu tư, mở rộng kinh doanh, phát hành tăng vốn… Tựu trung, trong nhiều quy định pháp lý, liên quan đến cấp phép cho ngân hàng làm gì đó, quy định là nợ xấu đều phải dưới mốc 3%.
Bên ngoài nhìn vào cũng ngắm theo mốc đó. Bên ngoài cũng rất quan trọng, vì đối tác, bạn hàng sẽ cân nhắc nếu có tỷ lệ nợ xấu cao hơn giới hạn trên.
Như đầu năm nay, một số nhà đầu tư nước ngoài vào xem xét cơ hội đầu tư vào hai ngân hàng Việt Nam. Họ băn khoăn ngay: vì sao tỷ lệ nợ xấu thấp vậy, phần bán cho VAMC có nên tính gộp vào không và nên hiểu thế nào?
Có một câu trả lời gián tiếp. Từ tháng 9/2015, đặc biệt từ đầu 2016 đến nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đã rất hạn chế bán lại nợ xấu cho VAMC. Vì sao vậy?
Đầu tiên, kể từ tháng 10/2013 - 9/2015, lượng lớn nợ xấu đã dồn dập bán. Một lý giải tự nhiên, phần khó xử lý sẽ được đem bán rồi, phần dễ và có triển vọng xử lý tốt hơn dĩ nhiên các ngân hàng có lợi khi để lại tự xử lý. Đây cũng là một ý góp phần giải thích vì sao tỷ lệ xử lý nợ xấu sau mua của VAMC chưa cao, vì phần lớn là các khoản khó.
Thứ nữa, sau khi bán cho VAMC, tỷ lệ thu hồi vẫn thấp, các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng lượng lớn theo quy định lũy kế 20% mỗi năm. Trong khi đó, theo quy định của Thông tư 02, nếu giữ lại, ngân hàng có thể đỡ hơn khi được khấu trừ tài sản đảm bảo cho khoản nợ đó khi thực hiện trích lập dự phòng rủi ro.
Tiếp theo, không có quy định các ngân hàng ngừng bán nợ xấu cho VAMC, nhưng họ đang chờ đợi diễn tiến tiếp theo của nợ xấu. Đây là “cấp độ thứ tư”, dự báo sẽ quyết liệt nữa, sẽ đề cập ở phần sau.
Còn hiện tại, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang phản ánh ở “cấp độ thứ ba”.
“Cấp độ thứ nhất” nằm từ tháng 10/2011 trở về trước. Nó chủ yếu thể hiện quan điểm, góc nhìn của hệ thống đối với nợ xấu, hơn là diễn biến tăng lên hay giảm đi. Khi đó, nợ xấu của hệ thống chỉ ở mức thấp theo số liệu công bố, không đáng ngại với khoảng 3-3,4%. Nhưng, các tổ chức quốc tế vẫn bảo lưu góc nhìn mức độ hai con số.
Tháng 10/2011, tại diễn đàn Quốc hội, lần đầu tiên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khi đó chính thức xác nhận nợ xấu thực tế ở mức độ hai con số. Về sau, số liệu cụ thể là 17,21% xác định tại tháng 9/2012. Đây cũng là điểm bắt đầu của “cấp độ thứ hai”.
“Cấp độ thứ hai”, nợ xấu phản ánh tỷ lệ theo góc nhìn mà khi đó Ngân hàng Nhà nước gọi là giám sát từ xa. Tức là, số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng là một, con số thứ hai cao hơn rất nhiều là theo giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước.
Ở cấp độ này, mức độ nợ xấu chính thức được nhận diện một cách sát thực đến khắc nghiệt. Một điển hình khắc nghiệt là “cơ chế chống đau mắt đỏ”, một người bị đau mắt thì cả làng phải nhỏ thuốc; một doanh nghiệp có nợ xấu tại một ngân hàng, tất cả các khoản nợ của doanh nghiệp này tại các ngân hàng khác, dù chưa xấu, cũng bị buộc phải chuyển thành nợ xấu.
Ở cấp độ này, Ngân hàng Nhà nước áp dụng một loạt cơ chế chặt chẽ hơn, chuẩn mực cao hơn để nhận diện nợ xấu; cũng như quy hoạch liên quan trên thị trường liên ngân hàng và kênh trái phiếu…
Nhưng, ngược lại, ở “cấp độ thứ hai” cũng có sự nhượng bộ (trong điều kiện bắt buộc phải hạn chế tình huống đổ vỡ và gây bất ổn vĩ mô) qua cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm (Quyết định 780 và chuyển tiếp trong Thông tư 09), cùng VAMC ra đời.
Và nay, khi lượng nợ xấu bán cho VAMC dần phanh lại, lượng nợ lẽ ra là nợ xấu được cơ cấu ở “cấp độ thứ hai” theo thời gian lần lượt trở về khi doanh nghiệp vẫn không thể trả được nợ, các ngân hàng buộc phải ghi nhận đúng nhóm, nợ xấu chuyển sang “cấp độ thứ ba”.
Ở “cấp độ thứ ba” này, như trên, các biện pháp tình thế phải pha loãng, tạm gửi, trì hoãn và nhượng bộ trước đây đã dần hết hiệu lực, nên nợ xấu dần được ghi nhận thực tế hơn trước. Theo đó, cấp độ này có khía cạnh tích cực là bớt đi sự “nói dối”, nhận diện đúng mức độ hơn để ứng xử đúng mực, hoạch định giải pháp đúng mức hơn.
Xét theo hướng đó, diễn biến nợ xấu theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay (dĩ nhiên không tính phần bán cho VAMC) vẫn dưới 3%, vẫn được kiểm soát tốt trong điều kiện phải nhận về những tạm gửi của sự pha loãng, cơ cấu, trì hoãn… của quá khứ.
“Cấp độ thứ tư”
Theo tiến trình nhận diện và xử lý nợ xấu nói trên, hệ thống ngân hàng đang đứng trước tương lai quyết liệt hơn, cả khắc nghiệt hơn, nhưng cũng có khía cạnh tích cực của nó - “cấp độ thứ tư”.
Như trên, một trong những lý do các tổ chức tín dụng đã hạn chế bán lại nợ cho VAMC là vì họ chờ đợi diễn tiến tiếp theo ở cấp độ này. Nếu áp lực quá lớn, vượt trên ngưỡng 3%, có thể họ sẽ đẩy mạnh hơn việc bán lại.
Áp lực đó nằm ở ứng xử với vấn đề lãi dự thu. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đề cập mới đây, quy mô lãi dự thu của hệ thống ngân hàng tăng cao và dồn lại trong những năm qua. Nợ xấu cũng tiềm ẩn ở đây, dù không mở rộng ở nhiều thành viên.
Thử thách đặt ra với hệ thống, với Ngân hàng Nhà nước, như đã từng có ở “cấp độ thứ hai” là quan điểm, tinh thần và sự quyết liệt trong ứng xử với sự tích tụ của lãi dự thu những năm trước dồn lại như thế nào.
Nếu Ngân hàng Nhà nước thực sự vào cuộc, làm rõ chất lượng lãi dự thu hay nợ xấu tiềm ẩn ở đây, quyết liệt trong yêu cầu thoái thu, mức độ và các bước của nó đều sẽ phản ánh ở “cập độ thứ tư” dự kiến trong tương lai này.
Và như trên, nếu tình huống trên hiện thực, khía cạnh tích cực là, nợ xấu ngân hàng sẽ càng được làm rõ hơn, nhận diện chính xác và chặt chẽ hơn để hoạch định ứng xử, đề càng minh bạch và quyết liệt hơn nữa trong củng cố an toàn hệ thống. Còn nợ xấu, dĩ nhiên, đã xấu rồi.
Theo Minh Đức
VnEconomy