Nợ xấu Vietcombank có xu hướng gia tăng đáng kể
Trong 5 năm trở lại đây, nợ xấu của Vietcombank có nhiều thay đổi. Năm 2018 tổng nợ xấu được duy trì ổn định so với năm 2017, nhưng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại tăng đột biến tới gần 2,5 lần và tăng tỷ trọng đến hơn 76%.
Đến năm 2019, chỉ qua 9 tháng đầu năm nhưng ngân hàng đã ghi nhận số nợ xấu 7.625 tỷ đồng, chiếm 1,07% tổng dư nợ tín dụng, tăng 491 tỷ đồng so với cuối tháng 6/2019 và đã tăng 1.402 tỷ đồng (tương đương tăng 22,5%) so với hồi đầu năm 2019.
So với cuối năm 2018 thì nợ xấu của Vietcombank đã tăng thêm trên 1.400 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng hơn 4 lần so với thời điểm đầu năm lên 1.240 tỷ. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 31,4% lên 1.525 tỷ đồng, nợ nhóm 5 chiếm gần 64% lên 4.860 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng từ mức dưới 1% hồi đầu năm lên 1,07% cuối tháng 9/2019.
Phân tích chất lượng nợ cho vay 9 tháng đầu năm. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3 /2019 tại ngân hàng Vietcombank.
Thực tế, so với "mức trần" 3% mà Ngân hàng nhà nước quy định thì đây không phải là con số lớn. Thế nhưng, so với chính bản thân Vietcombank thì nợ xấu đang có xu hướng gia tăng đáng kể.
Trong khi nợ xấu gia tăng thì lợi nhuận 9 tháng đầu năm tại Vietcombank lại đạt kỷ lục. Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 17.613 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng tăng trưởng ấn tượng, lần lượt tăng 30,3% và 57,6% đạt 3.423 tỷ đồng và 2.535 tỷ đồng.
Cuối tháng 9/2019, tổng tài sản của Vietcombank tăng 7,8% so với hồi đầu năm lên hơn 1,15 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,1% đạt 708.096 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 12,5% đạt 902.184 tỷ đồng.
Nguồn gốc của nợ xấu
Về vấn đề gia tăng nợ xấu tại Vietcombank, lý do đầu tiên bắt nguồn từ khối lượng nợ xấu còn tồn đọng vẫn chưa giải quyết triệt để thì nợ xấu mới lại đang tiếp tục hình thành.
Trong nửa năm 2019, ngân hàng đã mạnh tay cho vay biểu hiện qua việc room tín dụng đã sử dụng gần hết so với chỉ tiêu tín dụng được giao. Tín dụng tăng thì đi kèm theo đó là rủi ro nợ xấu cũng gia tăng theo. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt khoảng 9%, trong 9 tháng đầu năm đạt 12,06%. So với hạn mức tín dụng được cấp cả năm là 15% thì Vietcombank đã sử dụng gần hết.
Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2019 là thời hạn 5 năm mà những đợt trái phiếu đầu tiên do VAMC phát hành đến thời gian đáo hạn. Lượng trái phiếu đặc biệt VAMC phát hành trong năm 2014 khá lớn.
Do đó, trong khoảng 6 tháng đầu năm 2019, Vietcombank cũng mua lại những khoản nợ này, đã chính thức xóa sạch số nợ xấu được bán cho VAMC trước đây. Đây cũng chính là 1 trong những yếu tố dẫn đến nợ xấu của các ngân hàng gia tăng.
Hà Phương