Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao nhấn mạnh, vốn hạn chế khiến VAMC khó có khả năng đưa ra quyết định lớn trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao chia sẻ về cách thức xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Quan điểm này được ông Takehiko Nakao – Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra tại cuộc họp báo chiều 19/9, khi trả lời câu hỏi của PV Infonet về hiệu quả xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thông qua Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Trong lần thứ hai trở lại Việt Nam, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao đánh giá cao những thay đổi mà nền kinh tế Việt Nam đã đạt được thời gian gần đây so với thời điểm trước năm 2011.
Đáng chú ý trong lịch trình làm việc dày đặc của Chủ tịch ADB tại Việt Nam, người từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, lần này là cuộc gặp gỡ với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình xoay quanh câu chuyện xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Không bình luận về tỷ lệ nợ xấu cao hay thấp của hệ thống ngân hàng, nhưng Chủ tịch ADB nhấn mạnh, cách thức xử lý nợ xấu mà NHNN đã và đang tiến hành để đẩy lùi “cục máu đông” ra khỏi hệ thống ngân hàng là đúng hướng, song cần nỗ lực lớn hơn nữa.
Ông cũng đánh giá cao việc thành lập VAMC, cũng như việc cơ cấu lại các khoản nợ của các NHTM. Thông qua VAMC, các khoản nợ xấu sẽ tạm thời được loại bỏ khỏi bảng cân đối tài sản của các NHTM, từ đó một lượng vốn sẽ được bơm trở lại sau quá trình “lọc” và bán nợ xấu cho VAMC.
Chủ tịch ADB cho rằng, cần có thêm nguồn tiền để VAMC xử lý nợ xấu.
“Tôi là người Nhật Bản, sau khủng hoảng tài chính những năm 90 Nhật Bản rơi vào suy thoái nên quá trình xử lý nợ xấu trong hệ thống tài chính gặp nhiều khó khăn. Nhưng Việt Nam thì khác khi tăng trưởng GDP vẫn ở mức khoảng 5%, nghĩa là GDP danh nghĩa lúc nào cũng tăng trưởng. Cơ hội kinh tế vĩ mô này giúp giải pháp xử lý nợ xấu mà NHNN đưa ra dễ dàng đi tới đích nhanh hơn. Cái chính là khả năng xử lý nợ như thế nào cho hiệu quả nhất” – ông Takehiko Nakao chia sẻ.
Ngoài việc các ngân hàng tự xử lý nợ xấu, Chủ tịch ADB nhấn mạnh tới vai trò của VAMC như là một “móc xích” quan trọng trong việc xử lý nợ xấu. Nhưng ông lưu ý, với mức vốn hạn chế (chỉ 500 tỷ đồng vốn điều lệ -PV) thì công ty này khó có khả năng đưa ra những quyết định then chốt trong việc xử lý nợ xấu. Ông cũng đồng tình với quan điểm cần “bơm” thêm vốn để VAMC dễ dàng hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai.
“Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cần xử lý càng sớm càng tốt, bởi nếu để lâu “bệnh” sẽ càng trầm trọng”- ông nói.
Về phía ADB, Chủ tịch Takehiko Nakao nhấn mạnh, ngân hàng này sẵn sàng cung cấp các khoản vay hỗ trợ trực tiếp cho Chính phủ và NHNN để hỗ trợ cải cách hệ thống ngân hàng, DNNN và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngay trong năm 2014 này, một khoản vay tương tự sẽ được ADB ký với NHNN. “Đây là đóng góp nhỏ của ADB để giúp Việt Nam xử lý nợ xấu nhanh hơn, cũng như cơ cấu lại hệ thống ngân hàng” – Chủ tịch ADB nói.
Theo Báo Bưu điện Việt Nam