Nợ xấu đã bắt được “bệnh” và đang được chữa kịp thời?

Tính đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu toàn hệ thống là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ. Tính theo tháng, tháng 7/2014 có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện.

Nhìn thẳng vào nợ xấu
Nợ xấu- khoản rủi ro trong tín dụng NHTM phải gánh chịu trong quá trình cho vay- luôn tồn tại trong hoạt động của các NHTM trên thế giới. Ở Việt Nam, nợ xấu xuất hiện trong bối cảnh nền kinh tế chịu sự ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới; tăng trưởng nóng, chỉ tập trung vào chiều rộng, số lượng mà không chú trọng chiều sâu, chất lượng. Việc đầu tư ngoài ngành, đầu tư dàn trải đã ảnh hưởng tới khả năng thanh khoản của các doanh nghiệp kéo theo sự giảm mạnh của tổng cầu, sự suy yếu của doanh nghiệp diễn ra từ những năm trước đây.

Dũng cảm nhìn vào sự thật, từ năm 2012, NHNN đã từng bước “thăm khám và bắt bệnh” nợ xấu bằng những “bài thuốc đắng”. Đó là việc đưa ra Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro với mục tiêu nhận diện rõ mức độ nợ xấu. Tiếp đó, Thông tư 09 với những quy định và tiêu chuẩn khắt khe hơn để phân loại nợ- một trong những nguyên nhân chính yếu khiến nợ xấu các ngân hàng đồng loạt tăng, dù chỉ sau một tháng có hiệu lực. Các ngân hàng buộc phải gọi đúng tên nợ xấu cho các khoản tiền gửi quá hạn tại ngân hàng khác, các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp mà không “đáo hạn” nổi…

Góc nhìn đa chiều về nợ xấu
Góc nhìn đa chiều về nợ xấu.

NHNN đã có hàng loạt các biện pháp quyết liệt để chỉ đạo xử lý nợ xấu, như quy định các NHTM chỉ được chia cổ tức khi đã trích lập đầy đủ các khoản dự phòng rủi ro. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu cho nền kinh tế, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng- VAMC đã ra đời như một công cụ tối ưu cho việc xử lý nợ xấu mà không sử dụng nguồn tiền từ ngân sách. Đến cuối tháng 8/2014, VAMC đã mua được 3.281 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc hơn 56 ngàn tỷ đồng nợ xấu, giá mua hơn 46 ngàn tỷ đồng; thu hồi được 1.462 tỷ đồng nợ xấu.

Tính đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu toàn hệ thống là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ. Tính theo tháng, tháng 7/2014 có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện.
Thực tế, kinh nghiệm xử lý nợ xấu của nhiều quốc gia rất khác nhau, có nhiều nước phải sử dụng nguồn ngân sách. Cách xử lý nợ xấu ở Việt Nam là không có tiền lệ khi VAMC đã có nhóm giải pháp sáng tạo: xử lý nợ không dùng tiền ngân sách. Cụ thể, nợ xấu được chuyển về VAMC đã làm sạch bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, làm tăng uy tín của các ngân hàng trên thị trường trong và ngoài nước, tăng khả năng cung tín dụng với lãi suất thấp. Ngoài ra, VAMC trong một số trường hợp có thể mua nợ xấu của ngân hàng theo giá trị thị trường, giúp tạo ra “tiền tươi thóc thật” cho các ngân hàng bán nợ.

Tuy vậy, để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, chỉ mỗi VAMC thì chưa thể đạt kết quả như kỳ vọng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, VAMC cần có sự phối hợp đồng bộ với nhiều bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng. Bởi, sau khi mua nợ xấu, VAMC sẽ phải xử lý các khoản nợ xấu đã mua, trong đó có việc hoàn tất các thủ tục pháp lý để xử lý tài sản đảm bảo góp phần xử lý nợ xấu, đồng thời ngăn chặn nợ xấu phát sinh. Ngoài ra, thị trường cần được khơi thông mạnh mẽ hơn, hỗ trợ giải phóng hàng tồn kho, luân chuyển dòng tiền.

Cả nền kinh tế đang hưởng lợi

Với sự quyết liệt của NHNN, những động thái chủ động, tích cực của các NHTM, sức khỏe của hệ thống ngân hàng đã có những dấu hiệu lạc quan hơn. Vai trò dẫn dắt và định hướng thị trường của NHNN đã phát huy tác dụng tích cực.
Hệ thống tín dụng sau một thời gian dài mang trong mình những tồn tại, khó khăn, nay đã hoạt động an toàn, tránh được nguy cơ đổ vỡ.
Bản thân các NHTM, sau khi tham gia vào quá trình tái cấu trúc và xử lý nợ xấu- đã khỏe mạnh hơn. SHB sau khi sáp nhập Habubank vào đã lớn mạnh trông thấy. PVcomBank đang nỗ lực sau khi đi lên từ công ty tài chính PVFC sáp nhập ngân hàng Westernbank. NCB cũng đang chuyển mình sau khi đổi tên từ Navibank.

Đặc biệt là trường hợp HDBank. Để tăng quy mô và năng lực trên thị trường, ngân hàng này đã chủ động tiến hành tái cấu trúc thông qua việc tự nguyện nhận sáp nhập DaiABank- tổ chức tín dụng không thuộc diện yếu kém vào HDBank để tạo ra một ngân hàng HDBank sau sáp nhập có quy mô lớn hơn về vốn tài sản, mạng lưới hoạt động và hiệu quả hơn về năng lực quản trị điều hành. Nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập cũng là một vấn đề mà HDBank đã xử lý thành công. Tại thời điểm sáp nhập, nợ xấu của HDBank khoảng 4,8%. Đến nay, tỷ lệ này là dưới 3%. 8 tháng đầu năm, HDBank đã bán được gần 1500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Với sự quyết liệt của cả hệ thống, nền kinh tế vĩ mô đã ổn định với những điểm sáng đầy hy vọng. Dòng vốn đã luân chuyển vào nền kinh tế với chất lượng tín dụng cao. Doanh nghiệp và người dân đã được vay vốn với lãi suất thấp hấp dẫn, dưới 10%/năm, thậm chí theo NHNN, những doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh tốt còn được vay vốn chỉ 6 – 7%/năm. Nhờ vậy, đến thời điểm đầu tháng 9, tín dụng toàn hệ thống đã tăng được 6,21% và hoàn toàn lạc quan với mục tiêu khoảng 12% cho cả năm.

Nợ xấu đã được “bắt bệnh” và đang được “chữa bệnh” kịp thời. Cả nền kinh tế đang hưởng lợi từ sự vào cuộc quyết liệt của ngành ngân hàng. Với điểm mạnh là khả năng thanh khoản dồi dào, một nguồn vốn lớn từ các NHTM đang chờ những doanh nghiệp tốt đến gõ cửa. Và nếu các doanh nghiệp đẩy mạnh tái cấu trúc mạnh mẽ hơn nữa, nền kinh tế chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.

Theo Infonet

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục