Mới đây, ngân hàng PGBank đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2019 chỉ đạt 8 tỷ, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 của PGBank chỉ đạt 94 tỷ, giảm 5% so với cùng kỳ.
Đến cuối tháng 6/2019, tổng tài sản ở PGBank là 28.211 tỷ đồng, giảm 5,6% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng chỉ tăng nhẹ 1,2% lên 22.080 tỷ đồng; tiền gửi tại NHNN sụt giảm mạnh 70% xuống 580 tỷ. Huy động tiền gửi khách hàng của PGBank sụt giảm 7,8% xuống còn 21.519 tỷ.
Đặc biệt, nợ xấu tại PGBank có xu hướng tăng lên. Tại thời điểm ngày 30/6/2019, nợ xấu của GPBank là 683 tỷ đồng, tăng 29 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay theo đó tăng từ 2,96% lên 3,06%.
Nợ xấu của PGBank gia tăng. Ảnh minh họa.
Giải thích về việc hoạch động kinh doanh yếu kém, phía Hội đồng quản trị của PG Bank cho biết nguyên nhân là quá trình đợi sáp nhập với HDBank kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của ngân hàng. Quy mô tổng tài sản, huy động vốn và cho vay đều tăng trưởng chậm lại và không đạt kế hoạch đề ra.
Vẫn chưa rõ khi nào chính thức sáp nhập?
Về đề xuất sáp nhập giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank) và PGBank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về mặt nguyên tắc vào tháng 9/2018 tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có phê duyệt chính thức.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PG Bank cho biết “Về nguyên tắc, sau khi có chấp thuận về nguyên tắc thì sau 45 ngày sẽ có chấp thuận chính thức. Tuy nhiên, có lẽ NHNN cần có những đánh giá, hướng xử lý cụ thể, và phải ưu tiên cho một số TCTD nên quá trình đánh giá này chậm lại”.
Vì vậy, vị chủ tịch của PGBank cũng chưa rõ thời hạn cụ thể sáp nhập giữa hai ngân hàng.
Theo đề án, HDBank và PGBank sẽ sáp nhập với tỷ lệ hoán đổi là 1:0,621 (1 cổ phiếu PGBank hoán đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank). HDBank sẽ phát hành 300 triệu cổ phiếu phổ thông để hoán đổi cổ phần PGbank. Vốn điều lệ sau phát hành là 12.810 tỷ đồng (HDBank 9.810 tỷ và PGBank là 3.000 tỷ đồng).
Được biết, PGBank vốn là một trong những ngân hàng có nhiều tiềm năng phát triển. Sở dĩ có những lình xình về hướng đi trong vài năm gần đây xuất phát từ những thay đổi trong chính sách của Nhà nước.
Nợ xấu của PGBank từng ở mức rất cao, chiếm đến 8,4% tổng dư nợ cho vay cuối năm 2012. Từ sau năm 2013, nợ xấu tại PGBank đã có sự cải thiện đáng kể, giảm dần về dưới 3%, song lại bất ngờ tăng khá mạnh trở lại vào năm 2017.
Hết năm 2017, nợ xấu tuyệt đối của PGBank là hơn 690 tỷ đồng, chiếm 3,23% tổng dư nợ cho vay, tăng lên khá nhiều so với mức 2,47% hồi cuối năm 2016 và vượt qua ngưỡng cho phép 3% của NHNN. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn tăng tới 84% lên hơn 500 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng khá lớn là 73% trên tổng nợ xấu tại PGBank.
Năm 2018, nợ quá hạn và nợ xấu xử lý khá chậm. Nợ quá hạn đạt 1.146 tỷ đồng và nợ xấu là 675 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu giảm nợ xấu mà PG Bank đề ra hồi đầu năm 2018. Thu nợ đã bán cho VAMC chỉ đạt 67,1 tỷ đồng, tương đương 10% kế hoạch.
Với tình hình như hiện nay, kế hoạch năm 2019 mà PGBank đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 khó có thể hoàn thành như dự định.
Kế hoạch đề ra năm 2019 của PGBank: Lợi nhuận 159 tỷ đồng, tăng trưởng 33%
Tại đại hội, Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PG Bank trình cổ đông kế hoạch tổng tài sản đến 31/12/2019 đạt 32,7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 9%.
Tổng huy động đạt 29.197 tỷ, tăng 13%, trong đó huy động thị trường 1 đạt 28.547 tỷ đồng, tăng trưởng 11%. Dư nợ tín dụng dự kiến đạt 23.892 tỷ đồng, tăng trưởng 8,3% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 211 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với năm trước.
Về công tác xử lý và thu hồi nợ, lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ bổ sung đủ nguồn lực để thực hiện tốt công tác xử lý, thu hồi nợ. Dự kiến thu hồi tổng cộng 715 tỷ đồng; trong đó, nợ xấu là 228 tỷ, nợ bán cho VAMC là 424 tỷ, thu nợ đã sử dụng dự phòng rủi ro là 63 tỷ.
Hà Phương